Nga giáng đòn mạnh với Mỹ: Tuyên bố cắt giảm xuất khẩu loại nhiên liệu Mỹ phụ thuộc rất nhiều, có thể khiến hàng loạt nhà máy chao đảo vì thiếu điện diện rộng

Vu Lam | 13:54 26/11/2024

Mỹ vẫn phụ thuộc vào Nga khi nhập khẩu tới 27% lượng uranium đã làm giàu để vận hành các lò phản ứng hạt nhân thương mại. Trong khi đó, Nga tuyên bố cắt giảm xuất khẩu uranium sang nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Nga giáng đòn mạnh với Mỹ: Tuyên bố cắt giảm xuất khẩu loại nhiên liệu Mỹ phụ thuộc rất nhiều, có thể khiến hàng loạt nhà máy chao đảo vì thiếu điện diện rộng

Tuần trước, Mỹ đã cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa do nước này sản xuất. Đây là điều mà chính phủ Nga cho rằng có nguy cơ leo thang thành xung đột hạt nhân. Trong khi đó, Điện Kremlin đã phản ứng bằng cách công bố sự thay đổi trong học thuyết hạt nhân và tuyên bố cắt giảm xuất khẩu uranium sang Mỹ. 

Trong bối cảnh Mỹ liên tục kêu gọi các đồng minh áp lệnh trừng phạt với Nga, thì quốc gia này vẫn phụ thuộc vào Nga khi nhập khẩu tới 27% lượng uranium đã làm giàu để vận hành các lò phản ứng hạt nhân thương mại (hơn 90 lò).

Trong năm 2023, ngành công nghiệp hạt nhân của Mỹ chi hơn 800 triệu USD để mua uranium được làm giàu từ Rosatom, tập đoàn năng lượng hạt nhân nhà nước của Nga và các công ty con. Điện hạt nhân chiếm 19% tổng lượng điện tiêu thụ ở Mỹ. Nước này bắt đầu phụ thuộc vào uranium từ Nga để sản xuất điện hạt nhân vào những năm 1990. 

Thị trường giao ngay cũng ngay lập tức phản ứng với thông báo của Nga, nhưng điều bất ngờ là giá uranium giảm 4%. Hầu hết khách hàng mua uranium, chủ yếu là các nhà máy điện hạt nhân, đều có kho dự trữ và hợp đồng dài hạn.

Do đó, giá giao ngay chưa bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, giá cổ phiếu các doanh nghiệp ngành khai thác uranium đã tăng vọt, khi thị trường dự đoán rằng áp lực với nguồn cung bên ngoài Nga sẽ cao hơn. 

Diễn biến này cho thấy các nhà nhập khẩu kim loại trên toàn cầu dễ bị tác động bởi các sự kiện địa chính trị. Khi mối quan hệ giữa một nước xuất khẩu khoáng sản lớn và một “ông lớn” nhập khẩu khoáng sản trở nên căng thẳng, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng.

Dù quốc gia xuất khẩu sẽ mất một phần doanh thu, nhưng tình trạng thiếu hụt vật liệu và năng lượng quan trọng có thể gây ra những rủi ro lớn hơn. Việc không có đủ uranium cho các nhà máy điện hạt nhân có thể khiến hoạt động phát điện gặp gián đoạn lớn. 

Trong khi đó, Mỹ rất dễ bị ảnh hưởng trong những đợt cắt giảm như vậy. Năm 2022, nước này đã phải nỗ lực để tăng khả năng “tự cung tự cấp”. Nền kinh tế lớn nhất thế giới phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu các khoáng sản bao gồm niken, đồng, vonfram, cadmium, paladi, nhôm và silicon. Và sự phụ thuộc đó sẽ không thay đổi trong một sớm một chiều. 

Về sản lượng khoáng sản, Trung Quốc dẫn đầu thế giới và Nga đứng thứ 3, Iran đứng thứ 10. Cả 3 quốc gia này đều là nhà xuất khẩu khoáng sản có mối quan hệ không mấy ôn hoà với Mỹ và các đồng minh. Hàng loạt lệnh trừng phạt đang gây áp lực cho Nga và Iran, cùng với đó là mâu thuẫn thương mại với Trung Quốc có khả năng còn leo thang. 

Dù Mỹ đứng thứ 2 thế giới về sản lượng khai thác khoáng sản nhưng nước này lại tiêu thụ quá nhiều sản phẩm của họ, đến mức vẫn là nước nhập khẩu lớn. 

Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc vào đầu những năm 1990, nhiều người nhận định rằng thị trường toàn cầu sẽ có sự thống nhất, ít bị gián đoạn và trong môi trường hoà bình. Sự thuận lợi này kéo dài cho đến thời kỳ đại dịch, khi chuỗi cung ứng bị gián đoạn và căng thẳng giữa Nga - Ukraine tăng lên. 

Do đó, sự thay đổi quy mô lớn và liên tục của các hoạt động thương mại đã diễn ra. Hoạt động sản xuất trong nước được khuyến khích nhiều hơn, vừa thúc đẩy tăng trưởng việc làm nội địa, vừa giảm thiểu rủi ro dễ bị tổn thuơng nếu mất nguồn nhập khẩu. 

Trong bối cảnh đó, xu hướng phi toàn cầu hoá ngày càng được đẩy mạnh. Và những “ông trùm” hàng hoá cũng có nhiều quyền lực hơn do những nguyên liệu đó đóng vai trò quan trọng với cuộc sống hàng ngày của người tiêu dùng. 

Việc Nga siết chặt hoạt động xuất khẩu uranium sang Mỹ là một dấu hiệu khác cho thấy xu hướng này đang gia tăng. Còn tại EU, hành động tương tự của Nga đối với dòng chảy khí đốt cũng góp phần khiến Đức phải đối mặt với 2 năm kinh tế suy thoái. 

Tham khảo Oilprice


(0) Bình luận
Có thể bạn quan tâm
Nga giáng đòn mạnh với Mỹ: Tuyên bố cắt giảm xuất khẩu loại nhiên liệu Mỹ phụ thuộc rất nhiều, có thể khiến hàng loạt nhà máy chao đảo vì thiếu điện diện rộng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO