Ngân hàng đầu tiên tại VN giảm mạnh lãi suất cho vay đối với khách hàng cá nhân bị ảnh hưởng bởi bão Yagi

Pha Lê | 13:27 13/09/2024

Đây là ngân hàng thuộc nhóm các NHTMCP tư nhân lớn nhất Việt Nam với quy mô tài sản tính đến hết năm 2023 đạt 817.56 nghìn tỷ đồng.

Ngân hàng đầu tiên tại VN giảm mạnh lãi suất cho vay đối với khách hàng cá nhân bị ảnh hưởng bởi bão Yagi

VPBank giảm lãi suất cho khách hàng cá nhân

Cơn bão số 3 (hay còn có tên quốc tế là Yagi) đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng đến người và tài sản, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của nhân dân.

Để hỗ trợ người dân vượt qua giai đoạn khó khăn này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và NHNN chi nhánh các tỉnh, thành bị ảnh hưởng của bão rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng đang vay vốn để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng.

Trước yêu cầu của NHNN, mới đây, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã có thông báo triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất cho vay đối với khách hàng cá nhân hiện hữu chịu ảnh hưởng do bão Yagi. Đây cũng là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam thực hiện hỗ trợ giảm lãi suất cho khách hàng tại thời điểm này.

VPBank cho biết sẽ giảm lãi suất cho vay từ 0,5 - 1% cho khách hàng cá nhân bị ảnh hưởng bởi bão Yagi. Khoản vay trung và dài hạn sẽ được VPBank giảm 1% lãi suất, các khoản vay ngắn hạn được giảm 0,5% lãi suất. Chương trình hỗ trợ lãi suất của VPBank được triển khai từ 13/9 - 31/12/2024.

Song song với các hoạt động hỗ trợ trực tiếp đến khách hàng, VPBank cũng vừa ủng hộ 2 tỷ đồng hỗ trợ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3 vừa qua. "Số tiền này sẽ được VPBank chuyển khoản trực tiếp vào số tài khoản tiếp nhận của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhằm chung tay giúp đỡ đồng bào các địa phương bị thiệt hại", thông báo của VPBank nêu rõ.

VPBank đang kinh doanh thế nào?

NHTMCP Việt Nam Thịnh Vượng thuộc nhóm các NHTMCP tư nhân lớn nhất Việt Nam với quy mô tài sản tính đến hết năm 2023 đạt 817.56 nghìn tỷ VND, xếp thứ 7 toàn ngành. VPB nằm trong nhóm các ngân hàng có tỷ trọng dư nợ tín dụng khối bán lẻ cao nhất, đạt 41% trong năm 2023

Theo cáo cáo tài chính của ngân hàng này, quý 2/2024, VPB có thu nhập lãi thuần đạt 12.408 tỷ đồng (tăng 9,6% so với quý trước và tăng 41,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Thu nhập ngoài lãi đạt 3.720 tỷ đồng (tăng 78,2% so với quý trước, giảm 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái) khiến tổng thu nhập hoạt động (TOI) đạt 16.128 tỷ (tăng 20,3% so với quý trước và tăng 26,2% so với cùng kỳ năm ngoái). Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế của ngân hàng đạt 8.665 tỷ đồng, tăng 67,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tỷ lệ nợ xấu quý 2 của VPB đạt 5,08% trong đó nợ nhóm 3 và nhóm 5 tăng. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng mẹ đạt 3,31%, không thay đổi so với quý trước trong khi NPL của FE Credit theo ước tính đạt 21,4% tăng 252bps so với quý trước. Tỷ lệ nợ xấu mới tăng thêm hợp nhất theo ước tính của Công ty chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) trong quý 1/2024 đạt 1,5% chủ yếu do VPB đã thu lại phần nợ trái phiếu VAMC để thực hiện xử lý.

Nguồn: VPBank.

Tăng trưởng tín dụng ngân hàng mẹ trong nửa đầu năm 2024 đạt 8,4% YTD (giảm 4,6 ppts so với cùng kỳ) trong đó dư nợ cho vay khách hàng tăng 11,2% YTD trong khi dư nợ trái phiếu doanh nghiệp giảm 51,3% YTD. Dư nợ cho vay khách hàng ước tính của FE Credit giảm 5,1% so với quý trước do thực hiện xử lý nợ xấu và các hoạt động giải ngân cho vay tiêu dùng đang được quản trị rủi ro chặt chẽ hơn trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn.

Trong 6 tháng cuối năm, ngân hàng này cho biết tập trung tăng trưởng các phân khúc chiến lược với kỳ vọng vào nhu cầu của khách hàng quay trở lại khi bức tranh kinh tế tươi sáng hơn. Đồng thời, ngân hàng gia tăng số lượng khách hàng FDI mới đi liền với đẩy mạnh khai thác tập khách hàng hiện tại.

Đẩy mạnh tăng trưởng huy động, đặc biệt là tăng trưởng CASA nhằm hỗ trợ phát triển kinh doanh, đa dạng hóa các nguồn huy động nhằm tối ưu chi phí vốn.


(0) Bình luận
Ngân hàng đầu tiên tại VN giảm mạnh lãi suất cho vay đối với khách hàng cá nhân bị ảnh hưởng bởi bão Yagi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO