Tại hội thảo C2C với chủ đề “Ngành bất động sản: Chấp nhận thử thách - Vượt qua giới hạn” do Chứng khoán HSC đã tổ chức mới đây, đại diện Tập đoàn Nam Long (mã chứng khoán NLG) cho biết, doanh nghiệp đặt mục tiêu doanh số bán hàng năm 2023 đạt 10.000 tỷ đồng. Công ty dự kiến doanh thu, lợi nhuận tương tự năm 2022, lần lượt đạt 4.300 tỷ đồng và 500 tỷ đồng.
Được biết, danh mục sản phẩm có thể sản xuất kinh doanh trong năm 2023 của Nam Long có tổng giá trị bán hàng khoảng 18.000 tỷ đồng. Với tình hình thị trường trầm lắng như hiện tại mục thì tiêu doanh số bán hàng đạt 10.000 tỉ đồng năm 2023 là điều không dễ thực hiện.
Theo Nam Long, một số sản phẩm mà doanh nghiệp này phân loại có thể hấp thụ ngay như sản phẩm Ehome giá trị 1 - 1,5 tỷ đồng, nhà ở xã hội giá trị 500 - 700 triệu (tùy vùng), sản phẩm cao cấp hơn từ 1,5 - 3 tỷ đồng. Ngược lại, một số sản phẩm tại Paragon Đại Phước (một đảo có quy mô 45 ha), đa số các sản phẩm có giá trị lên đến 15-30 tỷ đồng/căn chưa phù hợp để tập trung ra hàng thời điểm hiện tại.
Được biết, hiện Nam Long sở hữu quỹ đất 681ha tại các địa phương. Doanh nghiệp tập trung vào phân khúc nhà ở đầu tiên (first home). Đối tượng mục tiêu là khách hàng có nhu cầu ở thực.
Dự kiến trong năm 2023 – 2024, đơn vị sẽ tiếp tục bổ sung nguồn cung ra thị trường với hàng nghìn sản phẩm nhà ở giá hợp lý tại Tp.HCM và các tỉnh thành như Long An, Đồng Nai, Cần Thơ...với các dự án như Mizuki Park, Akari City (TP HCM), Waterpoint (Long An)… quy mô hàng chục đến hàng trăm héc-ta.
Cập nhật các dự án hiện tại, đại diện Nam Long cho biết dự án Flora Mizuki (thuộc KĐT tích hợp Mizuki Park, Bình Chánh, Tp.HCM) bàn giao được 360 căn trong 3 tháng đầu năm.Đối với dự án Izumi (Đồng Nai), Nam Long đã bán và hoàn tất các công tác xây dựng, hợp đồng mua bán, bàn giao trong năm nay với khách hàng.
Về trái phiếu, từ năm 2018, công ty phát hành 5 đợt, tổng giá trị 2.610 tỷ đồng. Theo Giám đốc đầu tư Nam Long, vào tháng 6 và 7 tới đây, Nam Long có khoảng 450 tỷ trái phiếu VCBS đáo hạn.
Khi được hỏi liệu mục tiêu tăng trưởng có khó trong tbối cảnh thị trường hiện tại, đại diện Nam Long cho rằng, đây không phải mức lợi nhuận chắc chắn 100% đạt được mà vẫn còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố thị trường. Nam Long cho hay thay vì vay nợ lãi suất cao, doanh nghiệp chọn cách hợp tác với đối tác Nhật trực tiếp, huy động vốn từ các tổ chức nước ngoài với lãi suất hợp lý. Điều này không đưa doanh nghiệp vào áp lực thanh toán trong ngắn hạn.
Đươc biết, trước mùa ĐHCĐ, trong khi một số doanh nghiệp bất động sản và xây dựng cũng đặt mục tiêu lãi lớn trong năm 2023 thì nhiều doanh nghiệp lại dè dặt đặt mục tiêu lợi nhuận 2023 “đi lùi”, thậm chí thua lỗ.
Chẳng hạn, CTCP Tư vấn Thương mại Dịch vụ Địa Ốc Hoàng Quân (mã HQC) đưa ra mục tiêu doanh thu và lợi nhuận năm 2023 tăng trưởng gấp lần lượt 5,1 lần và 7,4 lần kết quả năm 2022, dự kiến đạt 1.700 tỷ đồng doanh thu và 140 tỷ đồng lãi sau thuế.
Ở lĩnh vực xây dựng, CTCP Xây dựng Coteccons (mã CTD) đặt kế hoạch kinh doanh năm 2023 với doanh thu hợp nhất tăng 12% lên mức 16.249 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế dự kiến 233 tỷ đồng, cao gấp 10 lần so với cùng kỳ. Cơ sở cho kế hoạch năm nay đến từ giá trị back-log để lại cho 2023 là 17.000 tỷ đồng, chưa bao gồm nhà máy sản xuất LEGO và kỳ vọng trúng thầu các dự án đầu tư công như siêu dự án sân bay Long Thành.
Cũng tại ĐHĐCĐ thường niên tới đây, Vinaconex dự kiến trình cổ đông kế hoạch kinh doanh 2023 với mức doanh thu hợp nhất đầy tham vọng, đạt 16.340 tỷ đồng, tăng 70% so với thực hiện năm 2022. Dù đặt mục tiêu doanh thu tăng mạnh song Vinaconex lại đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế hợp nhất “đi lùi” gần 8% so với năm ngoái, đạt 860 tỷ đồng.
Trong khi đó, với những khó khăn chung của thị trường và đặc biệt là biến cố về nhân sự cấp cao trong năm 2022, Hòa Bình dự kiến doanh thu năm 2023 sẽ giảm 11,5% so với năm 2022, đạt 12.500 tỷ đồng và kỳ vọng sẽ có lãi trở lại trong năm 2023 với mục tiêu đạt lợi nhuận sau thuế 125 tỷ đồng.