Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ, ngày 5/9, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (HHNH) ban hành Văn bản số 437/HHNH-PLNV về thúc đẩy thanh toán bán lẻ song phương qua mã QR gửi tới lãnh đạo các tổ chức hội viên nhằm thống nhất các giải pháp, đẩy nhanh kết nối liên thông thanh toán bán lẻ song phương qua mã QR.
Trước đó, ngày 21/8, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp với Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) tổ chức cuộc họp nhằm thúc đẩy thanh toán bán lẻ song phương qua QR code giữa Việt Nam và các quốc gia trong khu vực.
Theo thông tin tại Hội nghị, Việt Nam đã hoàn tất kết nối hệ thống thanh toán xuyên biên giới qua QR Code với Thái Lan, Campuchia (đang triển khai tiếp với Lào), cho phép người dân mỗi nước quét QR Code để trả tiền hàng hóa, dịch vụ an toàn, tiện lợi tại các nước này ngay trên ứng dụng di động ngân hàng Việt Nam và ngược lại.
Tuy nhiên, hiện nay chỉ thực hiện tốt ở chiều đi, nghĩa là khách hàng là người Việt Nam khi sang Thái Lan, Campuchia mua hàng hóa dễ dàng quét QR Code để trả tiền nhưng ở chiều ngược lại việc thanh toán của khách du lịch từ Thái Lan hoặc Campuchia tại Việt Nam gần như không có,…
Đại diện Vụ Thanh toán NHNN cho hay, có một số nguyên nhân chủ yếu dẫn đến vấn đề trên là: Mức độ nhận diện thương hiệu tại các điểm chấp nhận thanh toán song phương của ngân hàng và mạng lưới chấp nhận thanh toán tại Việt Nam còn chưa đồng bộ, dễ gây nhầm lẫn giữa mã QR thanh toán nội địa và mã QR thanh toán song phương: Các ngân hàng khi tham gia dịch vụ đều ưu tiên triển khai chiều Việt Nam thực hiện thanh toán tại đơn vị chấp nhận thanh toán ở nước ngoài…
Mặc dù có những vướng mắc, song việc hợp tác thanh toán song phương qua mã QR giữa các quốc gia trong khu vực là phù hợp với xu hướng liên kết trong ASEAN, mang lại tiện ích thanh toán bằng đồng bản tệ cho các khách hàng Việt Nam khi sang các nước có hợp tác, cũng như du khách từ các nước này khi đến Việt Nam.
Đại diện các ngân hàng, trung gian thanh toán cũng hưởng ứng, tìm kiếm các giải pháp thống nhất, đưa ra lộ trình triển khai rõ ràng. Trong đó, việc triển khai tại Lào, Campuchia và Thái Lan có lượng khách nhỏ trong khi Hàn Quốc và Trung Quốc có lượng khách tiềm năng lớn vì vậy cần tập trung cho thị trường có tiềm năng lớn trước.
TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp Hội ngân hàng cho rằng, đối với thanh toán liên thông qua mã QR với các nước trong khu vực, trước mắt là Thái Lan, Lào, Campuchia, sau đó là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách. Đồng thời đề nghị cần thành lập tổ nghiên cứu kết nối liên thông thanh toán qua mã QR, do NAPAS làm đầu mối, nhằm nghiên cứu, đưa ra nội quy làm việc thống nhất, đồng thuận, rõ ràng đối với các ngân hàng đồng ý tham gia dự án kết nối thanh toán song phương.
Đáng chú ý, mới đây, Đoàn công tác Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) do Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng làm Trưởng đoàn đã thực hiện khảo sát thực tế, đánh giá tiềm năng thị trường và cơ hội thúc đẩy hợp tác thanh toán xuyên biên giới song phương hiệu quả giữa Việt Nam và Nhật Bản tại Tokyo, Nhật Bản.
Các bên chia sẻ và thống nhất quan điểm cần nỗ lực nghiên cứu các giải pháp nhằm triển khai các định hướng xuyên suốt của Chính phủ hai nước về thanh toán không dùng tiền mặt và phát triển các phương tiện thanh toán tiện ích phục vụ người dân hai quốc gia, trong đó có nội dung kết nối thanh toán QR và sử dụng đồng bản tệ trong thanh toán. Bên cạnh các cơ hội, các bên nhận định vẫn còn các khó khăn trong việc hài hoà các kỹ thuật xử lý và kết nối hai hệ thống thanh toán và đây chính là nội dung hợp tác tiếp theo của các bên trong thời gian tới.