Mỹ công bố áp thuế trần 46% lên Việt Nam, Chủ tịch Vitas, Vinatex, Agtex… vẫn lạc quan DN dệt may thích nghi được, nhấn mạnh 2 điểm mấu chốt

Tri Túc | 09:28 03/04/2025

2 điểm mấu chốt mà DN Dệt May Việt Nam cần kiểm soát: (i) việc nhập khẩu nguyên vật liệu, tránh bị “rửa” và (ii) chủ động nâng cao năng lực, tìm kiếm khách hàng mới.

Mỹ công bố áp thuế trần 46% lên Việt Nam, Chủ tịch Vitas, Vinatex, Agtex… vẫn lạc quan DN dệt may thích nghi được, nhấn mạnh 2 điểm mấu chốt

Ngày 2/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế nhập khẩu với hàng chục nền kinh tế, trong đó Việt Nam chịu mức 46%. Ông Trump cũng cho biết sẽ áp dụng thuế nhập khẩu 10% với toàn bộ hàng nhập khẩu vào Mỹ, từ ngày 5/4.

Việc áp mức thuế trần với Việt Nam lên đến 46% gây bất ngờ và được cho là “cú giáng” lên các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu như thuỷ sản, dệt may…

Dù vậy, thực tế các DN Việt đã có sự chuẩn bị, đại diện các bên vẫn lạc quan sẽ thích nghi được, song vẫn đặc biệt nhấn mạnh 2 điểm mấu chốt cần kiểm soát: (i) việc nhập khẩu nguyên vật liệu, tránh bị “rửa” và (ii) chủ động nâng cao năng lực, tìm kiếm khách hàng mới.

Chia sẻ với chúng tôi về vấn đề này, ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas) – cho biết Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp, bởi chúng ta đang phát triển kinh tế trên toàn cầu và đa dạng hoá đối tác, khách hàng.

Theo ông Giang, có 3 vấn đề cần suy nghĩ:

Thứ nhất: Quan hệ các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc… sẽ ảnh hưởng lên nguồn cung thiếu hụt của Việt Nam. Trong đó, đặc biệt chú ý nguồn cung của chúng ta đang phụ thuộc vào Trung Quốc;

Thứ hai: Đây là bài học để chúng ta nhanh chóng tìm ra nút thắt giải quyết về vấn đề đa dạng hoá thị trường, không phụ thuộc vào một thị trường lớn nào;

Cuối cùng: Theo dõi động thái của ông Trump cũng biết được quan điểm và cách thức mà ông ấy đặt ra cho các nước, từ đó đánh giá lại các thị trường và tìm cách tránh được “bẫy thuế quan”.

Về thị trường, 2 tháng đầu năm 2025, toàn ngành dệt may xuất khẩu được hơn trên 5,63 tỷ USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Ông Giang dự kiến, tháng 3 chúng ta sẽ đạt thêm 4 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu nữa. “Tôi mong chờ vào quý 3-4 vì đây là vụ mùa đông xuân và chuẩn bị cho dịp cuối năm. Năm 2025, toàn ngành chắc chắn sẽ đạt được mục tiêu”, vị này nói.

screen-shot-2025-04-03-at-09.52.32.png
Ảnh: Các thị trường xuất khẩu chính 2 tháng đầu năm 2025.

Dù đối mặt với thách thức từ thị trường Mỹ, song ngành dệt may năm nay vẫn có nhiều triển vọng, cụ thể:

+ 54 hộ kinh doanh dệt may lớn của Việt Nam đang đứng trước cơ hội từ việc thúc đẩy các hiệp hội tự do. Đặc biệt, Bộ Công Thương mới đây đã có thông báo dự kiến ký kết thêm một vài hiệp định để nâng tổng cộng lên 22 hiệp định tự do thương mại mới cho năm 2025;

+ Ngành dệt may đang thúc đẩy khả năng phát triển thông qua việc áp dụng công nghệ, ứng dụng AI… từ đó tạo ra những động lực mới.

Ông Giang cũng thông tin, SaigonTex/SaigonFabric 2025 sắp tới đây đặc biệt nhấn mạnh vào công nghệ sản xuất trong dệt may, cũng như quy tụ loạt thương hiệu chuyên về máy móc, thiết bị cho ngành như Asia Pacific Rayon (Indonesia), Baolun Computer, Brother, Canlar Mekatronik (Turkey), China Texmatech, China Tongxiang, Phenitex (Thailand)…

SaigonTex/SaigonFabric là triển lãm hàng năm của ngành, dự kiến diễn ra từ ngày 9-12/4/2025 tại SECC, Tp.HCM. Trong bối cảnh cần phải đa dạng hoá thị trường, triển lãm theo ông Giang là cơ hội lớn để các bên tham gia tìm kiếm đối tác mới. Năm 2025, diện tích SaigonTex/SaigonFabric khoảng 34.000 m2 với hơn 1.100 nhà triển lãm đến từ 25 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 6% so với năm 2024.

Trở lại với vấn đề thuế quan từ Mỹ, ông Giang tự tin DN sẽ chịu được và thích nghi. Vị này dẫn chứng, những năm qua thị trường đối mặt với rất nhiều thử thách từ đại dịch Covid-19, chiến tranh Nga – Ukraine đến sự cố Biển Đỏ... do đó nếu Mỹ có áp thêm 8 -10% nữa thì chúng ta vẫn chịu được. Ông Giang cũng kiến nghị cần kiểm soát về thị trường sản xuất chặt chẽ hơn.

giang.jpg
Ảnh: ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas).

Về phía DN, ông Cao Hữu Hiếu - Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) – cho rằng việc áp thuế từ chính quyền Trump vừa là cơ hội với Việt Nam đồng thờ là thách thức khi truy xuất nguồn gốc hàng từ Trung Quốc.

Thực tế, ông Hiếu cho biết bản thân DN đã dự trù được trước việc chính phủ Mỹ sẽ áp thêm thuế lên hàng hoá khi xuất sang Mỹ, bao gồm dệt may. Do đó, Vinatex và các đơn vị khác đã phải hết sức chủ động.

Chưa kể, năm 2024, dệt may Việt Nam theo ông Hiếu lấy được thị phần từ Banglades, nhưng họ cũng đã chủ động hồi phục. Nắm được vấn đề này, DN đã sớm xác định cần tìm thêm thị trường mới.

Nhận định về thị trường, đại diện Vinatex nhận định tình hình sản xuất kinh doanh đã sáng sủa hơn, bắt đầu tư quý cuối năm ngoái. Đặc biệt, ngành sợi phát triển rất tốt, còn dệt may nói chung thì vẫn giữ được đà hồi phục từ cuối năm 2024.

Riêng Vinatex, tăng trưởng lợi nhuận hợp nhất 2 tháng đầu năm nay đạt mức 14%. Tổng xuất khẩu 2 tháng qua của Công ty đạt 400 triệu USD, so với kế hoạch cả năm là 2 tỷ USD thì Vinatex tự tin hoàn thành kế hoạch.

hieu.jpg
Ảnh: ông Cao Hữu Hiếu - Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex).

Đồng quan điểm, ông Phạm Xuân Hồng – Chủ tịch Agtex - cũng đặc biệt nhấn mạnh việc đã nhiều lần đề xuất cơ quan kiểm tra hàng xuất nhập khẩu cần chặt chẽ hơn. “Tôi tin hàng hoá dệt may của Việt Nam qua Mỹ sẽ không có vấn đề, chỉ cần coi chừng những thành phần nguyên vật liệu bị "rửa", bị luồng lách. Do đó, chúng tá cần hết sức cẩn trọng để đảm bảo uy tín của hàng dệt may với tất cả thị trường, không riêng Mỹ”, ông Hồng nói.

Về ngành, ông Hồng cũng đồng tình những tháng đầu năm 2025, ngành dệt may nói chung có tăng trưởng so với năm 2024, ngành cũng có nhiều cơ hội hơn. Tuy nhiên, ngành theo ông đối mặt với thách thức là phải theo dõi tình hình về quan hệ thương mại giữa các nước trên thế giới. Đại diện Agtek nhấn mạnh việc trong bối cảnh còn khó khăn, các khách hàng cũng đang băn khoăn theo dõi tình hình thị trường, họ cũng sẽ chặt chẽ hơn trong vấn đề ký kết.


(0) Bình luận
Mỹ công bố áp thuế trần 46% lên Việt Nam, Chủ tịch Vitas, Vinatex, Agtex… vẫn lạc quan DN dệt may thích nghi được, nhấn mạnh 2 điểm mấu chốt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO