Ngày 23/5, tin từ Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh Bình Định, lực lượng Công an đang tập trung xác minh, điều tra tin báo tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền hàng chục tỷ đồng.
Nạn nhân trong câu chuyện là chị T.T.H. (sinh năm 1989, ở thành phố Quy Nhơn) bị lừa trên 30 tỷ đồng khi đăng ký cho con tham gia giải chạy marathon qua mạng.
Cụ thể, cuối tháng 4/2024, chị H. nhắn tin đăng ký cho 2 con và một cháu tham gia giải "Kun Marathon - 2024", diễn ra tháng 6/2024 tại Fanpage này. Tài khoản Facebook Kun Marathon - 2024 yêu cầu chị H. kết bạn Zalo với một người tên Hoàng Phương Anh, có số điện thoại 0587942158 để đăng ký.
Qua Zalo, Hoàng Phương Anh gửi cho chị H. đường link: https://das.google.com để đăng ký cho các cháu. Sau đó, chị H. bị dẫn dụ vào nhóm Telegram đang có nhiều người tham gia.
Lúc này, một tài khoản tên Đặng Quang Vinh bắt đầu chiêu thức dụ dỗ, lừa đảo. Ban đầu, Vinh tung ra một số sản phẩm thương hiệu, trong đó, có nhãn hiệu Adidas để "câu dẫn" các "con mồi". Đồng thời yêu cầu các "con mồi" chuyển tiền, sau đó, công ty bên Vinh sẽ chuyển khoản trả lại theo cam kết.
Ban đầu, chị H. chuyển 640.000 đồng vào tài khoản theo hướng dẫn và sau đó nhận lại được tiền theo cam kết. Sau đó, chị H. tham gia mua thêm nhiều sản phẩm, số tiền lên cao hơn…
Với chiêu chuyển sai cú pháp, tài khoản Đặng Quang Vinh yêu cầu chị H. phải có giao dịch khắc phục thì mới hoàn trả lại tiền gốc, lãi. Mặc dù nghi ngờ, song do đang mua nhiều sản phẩm số tiền đã chuyển trả lớn, chưa lấy lại được nên chị H. tiếp tục chuyển tiền.
Khi đã dính sâu, chị H. đi vay mượn thêm nhiều tiền anh em, bạn bè, đồng nghiệp để chuyển nhiều lần theo yêu cầu đối tượng, tổng cộng số tiền trên 30,2 tỷ đồng.
Sau khi nhận đơn phản ánh của chị T.T.H., Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh Bình Định đã vào cuộc xác minh, điều tra. Qua xác minh, Cảnh sát phát hiện toàn bộ số tiền chị T.T.H. đều chuyển qua một tài khoản ở nước ngoài.
Hiện lực lượng Công an bắt giữ được 3 đối tượng trong vụ việc. Tuy nhiên, các đối tượng bị bắt đều là giúp sức, còn đối tượng trực tiếp lừa đảo ở nước ngoài nên rất khó xác định.
Như vậy: Có thể nhận diện ra một vài "chiến thuật" của các đội nhóm lừa đảo hiện nay mà người dùng nên để ý và phòng tránh, như sau:
- Thu hút "con mồi" bằng các chương trình cộng đồng, hoạt động xã hội mang tính dễ dàng tiếp cận.
- Chuyển đổi qua lại vòng vo giữa các app OTT để trò chuyện: Zalo, Telegram.. Mục đích che giấu thông tin cá nhân, tránh bị lộ.
- Tìm lý do, yêu cầu chuyển tiền vào các tài khoản lạ không chính chủ, tài khoản nước ngoài.
- Dụ dỗ để con mồi cắn câu, nếu số tiền lúc đầu chuyển đi nhỏ, thì càng về sau số tiền chuyển đi càng nhiều hơn.
Do đó, người dùng cần hết sức cảnh giác và tuyệt đối không thực hiện các giao dịch tài chính nếu chưa có xác thực trực tiếp.