Giá ca cao đe dọa các nhà sản xuất
Các nhà sản xuất trong ngành công nghiệp sô cô la đã thu được lợi nhuận bội thu trong vài năm qua do nhu cầu về mặt hàng này tăng cao, bất chấp giá cả đắt đỏ. Tuy nhiên dữ liệu thu thập của Reuters cho thấy xu hướng này sẽ chấm dứt khi giá ca cao đang ở mức cao nhất trong vòng 46 năm và giá đường cũng đang ở mức kỷ lục trong vòng hơn một thập kỷ qua.
Dữ liệu do các nhà nghiên cứu thị trường Nielsen cung cấp đã chỉ ra giá sô cô la tại châu Âu và Bắc Mỹ đã tăng khoảng 20% trong vòng 2 năm qua khiến người mua bắt đầu cắt giảm mua. Các nhà sản xuất sô cô la trên thế giới như Hershey và Mondelez sẽ phải đối mặt với tình trạng khó khăn hơn trong năm tới khi giá của ca cao chưa chấm dứt đà tăng. Nhà sản xuất Cadbury, Mondelez dự báo lạm phát ca cao và đường sẽ tiếp tục trong thời gian tới. Trong một năm qua, giá ca cao đã tăng đến 30%.
Giá cả nguyên liệu tăng cao dẫn đến việc tăng giá sô cô la đã đè nặng lên tỷ suất lợi nhuận của các nhà sản xuất. Điều này đã dẫn đến việc Mondelez trước đó đã rút các thanh Cadbury và Milka khỏi kệ hàng của chuỗi siêu thị Colruyt của Bỉ sau khi không thống nhất được về giá cả.
Trước bối cảnh tăng giá, các chuyên gia đang nghiên cứu khả năng phục hồi trong nhu cầu của người tiêu dùng. Mondelez đã nâng dự báo tăng trưởng doanh thu hàng năm vào tháng trước trong khi Hershey cũng đã tăng dự báo lợi nhuận.
Mặc dù vậy nhưng mức tăng trưởng doanh số bán sô cô la của Mondelez đã giảm đi đáng kể trong năm nay, từ 14,8% trong 2 tháng đầu năm xuống còn 3,2% vào tháng 7, ngay cả khi hãng cố gắng giữ giá mặt hàng này ở mức khá bình ổn, theo phân tích của Bernstein. Ngoài ra, dữ liệu cũng cho thấy doanh số bán hàng của Hershey ngày càng giảm trong giai đoạn này khi công ty tăng giá.
Ông Dan Sadler, một chuyên gia về kẹo tại công ty nghiên cứu thị trường IRI có trụ sở tại Mỹ cho biết: “Chúng tôi bắt đầu thấy người tiêu dùng phản ứng tiêu cực, bởi vậy chúng tôi sẽ thận trọng với việc tăng giá”. Còn Barry Callebaut, nhà sản xuất sô cô la lớn nhất thế giới cung cấp cho hầu hết các thương hiệu lớn bao gồm cả Nestle, họ cho biết sẽ không mong đợi bất kỳ sự tăng trưởng nào về doanh số bán hàng trong năm nay.
Kỳ vọng nhu cầu tăng
Trong khi đó, sô cô la mang nhãn hiệu riêng (private label) với giá thấp hơn tiếp tục chiếm thị phần. Tại Mỹ, doanh số bán hàng của phân khúc này đã tăng gần 9% trong nửa đầu năm mặc dù giá tăng gần hai chữ số, dữ liệu của IRI cho thấy.
Giám đốc điều hành Michele Buck của Hershey cho biết họ đã công bố mức tăng giá sản phẩm trong nửa cuối năm 2023 ở mức cao, tuy nhiên mức tăng của năm 2024 sẽ chỉ là một con số nhỏ.
Hershey có trụ sở tại Pennsylvania, đang hy vọng rằng khi tỷ lệ tăng giá giảm bớt, doanh số bán hàng của họ sẽ đảo ngược xu hướng giảm hiện tại. Công ty cũng đang có kế hoạch dựa vào tự động hóa để giảm chi phí sản xuất.
Rabobank cho biết những áp lực về chi phí có thể tiếp tục kéo dài sang năm tới do hiện tượng thời tiết El Nino ở Tây Phi và việc thiếu các nhà sản xuất thay thế có thể tăng sản lượng một cách nhanh chóng.
Các nhà sản xuất ca cao hàng đầu Bờ Biển Ngà và Ghana đã phải đối mặt với hạn hán, mưa quá nhiều và dịch bệnh trong hai năm qua. Họ sản xuất 2/3 lượng ca cao của thế giới và các quan chức đang phải vật lộn để giúp nông dân đối phó với điều kiện khí hậu. Còn tại Việt Nam, nước ta sản xuất khoảng 4.500 tấn ca cao/năm, chỉ chiếm khoảng 0,1% sản lượng của thế giới, được trồng chủ yếu ở các tỉnh: Đồng Nai, Bình Thuận, Bến Tre, Tiền Giang, Bình Phước, Bà Rịa Vũng Tàu, Lâm Đồng , Buôn Mê Thuột, Đắk Lắk…
Theo Reuters