VCBS vừa công bố báo cáo cập nhật ngành ngân hàng, theo đó, một trong những nguồn thu nhập ngoài lãi quan trọng của các ngân hàng là bancassurance.
Cụ thể, trong năm 2022, các ngân hàng có động lực đẩy mạnh nguồn thu từ bán chéo bảo hiểm trong điều kiện room tín dụng hạn chế. Doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới qua kênh bancassurance tăng 45% so với năm 2021, tổng thu phí bảo hiểm tại các ngân hàng niêm yết tăng 16,4%.
Theo thống kê của VCBS, dẫn đầu về doanh số bảo hiểm mới trong năm 2022 là Ngân hàng TMCP Quân đội (HoSE: MBB) với số liệu ghi nhận là 2.143 tỷ đồng.
MB sở hữu hệ sinh thái gồm 2 công ty bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ là Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ MB Ageas (MBAL, một liên doanh giữa MB, Tập đoàn Ageas và Công ty bảo hiểm nhân thọ Muang Thai) và Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MIC, HoSE: MIG).
Doanh số bảo hiểm mới của MBBank tăng dần từ quý I sang quý II/2022, chững lại trong quý III và tăng trưởng mạnh ở quý cuối năm.
Ở vị trí thứ hai là Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (HoSE: VIB). Doanh số bảo hiểm mới ghi nhận trong năm 2022 của VIB là 1.868 tỷ đồng. Trong đó, quý IV đạt mức doanh số cao nhất so với 3 quý còn lại trong năm.
Được biết, VIB đã ký kết thoả thuận đối tác chiến lược lâu dài với Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam vào năm 2015, thời hạn 15 năm. Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 diễn ra mới đây, ban lãnh đạo ngân hàng này tiết lộ đang đàm phán với Prudential để gia hạn hợp đồng trong 13 năm tới.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank, HoSE: STB) xếp thứ 3 trong top 10 ngân hàng có doanh số bảo hiểm mới cao nhất trong năm 2022, với doanh số đạt được là 1.817 tỷ đồng.
Sacombank hiện đang phân phối các sản phẩm bảo hiểm của Công ty Bảo hiểm nhân thọ Dai-ichi-Life Việt Nam theo hợp đồng đại lý bảo hiểm độc quyền được ký kết vào năm 2017 với thời hạn 20 năm. Đến năm 2021, hai bên tiếp tục ký kết nâng tầm hợp đồng đại lý bảo hiểm độc quyền để nâng giá trị cam kết lên tầm cao mới.
Các ngân hàng khác có mặt trong top 10 có thể kể đến như Ngân hàng TMCP Á Châu (HoSE: ACB), Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank, HoSE: VCB), Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank, HoSE: TCB), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, HoSE: VPB), Ngân hàng TMCP Phát triển TP. HCM (HDBank, HoSE: HDB), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank, HoSE: CTG) và Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (HoSE: MSB).
Theo VCBS, một số ngân hàng đã chuyển từ mô hình giới thiệu bảo hiểm sang bán hàng trực tiếp với tỷ lệ hoa hồng cao hơn. Các ngân hàng như MB, TCB, VIB… đã xây dựng các nền tảng bán bảo hiểm số giúp giảm thời gian và tăng hiệu quả bán bảo hiểm.
Trong năm 2022, các ngân hàng như Vietcombank, ACB, VietinBank, Sacombank, VPBank đã ghi nhận một phần phí trả trước cho hợp đồng bancassurance độc đã ký kết. Thị trường cũng đã ghi nhận một thương vụ mới của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank, HoSE: LPB) vào quý IV/2022.
Nhiều thách thức đặt ra cho tăng trưởng trong năm 2023
Dù được nhận định vẫn sẽ là kênh kiếm tiền hiệu quả của các ngân hàng, tuy nhiên dư địa tăng trưởng của mảng kinh doanh bảo hiểm của nhà các nhà băng được nhận định là sẽ có không ít thách thức trong năm 2023 khi việc đẩy mạnh thanh, kiểm tra ngân hàng ép khách mua bảo hiểm có thể khiến hoạt động bán chéo bảo hiểm của ngân hàng gặp khó khăn hơn trong các năm trước đây.
Được biết, Bộ Tài chính mới đây cho biết đã tổ chức đoàn thanh tra chuyên đề về phân phối bảo hiểm qua ngân hàng đối với 4 doanh nghiệp bảo hiểm và hiện đang hoàn thiện kết luận thanh tra, sẽ thông tin khi kết luận chính thức được công bố.
Vào ngày 21/2, Bộ Tài chính cũng đã thiết lập đường dây nóng, email để tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân và doanh nghiệp liên quan đến hoạt động bán bảo hiểm.
Đường dây nóng được công bố sau hàng loạt phản ánh của người dân về tình trạng nhân viên của một số ngân hàng giới thiệu, chào mời, ép buộc khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm liên kết đầu tư khi tới gửi tiền hoặc vay vốn tại các ngân hàng.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã nhiều lần yêu cầu tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm, các công ty môi giới bảo hiểm nhừm hạn chế tối đa tình trạng gian lận, trục lợi bảo hiểm cũng như đảm bảo tối đa quyền lợi của người mua bảo hiểm.
Ở một diễn biến khác, trong một báo cáo về ngành ngân hàng công bố mới đây, Công ty Chứng khoán VNDirect mới đây cũng cho rằng tăng trưởng phí dịch vụ từ hoạt động bancassurance của ngành ngân hàng sẽ chậm lại đáng kể do nền kinh tế gặp nhiều khó khăn gây ảnh hưởng xấu đến thu nhập của người tiêu dùng, cụ thể là nhu cầu mua bảo hiểm. Theo VNDirect, bancassurance không còn là “con gà đẻ trứng vàng” của các ngân hàng như những năm trước đó.