Ngân hàng lãi lớn, doanh nghiệp sản xuất vẫn trăm bề khó khăn

PV | 17:24 05/05/2023

Trong một báo cáo mới được gửi đến Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước đã đề cập “Thực trạng các ngân hàng thương mại đạt lợi nhuận cao trong bối cảnh người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng, lãi suất ở mức cao”.

Ngân hàng lãi lớn, doanh nghiệp sản xuất vẫn trăm bề khó khăn
Trong khi doanh nghiệp và người dân vẫn phải vay lãi suất cao, thì nhiều ngân hàng báo lãi đậm. (Ảnh: Int)

Mùa báo cáo tài chính của các doanh nghiệp đang diễn ra, nhiều đơn vị sản xuất tăng trưởng âm, nhưng các ngân hàng đều báo lãi.

Cụ thể, Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank - Mã: TCB) vừa công bố kết quả kinh doanh quý I/2023 với những chỉ số tăng trưởng tích cực, dù tình hình kinh tế vĩ mô và môi trường kinh doanh vẫn gặp nhiều thách thức. Trong đó, Techcombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt được 5,6 nghìn tỷ đồng, tăng 18,5% so với quý IV/2022.

Vietcombank cũng là cái tên được nhắc tới, khi lợi nhuận quý 1/2023 đạt 11.200 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 14% so với cùng kỳ và đạt 26% kế hoạch năm 2023.

Tại ĐHĐCĐ của VietinBank, lãnh đạo ngân hàng này cho biết, tính đến cuối quý 1/2023, tổng tài sản hợp nhất ước tính tăng 0,9%, dư nợ tín dụng ước tính tăng 4,6%, nguồn vốn huy động thị trường 1 ước tính tăng 2%. Lợi nhuận trước thuế ước tính tăng hơn 5% so với cùng kỳ năm 2022.

Còn tại ngân hàng BIDV, đến hết quý 1/2023, dư nợ tín dụng đạt trên 1,57 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 5%; huy động vốn đạt trên 1,65 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 2,3%, lợi nhuận trước thuế đạt6.600 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ.

Báo cáo tài chính của MSB cho thấy, kết thúc quý 1/2023, tổng thu nhập hoạt động của MSB đạt gần 2.900 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ 2022. Trong đó, thu nhập lãi thuần chiếm 75%, đạt hơn 2.150 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước.

Lợi nhuận trước thuế của HDB trong Q1/2023 ước đạt 3 - 3,2 nghìn tỷ đồng (+20% - 25% svck) với tín dụng tăng trưởng mạnh 10% so với đầu năm và tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát. Lợi nhuận trước thuế của VIB đạt khoảng 2.500– 2.700tỷ đồng (tăng từ 10% đến 18% so với cùng kỳ) trong quý1/2023, đạt 22% kế hoạch.

Nhiều ý kiến cho rằng, một số ngân hàng vẫn tăng trưởng âm là những ngân hàng yếu kém đang có chủ trương được sáp nhập vào các ngân hàng lớn.

Bên cạnh đó, vấn đề doanh nghiệp khó khăn, ngân hàng lãi lớn, ngân hàng chưa thực sự chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp là vấn đề được đề cập khá nhiều tại nghị trường.

Theo kết quả khảo sát doanh nghiệp năm 2022 của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đang gặp phải là tiếp cận tín dụng. Cụ thể, trong năm 2022 tiếp cận tín dụng đã trở thành vấn đề lớn nhất với khoảng 55,6% doanh nghiệp phản ánh, tăng liên tục từ con số 34,8% của năm 2019, 40,7% của năm 2020 và 46,9% của năm 2021.

Tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận tín dụng có xu hướng giảm dần trong thời gian gần đây. Năm 2020, trong bối cảnh dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện, vẫn có 42,9% doanh nghiệp đang có khoản vay từ các ngân hàng. Tuy nhiên, tỷ lệ doanh nghiệp đang có khoản vay từ các ngân hàng chỉ còn 35,4% trong năm 2021. Đến năm 2022, tỷ lệ doanh nghiệp đang có khoản vay ngân hàng đã giảm đáng kể xuống con số 17,8%.

Trước đó, tại Hội nghị về công tác tín dụng được tổ chức cuối tháng 4, để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn, Phó Thống đốc Đào Minh Tú yêu cầu nhiều ngân hàng giải trình là việc giữ lãi suất cho vay ở mức cao trội hơn hẳn so với mức chung. Theo ông, trong khi mặt bằng chung đang ở mức 9-10%, có những ngân hàng để lãi suất cho vay “vống” lên 14%.

Không chỉ việc không hạ lãi suất cho vay về mặt bằng chung, Phó thống đốc còn thấy khó hiểu khi một số ngân hàng huy động thấp mà lại cho vay cao, nới mức chênh lệch lên lớn hơn nhiều thông thường. Có nơi đã giảm lãi suất huy động bình quân từ đầu năm nhưng lại tăng lãi suất cho vay.

Qua mấy đợt giảm lãi suất cho vay gần đây, nhiều ngân hàng đã trở về mức dưới 8%, tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp sản xuất, chi phí này vẫn cao so với mức lợi nhuận doanh nghiệp đạt được. Thậm chí, chi phí vay từ hồi lãi suất cao vẫn phải kéo dài cho hết thời gian đáo hạn hợp đồng gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.


(0) Bình luận
Ngân hàng lãi lớn, doanh nghiệp sản xuất vẫn trăm bề khó khăn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO