Mỹ có thể cho phép Ấn Độ ‘khai phá’ mỏ dầu khủng nhất thế giới: Trữ lượng gấp 68 lần Việt Nam, là mối nguy hàng đầu của dầu Nga

Như Quỳnh | 10:32 07/05/2024

Nhà máy lọc dầu hàng đầu của Ấn Độ đã nộp đơn đến Mỹ để xin khai thác và nhập khẩu dầu từ quốc gia dồi dào 'vàng đen' này.

Mỹ có thể cho phép Ấn Độ ‘khai phá’ mỏ dầu khủng nhất thế giới: Trữ lượng gấp 68 lần Việt Nam, là mối nguy hàng đầu của dầu Nga
Ảnh minh họa

Theo Reuters, các nguồn tin thân cận cho biết nhà máy lọc dầu Ấn Độ Reliance đã gửi lại yêu cầu đến Mỹ để xin phép nhập khẩu dầu thô từ Venezuela, nối lại giao dịch dầu giữa nhà sản xuất OPEC và Ấn Độ. Ấn Độ từng là điểm đến lớn thứ 2 cho dầu thô từ quốc gia này - vốn đang bị tái áp đặt lệnh trừng phạt từ phía Mỹ.

Nhà sản xuất dầu Pháp Maurel & Prom cho biết rằng Mỹ mới đây đã cấp cho họ giấy phép tiến hành các hoạt động dầu khí ở Venezuela trong hai năm tới.

Vào tháng 4, Mỹ đã không gia hạn giấy phép chung cho Venezuela xuất khẩu dầu và nhiên liệu sang các thị trường đã chọn và cho các công ty 45 ngày để kết thúc các giao dịch. Tuy nhiên, Mỹ cho biết một số giấy phép cá nhân cho các công ty nước ngoài đang tìm cách kinh doanh dầu mỏ với Venezuela sẽ được cấp.

Sau khi nới lỏng các lệnh trừng phạt vào tháng 10/2023, Reliance và các công ty Ấn Độ khác từng có quan hệ kinh doanh với Venezuela trước đây đã nộp đơn lên Bộ Tài chính Mỹ để xin cấp phép cá nhân. Những điều đó đã không được cấp.

Tuy nhiên, các nhà máy lọc dầu Ấn Độ đã tiếp tục mua dầu của Venezuela thông qua trung gian. Kể từ tháng 10, Reliance đã thuê ít nhất một siêu tàu chở dầu để mua dầu thô từ công ty dầu khí nhà nước PDVSA. Họ cũng nhận được hàng dầu của Venezuela từ bên thứ ba, theo các tài liệu nội bộ của PDVSA.

Trước khi lệnh trừng phạt dầu mỏ của Mỹ lần đầu tiên được áp dụng đối với Venezuela, Reliance là khách hàng mua dầu thô lớn thứ hai của Venezuela sau nhà máy CNPC của Trung Quốc.

Giấy phép của Maurel & Prom cho phép công ty tiếp tục hoạt động sản xuất theo thỏa thuận ký với Venezuela vào tháng 11 năm ngoái. Giấy phép của họ là giấy phép đầu tiên được Mỹ cấp theo các miễn trừ mà nước này đưa ra vào tháng trước sau khi tái áp đặt lệnh trừng phạt với quốc gia Nam Mỹ này.

Giám đốc điều hành M&P Olivier de Langavant cho biết trong một tuyên bố: “Điều này mang lại cho chúng tôi tầm nhìn rõ ràng về tương lai”. Công ty này sở hữu 40% cổ phần trong liên doanh mỏ dầu với PDVSA và đã đồng ý tăng sản lượng dầu tại mỏ này.

Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao Mỹ trong những năm gần đây đã nhận được hàng chục yêu cầu cấp phép từ các công ty quan tâm đến việc đầu tư vào ngành năng lượng của Venezuela hoặc nhập khẩu dầu thô hoặc khí đốt của Venezuela. Chỉ một số yêu cầu riêng lẻ trong số đó đã được phê duyệt, bao gồm giấy phép quan trọng cho công ty dầu mỏ lớn Chevron.

Venezuela là quốc gia có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới, được xác định ở mức hơn 300 tỷ thùng - so với mức khoảng 4,4 tỷ thùng của Việt Nam. Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt của Mỹ trước đó và một số vấn đề khác khiến nước này không tận dụng được tối đa nguồn dầu mỏ giàu có của mình.

Quốc gia này cũng là đối thủ của dầu Nga khi có mức giá hấp dẫn nhờ vào sản lượng khổng lồ. Sau khi được Mỹ nới lệnh trừng phạt, một loạt các quốc gia đã đổ xô đến Venezuela để mua dầu thô, trong đó có một lượng lớn khách hàng châu Á. 

Theo Reuters


(0) Bình luận
Mỹ có thể cho phép Ấn Độ ‘khai phá’ mỏ dầu khủng nhất thế giới: Trữ lượng gấp 68 lần Việt Nam, là mối nguy hàng đầu của dầu Nga
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO