Khát nhân lực trong thời gian dài
Theo Báo Điện tử Chính phủ, tại thời điểm hiện nay, với 100 triệu dân, Việt Nam cần phải có 260.000 điều dưỡng tại các cơ sở y tế theo chiến lược phát triển ngành y tế ở nước ta. Tuy nhiên, trên thực tế, chúng ta mới có 140.000 điều dưỡng.
Tại lễ kỷ niệm Ngày quốc tế Điều dưỡng (12/5) do Bộ Y tế tổ chức tháng 5 vừa qua, ông Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh chia sẻ: Nghề điều dưỡng rất quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe người dân. Điều này được minh chứng rằng, chức danh nghề điều dưỡng trong các cơ sở khám chữa bệnh hiện nay luôn chiếm từ 60-70% so với nguồn nhân lực ngành y tế.
Trong suốt quá trình điều trị bệnh, ước tính thời gian người điều dưỡng tiếp xúc với bệnh nhân cũng chiếm tới 60-70%. "Một bệnh nhân, từ khi bắt đầu vào viện, trong suốt quá trình điều trị, cho đến khi làm thủ tục ra viện, đều được chăm sóc bởi những người điều dưỡng", ông Vương Ánh Dương cho biết.
Điều này cho thấy rằng, người điều dưỡng không chỉ quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe người bệnh, mà họ còn quản lý, hỗ trợ người bệnh trong suốt quá trình điều trị.
Ảnh minh họa: Internet
Tình trạng tuyển sinh trong ngành điều dưỡng trong thời gian gần đây cũng không tạo ra nhiều bứt phá. Ghi nhận tại mùa tuyển sinh năm ngoái, thí sinh không mấy mặn mà với ngành đào tạo này, dẫn tới tình trạng nhiều trường thiếu từ hàng chục đến hàng trăm chỉ tiêu.
Chẳng hạn, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch năm 2022 chỉ có 781 thí sinh có nguyện vọng nộp đơn đăng ký học Điều dưỡng, giảm 66% so với năm 2021 khi ghi nhận 2.300 thí sinh. Năm ngoái, nhiều trường cũng phải liên tục thông báo xét tuyển bổ sung đại học chính quy khi không có đủ số lượng người đăng ký học.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cũng nhìn nhận, công tác điều dưỡng cũng đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Nhiều nơi còn quan niệm "nghề điều dưỡng là phục vụ, làm theo y lệnh của bác sĩ". Nguồn nhân lực điều dưỡng thiếu nhiều về số lượng, năng lực chuyên môn thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực.
Đại diện trường Đại học Y Dược Hải Phòng chia sẻ với Báo Đầu tư cho rằng: Tình trạng năm ngoái có một phần nguyên nhân đến từ tác động của dịch Covid-19. Đặc thù công việc của hai ngành này rất vất vả, nguy hiểm nhưng chế độ đãi ngộ không được cải thiện khiến nhiều thí sinh chuyển hướng.
Năm nay, trường Đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội đã công bố mức điểm chuẩn. Trong đó, ngành điều dưỡng lấy 23.85 điểm với tổ hợp xét tuyển là B00. Học phí dự kiến khoảng 20,76 triệu đồng/năm.
Điểm chuẩn các ngành của trường Đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội, năm 2023.
Cơ hội việc làm lương cao cho người học điều dưỡng
Tuy vậy, điều dưỡng lại là một ngành rất được ưu tiên tại Nhật Bản. Mức lương của ứng viên điều dưỡng, hộ lý sẽ theo quy định của pháp luật Nhật Bản. Tuy nhiên, mức lương thông thường của ứng viên điều dưỡng là 160.000 - 180.000 yên/tháng (tương đương 29 - 32 triệu đồng); ứng viên hộ lý là 180.000 - 190.000 yên/tháng (tương đương 32 - 34 triệu đồng).
Ngoài mức lương trên, ứng viên có thể sẽ được nhận các khoản phụ cấp tương ứng với thành tích công việc.
Để tạo điều kiện cho nguồn nhân lực tại Việt Nam tiếp cận với cơ hội này, Bộ LĐ-TB-XH thường xuyên tổ chức các đợt tuyển chọn ứng viên điều dưỡng, hộ lý sang làm việc tại Nhật Bản theo Chương trình EPA. Bạn trẻ dưới 35 tuổi, tốt nghiệp chuyên ngành điều dưỡng có nguyện vọng sang làm việc tại Nhật Bản có thể đăng ký tham gia chương trình phi lợi nhuận, được triển khai theo Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật, do cơ quan nhà nước hai bên trực tiếp phối hợp thực hiện. Các ứng viên được hai chính phủ hỗ trợ toàn bộ chi phí 1 năm học tiếng Nhật, ăn ở và sinh hoạt phí trong quá trình đào tạo.
Điều kiện để đăng ký tham gia đối với ứng viên hộ lý là tốt nghiệp tốt nghiệp cao đẳng điều dưỡng, điều dưỡng đa khoa (3 năm) hoặc cử nhân điều dưỡng, điều dưỡng đa khoa (4 năm) tuổi không quá 35. Còn đối với ứng viên điều dưỡng, ngoài tiêu chí trên, ứng viên phải có thêm các điều kiện: được cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của luật Khám bệnh, chữa bệnh; có ít nhất 2 năm kinh nghiệm làm công tác điều dưỡng (bao gồm cả thời gian tập sự 9 tháng để được cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh).
Từ năm 2012 đến nay, Bộ LĐ-TB-XH đã phối hợp với phía Nhật Bản tuyển chọn và đưa vào đào tạo tiếng Nhật cho 11 khóa ứng viên điều dưỡng, hộ lý tổng số 2.147 người. Đến nay đã có 1.696 điều dưỡng, hộ lý đã sang làm việc tại các cơ sở của Nhật Bản.
Ngành Điều dưỡng học gì?
Là một chuyên ngành trong hệ thống đào tạo nhân lực y tế, ngành điều dưỡng có nhiệm vụ bảo vệ, tối ưu hóa về sức khỏe, dự phòng bệnh và chấn thương. Họ cũng là người thực hiện nhiệm vụ xoa dịu nỗi đau qua chẩn đoán và điều trị nhằm đáp ứng tốt nhất cho nhu cầu chăm sóc sức khỏe của mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội.
Ảnh minh họa: Internet
Một điều dưỡng chuyên nghiệp đảm bảo kỹ năng chuyên môn và phẩm chất tốt, thực hiện sứ mệnh chăm sóc bảo vệ sức khỏe của mọi người. Sinh viên tốt nghiệp đảm bảo đạt được chuẩn đầu ra về kiến thức, kỹ năng, năng lực tự chủ và trách nhiệm cần có, có khả năng thực hiện thành thạo các kỹ năng Điều dưỡng cơ bản lâm sàng.
Các môn học sinh viên được trang bị là các kiến thức về Điều dưỡng cơ sở sức khỏe - môi trường và vệ sinh nâng cao sức khỏe, dược lý điều dưỡng, đạo đức điều dưỡng, quản lý điều dưỡng, tổ chức quản lý y tế, sinh lý bệnh miễn dịch, tâm lý học – đạo đức y học, kiểm soát nhiễm khuẩn, phục hồi chức năng, y học cổ truyền, điều dưỡng nội khoa, ngoại khoa, điều dưỡng tâm thần, hồi sức cấp cứu…
(Tổng hợp)