Muốn rót vốn vào "siêu dự án" 42.000 tỷ tại Đông Anh, công ty VEFAC đang kinh doanh ra sao?

Pha Lê | 10:21 20/05/2023

Tại doanh nghiệp này, Vingroup nắm tỷ lệ biểu quyết 87,97% và tỷ lệ lợi ích là 86,54%.

Muốn rót vốn vào "siêu dự án" 42.000 tỷ tại Đông Anh, công ty VEFAC đang kinh doanh ra sao?

Công ty Cổ phần Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (VEFAC) là công ty con của Tập đoàn Vingroup (mã CK: VIC). Vingroup nắm tỷ lệ biểu quyết 87,97% và tỷ lệ lợi ích là 86,54% tại doanh nghiệp này.

Mới đây, tại tài liệu phục vụ Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 25/5 tới đây, VEFAC đã lên kế hoạch tăng vốn điều lệ.

Theo đó, VEFAC sẽ phát hành 852.997.376 cổ phiếu với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu, nâng số cổ phiếu của công ty lên mức 1.019.601.426 cổ phiếu. Đối tượng phát hành là cổ đông hiện hữu có tên trong Danh sách người sở hữu chứng khoán tại thời điểm chốt danh sách Cổ đông để thực hiện phát hành do Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cung cấp.

Tỷ lệ phát hành 1:5,12 (nghĩa là Cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu VEF tại ngày chốt danh sách sẽ được hưởng 1 quyền mua, và cứ 1 quyền mua sẽ được mua 5,12 cổ phiếu phát hành thêm). Cổ đông có quyền không đăng ký mua hoặc từ chối quyền ưu tiên mua cổ phiếu phát hành thêm của công ty.

header_banner_02-1.jpg

Vốn điều lệ hiện tại của công ty là hơn 1.666 tỷ đồng. Vốn điều lệ dự kiến tăng là gần 8.530 tỷ đồng. Nếu phát hành thành công, tổng vốn điều lệ dự kiến sau khi tăng lên mức hơn 10.196 tỷ đồng.

VEFAC sẽ sử dụng số tiền thu được từ đợt phát hành cổ phiếu vào việc triển khai thực hiện các dự án: Dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị mới tại các xã Xuân Canh, xã Đông Hội, xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội với số tiền 6.976 tỷ đồng và dự án Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc Gia với số tiền 1.467 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty bổ sung vào vốn lưu động 86,97 tỷ đồng.

VEFAC kinh doanh ra sao?

Năm 2022, công ty xác định nội dung kinh doanh trọng tâm là tiếp tục duy trì tổ chức các cuộc hội chợ triển lãm trọng tâm, đồng thời tìm kiếm cơ hội tốt để tổ chức và phối hợp tổ chức các hội chợ triển lãm, sự kiện.

Do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, xung đột vũ trang và bất ổn kinh tế toàn cầu, các cuộc hội chợ triển lãm truyền thống của Công ty bị hoãn hoặc hủy. Tuy nhiên, Công ty đã phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước của Trung ương, UBND Thành phố Hà Nội và các hiệp hội ngành nghể để chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc tổ chức các cuộc hội chợ triển lãm.

Ngoài ra, trong năm, công ty cũng kinh doanh các biển quảng cáo tấm lớn trên các trục đường chính như Thăng Long – Nội Bài, Pháp
Vân – Cầu Giẽ. Công ty tiếp tục thực hiện các thủ tục cần thiết để triển khai các dự án mà Công ty là chủ đầu tư, cụ thể là: Dự án “Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia” và “Dự án Khu đô thị mới Đông Anh” tại các xã Xuân Canh, Đông Hội, Mai Lâm huyện Đông Anh, Hà Nội; Dự án “Tổ hợp Trung tâm Thương mại Dịch vụ” tại 148 Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội và Dự án “Khu Chức năng Đô thị Nam Đại lộ Thăng Long” tại Mễ Trì, Hà Nội.

Tổng doanh thu, thu nhập tài chính của công ty trong năm đạt gần 514 tỷ đồng, tăng gần 26% so với năm 2021. Lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế đạt lần lượt 418 và 320 tỷ đồng.

Tỷ suất lợi nhuận trước thuế/Tổng doanh thu và thu nhập tài chính đạt 81,41%; Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/Tổng doanh thu và thu nhập tài chính đạt 62,20%.

header_banner_02-1.jpg

Năm 2022 là một năm khó khăn tuy nhiên công ty vẫn duy trì mảng kinh doanh các biển quảng cáo tấm lớn, nên đã thu dịch vụ đạt 9,9%. Lợi nhuận sau thuế của Công ty đạt 319,6 tỷ đồng tăng gấp 1,6 lần kế hoạch đề ra chủ yếu nhờ vào các hoạt động đầu tư tài chính hiệu quả đã mang lại nguồn doanh thu tài chính lớn trong năm.

Tổng tài sản của công ty tại thời điểm 31/12/2022 là 8.697,9 tỷ đồng, chỉ tăng nhẹ so với thời điểm 31/12/2021 với mức 55,3 tỷ đồng.

Tổng nguồn vốn của Công ty tại thời điểm 31/12/2022 tăng 55,3 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2021, chủ yếu donợ ngắn hạn tăng 77,8 tỷ đồng, nợ dài hạn giảm 342 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tăng 319,6 tỷ đồng.

Trong năm 2022, Công ty đã nộp cho Ngân sách Nhà nước tổng cộng 69,6 tỷ đồng tiền thuế và tiền thuê đất.

Năm 2023 là năm công ty tiếp tục triển khai đồng thời các Dự án “Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia” và “Dự án Khu đô thị mới Đông Anh” tại huyện Đông Anh, Hà Nội (Vinhomes Cổ Loa); Dự án “Tổ hợp Trung tâm Thương mại Dịch vụ” tại 148 Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội và Dự án “Khu Chức năng Đô thị Nam Đại lộ Thăng Long” tại Mễ Trì, Hà Nội, trong khi các hoạt động hội chợ triển lãm vẫn tạm thời được tổ chức thuê tại địa điểm khác.

Tổng vốn đầu tư dự án Vinhomes Cổ Loa khoảng 42.215 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia khoảng 7.336 tỷ đồng.

Về kế hoạch của năm nay, VEFAC dự kiên tổ chức 2 hội chợ. Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ dự kiến đạt 10 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp dự kiến là 200 tỷ đồng.


(0) Bình luận
Muốn rót vốn vào "siêu dự án" 42.000 tỷ tại Đông Anh, công ty VEFAC đang kinh doanh ra sao?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO