Mỹ tìm ra đối tác ‘gần nhà’ thay thế Trung Quốc: Vận chuyển hàng hóa nhanh gấp 2, hút nhà đầu tư hơn hẳn đại lục

Vũ Anh | 16:24 16/05/2023

Lo sợ rủi ro vì phụ thuộc quá mức vào một đất nước xa xôi, Mỹ dần dịch chuyển hoạt động kinh doanh tới quốc gia gần nhà.

Mỹ tìm ra đối tác ‘gần nhà’ thay thế Trung Quốc: Vận chuyển hàng hóa nhanh gấp 2, hút nhà đầu tư hơn hẳn đại lục

Thay vì dựa vào các nhà máy ở Trung Quốc, nhiều công ty Mỹ đang tính toán dịch chuyển hoạt động kinh doanh sang một quốc gia gần nhà hơn: Mexico. 

Xu hướng “near-shoring” thu hút sự chú ý của không ít thương hiệu bán lẻ, trong đó có Walmart, đế chế bán lẻ toàn cầu có trụ sở tại Arkansas. Đầu năm ngoái, đơn hàng áo đồng phục số lượng lớn trị giá gần 1 triệu USD đã được hãng này đặt mua từ Preslow - một doanh nghiệp may mặc gia đình tại Mexico thay vì đối tác Trung Quốc như trước đây. Động lực một phần đến từ chuỗi cung ứng gián đoạn, chi phí vận chuyển qua Thái Bình Dương tăng cao trong khi nhiều cảng biển thường xuyên tắc nghẽn. Việc phụ thuộc quá mức vào một quốc gia xa xôi theo đó sẽ rất rủi ro. 

Tại văn phòng của mình, Isaac Presburger, giám đốc Preslow, coi đơn đặt hàng của Walmart là dấu hiệu cho thấy đất nước mình đang đứng trước nhiều cơ hội. “Walmart gặp vấn đề lớn với nguồn cung, và rồi họ nói, Mexico ơi, cứu tôi với”, Isaac Presburger nói. 

CNBC trích dẫn khảo sát của Phòng Thương mại Mỹ tại Thượng Hải cho biết, số công ty Mỹ cắt giảm đầu tư vào Trung Quốc trong năm 2022 đã tăng gần gấp đôi so với năm 2021. 19% số doanh nghiệp được hỏi cho biết họ đang cắt giảm đầu tư vào Trung Quốc, trong khi con số này trong năm 2021 là 10%.

capture(1).jpg
Lo sợ rủi ro vì phụ thuộc quá mức vào một đất nước xa xôi, Mỹ dần dịch chuyển hoạt động kinh doanh tới quốc gia gần nhà.

Vị trí địa lý cơ bản là động lực thúc đẩy các công ty Mỹ chuyển hoạt động kinh doanh sang Mexico. Vận chuyển một container từ Trung Quốc đến Mỹ thường mất 1 tháng, thậm chí lâu gấp 2, gấp 3 trong khoảng thời gian đại dịch. Trong khi đó, các nhà máy ở Mexico và nhà bán lẻ Mỹ có thể được kết nối trong vòng 2 tuần.

Raine Mahdi, người sáng lập Zipfox, một công ty có trụ sở tại San Diego chuyên liên kết các nhà máy ở Mexico với các công ty Mỹ, cho biết: “Luôn có sự thúc ép từ khách hàng, rằng chúng tôi muốn lấy hàng thật nhanh”. 

Trong 10 tháng đầu năm ngoái, Mexico xuất khẩu 382 tỷ USD hàng hóa sang Mỹ, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm 2021, theo dữ liệu điều tra dân số. Kể từ năm 2019, nhập khẩu hàng hóa Mexico của Mỹ đã tăng hơn 25%. Theo một phân tích của Viện Toàn cầu McKinsey, vào năm 2021, các nhà đầu tư Mỹ cũng rót nhiều tiền hơn vào Mexico hơn là vào Trung Quốc.

Theo các chuyên gia, Trung Quốc gần như chắc chắn sẽ vẫn là trung tâm của ngành sản xuất trong nhiều năm tới, song sự dịch chuyển về phía Mexico thể hiện sự tái phân bổ năng lực sản xuất của thế giới. Theo Michael Burns, đối tác quản lý của Murray Hill Group, một công ty đầu tư tập trung vào chuỗi cung ứng: “Đó không phải là phi toàn cầu hóa. Đó là giai đoạn tiếp theo của quá trình toàn cầu hóa tập trung vào mạng lưới khu vực”. 

“Mexico là giải pháp cho một số thách thức. Thương mại gần hơn từ Canada hoặc Mexico sẽ tạo ra và bảo vệ việc làm của Mỹ”, Shannon K. O'Neil, chuyên gia thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại ở New York, cho biết.

capture5.jpg
Thay vì dựa vào các nhà máy ở Trung Quốc, nhiều công ty Mỹ đang tính toán dịch chuyển hoạt động kinh doanh sang một quốc gia gần nhà hơn

Dẫu vậy, cho đến thời điểm hiện tại, Mexico vẫn chưa đủ khả năng thay thế vị trí của Trung Quốc với tư cách nhà cung cấp chính của một loạt hàng hóa.

Tại nhà máy của Preslow, cách thủ đô Mexico City khoảng 50 dặm về phía bắc, 200 thợ may vừa cúi khom lưng bên những chiếc máy may vừa lắng nghe điệu nhạc dân gian Mexico. Các nhà thiết kế địa phương thì ngồi trước màn hình máy tính và sáng tạo nên rất nhiều kiểu dáng mới. Phía xa xa, một chiếc kệ chất đầy vải tổng hợp sản xuất tại Trung Quốc.

“Tất cả các vật liệu cơ bản vẫn được nhập khẩu từ Trung Quốc vì Mexico không có nhà cung cấp. Các loại vải tôi sử dụng không thể mua được ở Mexico”, ông Presburger nói. 

Ở phía bên kia biên giới Mexico, Jose và Veronica Justiniano cũng phụ thuộc vào chuỗi cung ứng từ châu Á và mong muốn sớm tìm được một nhà cung cấp gần nhà. Cặp đôi điều hành một doanh nghiệp nhỏ, Veronica's Theu, chuyên cung cấp đồng phục cho các nhà hàng và công ty xây dựng.

Ông Justiniano, 50 tuổi, từng làm việc tại một nhà máy phụ tùng ô tô nên có kiến ​​thức chuyên môn về máy móc. Bà Justiniano, 54 tuổi, từng làm giúp việc cho một cặp vợ chồng già. Năm 2018, hai người quyết định mua những chiếc máy thêu đầu tiên và dần xây dựng được tệp khách hàng quan trọng, chẳng hạn như Gloria's Latin Cuisine, chuỗi 22 nhà hàng ăn uống cao cấp ở Dallas, Houston, San Antonio và Austin. Justinianos mua đồng phục từ một công ty nhập khẩu trung gian từ Trung Quốc, sau đó sử dụng máy may để thêu logo.

capture1.jpg

Tuy nhiên, chuỗi cung ứng tắc nghẽn thời điểm diễn ra đại dịch đã thôi thúc cặp vợ chồng tìm hướng đi mới. “Mexico là con đường duy nhất”, ông nói.

Cuối cùng, họ tin tưởng Lazzar Uniforms, một công ty gia đình ở Guadalajara - thành phố cách thủ đô Mexico khoảng 350 dặm về phía tây bắc. Giám đốc thương mại của Lazzar, Ramon Becerra, 39 tuổi, vô cùng háo hức khi giành được chỗ đứng trên thị trường khổng lồ phía bắc. 

“Chúng tôi biết Mỹ sẽ là tương lai”, ông Becerrra nói. 

Công ty của Becerra sau đó tìm ra được loại vải khiến vợ chồng ông Justiniano hài lòng. Hai công ty dễ dàng gọi điện qua điện thoại và video mà không cần quá lo lắng về chênh lệch múi giờ.

Mới đây, Becerra đã tiếp ông Justiniano tại nhà máy của mình ở Guadalajara. Hai người đàn ông đã thảo luận về một mối quan hệ hợp tác tiềm năng mà ở đó, Lazzar sẽ thành lập một nhà kho ở Texas.

capture2.jpg

Dẫu vậy, theo một số chuyên gia, sức hấp dẫn của Mexico sẽ giảm dần khi chuỗi cung ứng toàn cầu trở lại trạng thái bình thường, nhất là khi Trung Quốc đã nới lỏng các hạn chế. 

Theo Bernardo Samper, một đại lý tìm nguồn cung ứng lâu năm ở New York, các nhà sản xuất hàng may mặc Trung Quốc còn đang ráo riết thu hút đối tác kinh doanh bằng cách giảm giá.

“Cuối cùng, mọi thứ đều bị chi phối bởi giá cả”, ông Bernardo Samper nói. 

Theo: The New York Times, CNBC

Bài liên quan

(0) Bình luận
Mỹ tìm ra đối tác ‘gần nhà’ thay thế Trung Quốc: Vận chuyển hàng hóa nhanh gấp 2, hút nhà đầu tư hơn hẳn đại lục
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO