Năng lực cạnh tranh 63 tỉnh thành: Một thành phố bất ngờ soán "ngôi vương" 7 năm của Quảng Ninh

Hoàng Nguyễn | 11:41 06/05/2025

Hôm nay, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ USAID tại Việt Nam đã tổ chức Lễ công bố báo cáo năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2024 (PCI 2024). Đáng chú ý, thứ hạng các địa phương năm nay đã có sự thay đổi.

Năng lực cạnh tranh 63 tỉnh thành: Một thành phố bất ngờ soán "ngôi vương" 7 năm của Quảng Ninh

Ngày 6/5, tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức Lễ Công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2024, đồng thời đánh dấu 20 năm hành trình liên tục cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam.

Phát biểu tại Lễ công bố, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết, năm 2024, Báo cáo PCI cho thấy một bức tranh tích cực về cải thiện điều hành kinh tế cấp tỉnh. Điểm số trung vị đạt 67,67 điểm, tăng 1 điểm so với năm trước và là năm thứ tám liên tiếp vượt mốc 60 điểm – ngưỡng được xem là phản ánh một môi trường kinh doanh thuận lợi. 

Đặc biệt, Chỉ số PCI gốc – chỉ số phản ánh chất lượng điều hành kinh tế cốt lõi – đạt 68,18 điểm, tiếp tục cải thiện liên tục kể từ năm 2016. Đây là kết quả của sự bền bỉ, kiên trì cải cách của nhiều địa phương và sự giám sát tích cực từ cộng đồng doanh nghiệp.

Theo báo cáo PCI năm 2024, Hải Phòng ghi nhận 7/10 lĩnh vực có sự cải thiện so với năm 2023, bao gồm: gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, tính minh bạch, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, tính năng động của chính quyền và thiết chế pháp lý, an ninh trật tự. Với kết quả này, Hải Phòng đã soán ngôi của Quảng Ninh. Được biết, Quảng Ninh đã giữ vị trí đầu bảng năm thứ 7 liên tục.

Thứ hạng cao của Hải Phòng trong báo cáo PCI 2024 phản ánh nỗ lực chung nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư, với các sáng kiến chính bao gồm đơn giản hóa TTHC và thúc đẩy đầu tư … Những cải cách này góp phần cải thiện ở các lĩnh vực của chỉ số PCI của Hải Phòng: Có tới 7/10 lĩnh vực điều hành của TP. Hải Phòng có sự cải thiện so với năm 2023, bao gồm Gia nhập thị trường, Tiếp cận đất đai, Tính Minh bạch, Chi phí không chính thức, Cạnh tranh bình đẳng, Tính năng động của chính quyền và Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự. 

Bước chuyển mạnh mẽ của Hải Phòng trong PCI 2024 đến từ nỗ lực cải cách liên tục. Trong lần đánh giá chính thức đầu tiên tại Việt Nam thời điểm năm 2006, PCI Hải Phòng chỉ xếp hạng thứ 41/63 tỉnh, thành phố. Liên tục từ năm 2006 đến năm 2011, chỉ số PCI của thành phố duy trì mức xếp hạng trong vị trí thấp từ 36 - 48 và luôn biến động, năm trước tăng hạng thì năm sau giảm hạng. Sau đó đến giai đoạn 2012 - 2018, PCI đã cải thiện hơn so với giai đoạn trước nhưng vẫn có những biến động lớn ở vị trí xếp hạng

Ngoài Hải Phòng lần đầu tiên vươn lên vị trí dẫn đầu với 74,84 điểm. Đứng thứ hai là Quảng Ninh (73,20 điểm). Vị trí thứ ba và tư lần lượt thuộc về Long An (72,64 điểm) và Bắc Giang (71,24 điểm). Các địa phương còn lại trong Top 10 gồm: Bà Rịa - Vũng Tàu (71,17 điểm), TP. Huế (71,13 điểm), Hậu Giang (70,54 điểm), Phú Thọ (70,35 điểm), Đồng Tháp (70,35 điểm) và Hưng Yên (70,18 điểm).

Điểm đáng chú ý là các tỉnh nằm trong Top 10 như Bà Rịa – Vũng Tàu, Thừa Thiên - Huế, Hậu Giang, Phú Thọ, Đồng Tháp và đặc biệt là Hưng Yên với lần đầu tiên có mặt trong Top 10.

Phát biểu tại lễ công bố, ông Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy Hải Phòng khẳng định, chỉ số PCI đã trở thành công cụ quan trọng giúp Hải Phòng đổi mới tư duy điều hành, nâng cao hiệu quả quản trị, lan tỏa các bài học cải cách, xây dựng thương hiệu địa phương, và đặc biệt là công cụ giám sát hữu hiệu, phản ánh tiếng nói doanh nghiệp đối với chính quyền, qua đó giúp đánh giá, điều chỉnh các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Thành phố.

"Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên vươn mình và Hải Phòng cũng đang nỗ lực phấn đấu để phát triển ngang tầm các thành phố tiêu biểu châu Á; là thành phố Cảng quốc tế hiện đại, đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; là một trung tâm quốc tế về kinh tế, giáo dục, đào tạo, khoa học - công nghệ", ông Lê Tiến Châu nhấn mạnh.

Để nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp, nhất là nhiệm vụ cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh trong thời gian tới, Thành phố sẽ tập trung xây dựng chính quyền số bảo đảm quá trình tái cấu trúc hệ thống bộ máy hành chính sau khi hợp nhất đơn vị hành chính cấp tỉnh, bỏ cấp huyện, sắp xếp, thành lập các phường, xã, đặc khu không làm gián đoạn quá trình thực hiện thủ tục hành chính của nhân dân và doanh nghiệp. Phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2025 là 12,5%, hướng đến mục tiêu tăng trưởng 15-16% giai đoạn 2026 - 2030.

Phát triển đồng bộ hạ tầng chiến lược với tinh thần "hạ tầng đi trước – tăng trưởng theo sau", tập trung vào hoàn thành các bến còn lại của Cảng Lạch Huyện. Phát triển cảng biển thế hệ mới Nam Đồ Sơn, sân bay quốc tế Tiên Lãng, đường sắt tốc độ cao Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, mạng lưới logistics và hạ tầng số phủ kín đến cấp xã, làm nền tảng cho kinh tế số.

Thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, với trọng tâm chiến lược là phát triển Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng. Hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân, phát triển cộng đồng doanh nghiệp của Hải Phòng nói riêng và Việt Nam nói chung lớn mạnh, đủ sức tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đào tạo, thu hút và trọng dụng nhân lực chất lượng cao, với hệ sinh thái giáo dục – y tế – dịch vụ – nhà ở đồng bộ, môi trường sống hấp dẫn để chuyên gia, trí thức, người lao động giỏi "đến Hải Phòng là ở lại, gắn bó và cống hiến". Cùng với đó, thành phố sẽ phát triển đô thị có bản sắc riêng, vừa văn minh, hiện đại, vừa đậm đà bản sắc văn hóa "Thành phố Cảng", "Thành phố hoa phượng đỏ" và "Thành phố Anh hùng".


(0) Bình luận
Có thể bạn quan tâm
Năng lực cạnh tranh 63 tỉnh thành: Một thành phố bất ngờ soán "ngôi vương" 7 năm của Quảng Ninh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO