Nếu không cố gắng tiết kiệm 100 triệu sớm nhất có thể, cuộc sống của bạn sẽ chỉ quanh quẩn quanh câu hỏi: “Hôm nay ăn gì?”

Ngọc Linh | 07:33 29/03/2024

Tầm quan trọng của việc có 100 triệu không chỉ đơn thuần là cơ hội lên đời iPhone, đổi “con chiến mã” hay cảm giác vững tâm trong cuộc sống.

Nếu không cố gắng tiết kiệm 100 triệu sớm nhất có thể, cuộc sống của bạn sẽ chỉ quanh quẩn quanh câu hỏi: “Hôm nay ăn gì?”

Chi tiêu xả láng lúc nào cũng sướng hơn là tiết kiệm, giữ mình khỏi những cuộc vui, những món đồ lung linh giúp mình trông chất chơi hơn hẳn. Sự thật này có vẻ đã quá hiển nhiên, không còn cần phải bàn cãi.

Đó cũng chính là lý do khiến nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ, trì hoãn việc tiết kiệm. Ai cũng biết có "chút tiền" phòng thân mang lại cảm giác vững tâm hơn khi ốm đau, hoặc lúc không may thất nghiệp.

Nhưng nếu không sớm tiết kiệm được chút tiền, cụ thể hơn là 100 triệu đầu tiên, thì chúng ta sẽ bỏ lỡ những gì, ngoài cảm giác an tâm?

Tầm nhìn ngắn hạn, tư duy tài chính tủn mủn

Trong một video chia sẻ trên kênh TikTok cá nhân, Nguyễn Hữu Trí (hay còn được biết đến với nickname "thầy Quéo") đã chia sẻ lý do người trẻ nên đặt mục tiêu tiết kiệm 100 triệu càng sớm càng tốt.

324125345.jpg
Nguyễn Hữu Trí

"Nếu tài khoản tiết kiệm của bạn luôn luẩn quẩn ở mốc 30-40 triệu, tầm ngắm về tiêu dùng của bạn chỉ dừng lại ở việc mua sắm và hưởng thụ. Bạn sẽ không thể nhìn được một cuộc chơi xa hơn, tham vọng hơn như việc sở hữu tài khoản đầu tư với danh mục cổ phiếu đa dạng, hay một căn hộ cho thuê, 1 dự án kinh doanh,...

Và dĩ nhiên khi đó, những cuộc trò chuyện với những mối quan hệ xung quanh bạn cũng sẽ luẩn quẩn trong các câu hỏi như trưa nay ăn gì, tết này đi chơi ở đâu, bao giờ iPhone mới ra mắt,...

Bạn sẽ không có đủ sự tự tin, tầm nhìn và nền tảng tài chính để bắt đầu trao đổi những chủ đề như công ty đó đang làm ăn như thế nào, chỉ số lợi nhuận (PI - Profitability Index) đang ra sao" - Nguyễn Hữu Trí chia sẻ và đưa ra một câu hỏi mở "các bạn hiểu ý anh không?".

Điều "thầy Quéo" muốn chia sẻ thực ra không quá khó hiểu: Nếu bạn không có đủ tiền ở mức tối thiểu - ở đây có thể hiểu là 100 triệu, bạn sẽ bỏ lỡ rất nhiều cơ hội đầu tư, kinh doanh; cũng không có cơ hội để thúc đẩy tầm nhìn và tư duy về tài chính của bản thân.

Đơn giản thôi, ví dụ thế này đi cho dễ hiểu: Bạn thấy một căn hộ chính chủ đăng cho thuê, bạn nhìn được tiềm năng sinh lời của nó, nhưng bạn lại chẳng đủ tiền để thuê cả căn rồi cho nhiều người khác thuê lại để tạo ra một nguồn thu nhập thụ động. Vậy là bạn đang bỏ lỡ một cơ hội đầu tư.

edit-20200819-img4068-17116369743091226726746.jpeg
Ảnh minh họa

Vì lẽ đó, không tiết kiệm từ sớm để có 100 triệu - khoản tiền tạm coi là đủ để bắt đầu đa dạng danh mục đầu tư, bạn đang tự tước đi cơ hội đầu tư, cải thiện tầm nhìn lẫn tư duy tài chính của mình.

Cải thiện sao được khi ngày nào cũng chỉ nghĩ trưa nay ăn gì, bộ quần áo này, cái điện thoại kia bao nhiêu tiền, đúng không?

Phải làm sao để sớm cán đích "có 100 triệu đầu tiên"?

Quản lý chi tiêu, hạn chế mua sắm linh tinh (hay gọi chung là thói quen tiêu sản) là những cách tiết kiệm mà chúng ta đều đã biết. Nhưng không phải ai cũng có đủ động lực, hoặc sự kiên nhẫn, kiên trì trên hành trình tiết kiệm. Nhiều khi gửi tiết kiệm được chưa đầy 1 tuần đã rút hết ra vì đôi giày này, cái túi xách kia,... đẹp quá.

Nếu đang tuyệt vọng vì động lực tiết kiệm của bản thân chỉ cao hơn ngọn cỏ, bạn hãy thử tham khảo 2 gợi ý dưới đây.

1 - Gửi tiền nhờ bố mẹ giữ hộ

Tại sao lại là nhờ bố mẹ giữ hộ mà không phải gửi vào tài khoản tiết kiệm? Vì phương án sau có thể cho bạn cơ hội rút tiền bất cứ khi nào bạn thích, miễn là bạn chấp nhận mất lãi; còn phương án đầu thì khác.

Đã gửi tiền nhờ bố mẹ giữ giúp, muốn "rút" ra đâu phải chuyện đơn giản. Bạn sẽ phải giải trình lý do để bố mẹ duyệt, mà với ham muốn mua sắm không kiểm soát, dễ gì mà bố mẹ chịu "duyệt chi", đúng không?

2 - Mua vàng

Giá vàng đang cao, nhiều người có thể khuyên bạn nên giữ tiền chứ đừng vội mua, nhưng trong trường hợp khả năng giữ tiền của bạn bằng 0, thì có đắt cũng nên mua. Không đủ để mua 1 chỉ thì mua 5 phân (nửa chỉ).

Quy đổi tiền mặt ra loại tài sản khác chính là cách chặn đường thói quen tiêu tiền vô tội vạ. Cầm 4,5 triệu đồng "trong tay", tiêu nhoáng cái là hết nhưng vẫn là 4,5 triệu đồng ấy dưới dạng nửa chỉ vàng, câu chuyện có thể sẽ khác.

photo_2024-03-28_21-48-55.jpg

(0) Bình luận
Nếu không cố gắng tiết kiệm 100 triệu sớm nhất có thể, cuộc sống của bạn sẽ chỉ quanh quẩn quanh câu hỏi: “Hôm nay ăn gì?”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO