Thanh Hóa phát triển thành một kỉnh "kiểu mẫu"
Tại buổi làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính với đoàn công tác Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa về tình hình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đến nay và phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, giải quyết một số kiến nghị của tỉnh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, ngày 20/2/1947, Bác Hồ lần đầu tiên về thăm Thanh Hóa, Người đã căn dặn: "Tỉnh Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh "kiểu mẫu" và khẳng định niềm tin: Tỉnh Thanh Hoá theo tôi, muốn trở thành một tỉnh kiểu mẫu, nhất định được, vì người đông, đất rộng, của nhiều, chỉ còn thiếu sự điều khiển sắp đặt".
Định hướng thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ một số quan điểm, định hướng lớn. Theo đó, phải giữ vững, củng cố và phát huy đoàn kết, thống nhất, trên dưới một lòng; quán triệt và thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chủ trương của Đảng, Quốc hội; phát huy tối đa những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh; xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ; huy động sức mạnh toàn dân; giữ vững quốc phòng, an ninh không để đột xuất, bất ngờ; đạt mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, bao trùm, toàn diện, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Thủ tướng lưu ý, cơ chế, chính sách phải thông thoáng, hạ tầng phải thông suốt, quản lý điều hành phải thông minh; tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính một cách triệt để; phát triển hài hòa giữa kinh tế, văn hóa, môi trường, an sinh và phúc lợi xã hội.
Thời gian tới, Thủ tướng lưu ý tỉnh cần tập trung thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng), thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thông qua tiếp cận đất đai, vốn, giải quyết thủ tục hành chính và tiếp cận thị trường.
Chú trọng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội và các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Xây dựng, quản lý các khu công nghiệp, cụm công nghiệp xanh; tiếp tục phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu, từng bước tạo ra nhiều sản phẩm có thương hiệu, sức cạnh tranh trên thị trường và tham gia trong chuỗi giá trị.
Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án công nghiệp đã đi vào hoạt động đạt công suất thiết kế; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án công nghiệp đang triển khai; thu hút có chọn lọc các dự án công nghiệp quy mô lớn, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Tiếp tục thu hút mạnh các dự án FDI chất lượng cao, công nghệ cao, sản xuất thông minh; đồng thời tạo mọi thuận lợi để phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ.
Chú trọng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuyển tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, phát triển thị trường nông sản trong và ngoài nước.
Phát triển nông, lâm, thủy sản theo hướng bền vững, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh của sản phẩm; tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới; thu hút đầu tư các nhà máy chế biến gắn với xây dựng vùng nguyên liệu; hình thành và phát triển các chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ.
Thủ tướng cũng yêu cầu tỉnh có những biện pháp nhằm cắt giảm, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, thủ tục hành chính nhằm tạo ra môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn, thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Thúc đẩy phát triển khu vực phía Tây và miền núi của tỉnh, nơi chiếm 1/3 dân số và 2/3 diện tích của tỉnh...
Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần tập trung đầu tư phát triển y tế, giáo dục, đào tạo, triển khai hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, quan tâm phúc lợi xã hội đối với lao động khu công nghiệp, thúc đẩy tiến bộ xã hội.
"Việt Nam thu nhỏ" là "vùng đất phên dậu" của Tổ quốc
Thanh Hóa thuộc vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung bộ, là một tỉnh lớn với diện tích đứng thứ 5 (11.120 km2, sau Nghệ An, Gia Lai, Sơn La, Đắk Lắk) và dân số đứng thứ 3 (3,74 triệu người, chỉ sau sau Hà Nội và TPHCM) của cả nước.
Thanh Hóa được xem như là một Việt Nam thu nhỏ, có đầy đủ miền núi và trung du, đồng bằng, ven biển và biên giới; có nhiều tài nguyên khoáng sản; có 102 km bờ biển, 213 km đường biên giới với nước bạn Lào.
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, Thanh Hóa là "vùng đất phên dậu", "một vùng đất căn bản", "đất bản triều", giữ vị trí trọng yếu cả về chính trị, quân sự và kinh tế.
Tỉnh cũng là một trong những tỉnh có đầy đủ hệ thống giao thông: Đường sắt, đường bộ, đường thủy và đường hàng không, rất thuận lợi cho giao thương, kết nối giữa đồng bằng Bắc bộ rộng lớn với khu vực miền Trung dài và hẹp.
Thanh Hóa là một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước về công nghiệp năng lượng và chế biến, chế tạo; nông nghiệp giá trị gia tăng cao; dịch vụ logistics, du lịch, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu và văn hoá, thể thao; một cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc.
Hệ thống khu kinh tế, khu, cụm công nghiệp ngày càng phát triển. Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp trên địa bàn trở thành "đòn bẩy" thúc đẩy phát triển công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của tỉnh.
Thanh Hóa có tiềm năng về du lịch lớn với nền văn hoá phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc, có những di tích lịch sử và danh thắng nổi tiếng (Khu Di tích lịch sử Lam Kinh, Di tích thành Nhà Hồ; bãi biển Sầm Sơn, Hải Hòa, Hải Tiến; Vườn quốc gia Bến En; Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông; suối cá thần Cẩm Lương, …).
Theo thống kê, Thanh Hóa có GRDP bình quân hàng năm (giai đoạn 2021-2023) tăng khá, ước đạt 9,69%, đứng thứ 5 cả nước. 9 tháng năm 2023, tăng trưởng GRDP đạt 7,72%. Quy mô GRDP (giá hiện hành) năm 2023 ước đạt 279.074 tỷ đồng, gấp 1,5 lần năm 2020, đứng thứ 8 cả nước và cao nhất các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung bộ. GRDP bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 3.144 USD, gấp 1,42 lần năm 2020.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực (tỷ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng chiếm 48,4%; dịch vụ chiếm 31,8%; nông nghiệp chiếm 13,8%). Giá trị xuất khẩu hàng hóa năm 2023 ước đạt 5,1 tỷ USD, gấp 1,39 lần năm 2020. Giai đoạn 2021-2023, ước đón 26,5 triệu lượt khách du lịch, tăng bình quân 17,8%/năm; tổng thu du lịch ước đạt 49.266 tỷ đồng, tăng bình quân 32,5%/năm.
Giai đoạn 2021 - 2023, tỉnh đã thành lập mới 10.700 doanh nghiệp, đứng thứ 7 cả nước. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 143 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký 14,7 tỷ USD, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ và đứng thứ 8 cả nước về thu hút FDI.
Tổng thu ngân sách giai đoạn 2021-2023 ước đạt 132.418 tỷ đồng, trong đó năm 2022 đạt 51.173 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay và đứng thứ 9 cả nước.
Tỉ lệ hộ nghèo năm 2023 ước còn 3,79%, bình quân giảm 1,5%/năm. Năm 2022, Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) xếp thứ 3 cả nước, Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) xếp thứ 10 cả nước, Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) xếp thứ 5 cả nước.