Một loại quả đang miễn nhiễm với lạm phát, dư thừa đến nỗi dân chẳng cần mua và được cho không

Vũ Anh | 11:15 03/11/2022

Trong bối cảnh chi phí cho các mặt hàng tạp hóa tăng tới 13% so với hồi năm ngoái, đây được ví như vị cứu tinh cho những hộ gia đình vốn đã quá mệt mỏi vì lạm phát xoay vòng.

Một loại quả đang miễn nhiễm với lạm phát, dư thừa đến nỗi dân chẳng cần mua và được cho không

Trong khi một loạt các mặt hàng tăng cao phi mã vì lạm phát, một loại quả dường như lại miễn nhiễm với tất cả: Trái bơ. Việc nguồn cung bơ tăng lên đáng kể trong thời gian vừa qua khiến giá bán buôn lẫn giá bán lẻ loại quả này hạ nhiệt nhanh chóng, theo CNN. 

Trong bối cảnh chi phí cho các mặt hàng tạp hóa tăng tới 13% so với hồi năm ngoái, bơ được ví như vị cứu tinh cho những hộ gia đình vốn đã quá mệt mỏi vì lạm phát xoay vòng. Sau khi tăng mạnh trong nửa đầu năm 2022, giá bán buôn cho một thùng 48 quả bơ cỡ trung đã giảm 35% xuống còn dưới 30 USD so với cùng kỳ năm ngoái, đồng thời giảm 67% so với mức đỉnh hồi tháng 6, theo David Magana, nhà phân tích nông sản cao cấp của Rabo AgriFinance.

“Bơ luân phiên cho năng suất cao từ ​​năm này sang năm khác. Năm nay bơ được mùa, thì năm sau sẽ ra quả ít hơn một chút”, Magana nói. 

Tại các cửa hàng bán lẻ, đơn giá trung bình của quả bơ cũng có xu hướng đảo ngược, giảm 2,6% trong tháng 9 so với năm 2021. Điều này trái ngược hoàn toàn với mức tăng đột biến 31% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng 7 và mức tăng 13,9% vào tháng 8, theo số liệu mới nhất từ ​​công ty nghiên cứu thị trường NielsenIQ chuyên theo dõi dữ liệu các nhà bán lẻ.

Điều gì đã khiến bơ trở nên rẻ đến vậy?

“Các yếu tố, bao gồm địa chính trị, đã khiến nguồn cung bơ dư thừa”, Richard Kottmeyer, giám đốc điều hành ngành thực phẩm, nông nghiệp và đồ uống của FTI Consulting nói, đồng thời cho biết trong một số trường hợp, bơ còn được tặng kèm miễn phí cho người tiêu dùng. “Đối với họ, quả bơ bây giờ chính là tấm lá chắn hoàn hảo chống lại lạm phát lương thực”. 

Cụ thể, vào tháng trước tại Philadelphia, một tổ chức phi lợi nhuận phân phối thực phẩm địa phương đã tổ chức sự kiện kéo dài 3 ngày nhằm phân phát hàng nghìn quả bơ dư thừa cho bất kỳ ai có nhu cầu. Theo The Philadelphia Inquier,  hơn 300.000 quả bơ đã được cho đi trong vòng chưa đầy 3 giờ. 

221101092651-avocado-surplus-pa-1019-restricted.jpg
Trong khi một loạt các mặt hàng tăng cao phi mã vì lạm phát, một loại quả dường như lại miễn nhiễm với tất cả: Trái bơ.

Thực tế, mùa bơ bội thu trên toàn cầu năm nay đã khiến nguồn cung bùng nổ. Thị trường bơ Mỹ chủ yếu là bơ Hass nhập khẩu từ Mexico, chiếm 92% nguồn cung. Số ít khác thì đến từ Peru và các trang trại ở California và Florida.

“Trong nửa đầu năm 2022, các lô hàng bơ nhập khẩu từ Mexico giảm 25% so với con số kỷ lục ghi nhận được vào năm 2021”, Magana cho biết. 

Nguyên nhân được cho là đến từ lệnh cấm nhập khẩu bơ tạm thời từ Michoacan, miền Tây Mexico. Đến tháng 4, việc Texas tăng cường thanh tra biên giới đối với các chuyến hàng thương mại chở nông sản từ quốc gia này khiến nhiều xe tải chở bơ bị chặn kiểm. 

May mắn, quy định này sau đó sớm được dỡ bỏ. Các chuyến hàng bắt đầu đổ về ngày một nhiều sau thời gian dài tắc biên. Nông dân Mexico được dự báo sẽ có một vụ mùa bội thu hơn trong năm nay. 

Được biết Mexico là thị trường sản xuất và xuất khẩu bơ lớn nhất thế giới. Dự báo sản lượng bơ tại quốc gia này sẽ tăng trưởng bình quân 5%/năm trong vòng 10 năm tới, chủ yếu nhờ nhu cầu tiêu thụ mạnh tại Mỹ - thị trường nhập khẩu bơ lớn nhất thế giới hiện nay.

Năm 2017, tổng giá trị trái bơ tươi nhập khẩu vào Mỹ lên tới 2,6 tỷ USD. Thời điểm đó, con số này được cho là sẽ không dừng lại bởi trung bình lượng bơ tươi nhập khẩu vào Mỹ tăng khoảng 13%/năm do diện tích trồng bơ tại bang California có dấu hiệu sụt giảm mạnh. 

Tính đến năm 2018, nhu cầu sử dụng trái bơ tươi của mỗi người dân Mỹ tăng gấp hơn 7 lần sau 30 năm. Năm 1989, trung bình mỗi người dân Mỹ chỉ tiêu thụ khoảng 500 gram trái bơ tươi mỗi năm, song đến năm 2016, con số này đã lên tới gần 4kg. Mỹ khi đó đã phải nhập khẩu tới hơn 850.000 tấn, chiếm hơn 50% tổng lượng trái bơ tươi nhập khẩu toàn cầu để đáp ứng nhu cầu trong nước.

221101155312-avocado-toast-file-restricted.jpg
Trong bối cảnh chi phí cho các mặt hàng tạp hóa tăng tới 13% so với hồi năm ngoái, bơ được ví như vị cứu tinh cho những hộ gia đình vốn đã quá mệt mỏi vì lạm phát xoay vòng.

“Về cơ bản, Mỹ nhập khẩu hầu hết bơ từ Mexico và Peru. Châu Âu đang lạm phát lương thực đáng kể, vậy nên nhu cầu đối với bơ đang giảm tại khu vực này”, Kottmeyer nói. Ngoài ra, căng thẳng địa chính trị Nga-Ukraine cũng khiến việc xuất khẩu và vận chuyển bơ vào châu Âu bị gián đoạn. 

“Phần lớn nguồn cung đã vượt qua cầu tại Mỹ. Bơ có thời hạn sử dụng khoảng 3 đến 4 tuần, lâu hơn hầu hết các loại trái cây và rau quả nên dễ dàng được chuyển hướng sang các thị trường khác”, Kottmeyer nói.

Theo Magana, tình trạng dư thừa nguồn cung bơ sẽ kéo dài ít nhất đến giữa năm 2023. Đây là một tin khá vui đối với người tiêu dùng. “Tuy nhiên, không chắc những thay đổi về thời tiết hay nhiệt độ có ảnh hưởng đến sản xuất hay không”, ông nói.

Theo CNN, bơ đang ngày càng trở thành phổ biến. Chúng xuất hiện ở mọi nơi, từ thực đơn nhà hàng đến tiệm tạp hóa, bánh mì nướng bơ, bánh mì kẹp thịt đến salad rau trộn. “Nhu cầu về bơ chắc chắn không giảm đâu”, Kottmeyer nói. 

Theo Báo cáo triển vọng nông nghiệp 2021-2030 (OECD‑FAO Agricultural Outlook 2021-2030) của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc (FAO) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), bơ được dự báo là trái cây được xuất khẩu nhiều nhất trong 10 năm tới. Đây cũng có thể trở thành loại quả nhiệt đới được giao dịch nhiều nhất vào năm 2030 và đạt 3,9 triệu tấn xuất khẩu - vượt qua cả dứa và xoài về số lượng.

Theo: CNN, OECD‑FAO






Bài liên quan

(0) Bình luận
Một loại quả đang miễn nhiễm với lạm phát, dư thừa đến nỗi dân chẳng cần mua và được cho không
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO