Một loại hải sản quý của Việt Nam được người nước ngoài mê tít: xuất khẩu tăng gần 100%, 'bỏ túi' 9 triệu USD trong 9 tháng đầu năm

Khánh Vy | 22:53 31/10/2023

Trung Quốc là thị trường hàng đầu tiêu thụ loại hải sản này của Việt Nam.

Một loại hải sản quý của Việt Nam được người nước ngoài mê tít: xuất khẩu tăng gần 100%, 'bỏ túi' 9 triệu USD trong 9 tháng đầu năm

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), 9 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 6,6 tỷ USD, giảm 22,6% so với cùng kỳ năm trước. Riêng trong tháng 9, doanh số xuất khẩu chỉ thấp hơn 5% so với cùng kỳ.

Quý 3 là quý có mức giảm thấp nhất về kim ngạch trong năm 2023, giảm 12% so với cùng kỳ. Xuất khẩu các sản phẩm chủ lực là tôm, cá tra, cá ngừ đều có tín hiệu tích hơn trong quý với trị giá xuất khẩu cao nhất và mức tăng trưởng âm thấp nhất từ đầu năm.

Bên cạnh đó, xuất khẩu nhuyễn thể có vỏ của Việt Nam tính đến hết tháng 9/2023 vẫn tiếp tục sụt giảm. Lũy kế 9 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 98 triệu USD, giảm 11% so với cùng kỳ năm 2022.

Các mặt hàng như nghêu, ốc, điệp lần lượt đạt 62 triệu USD, 12 triệu USD và 10 triệu USD trong 9 tháng đầu năm. Ba mặt hàng có mức tăng trưởng lần lượt là giảm 19%, tăng 6% và giảm 17%.

Đáng chú ý, một loại hải sản quý của Việt Nam đang được người nước ngoài cực kỳ ưa chuộng. Kim ngạch xuất khẩu hàu từ tháng 1 đến tháng 9/2023 đạt 9 triệu USD, tăng mạnh 94% so với cùng kỳ. Mặt hàng này chiếm 9,18% kim ngạch xuất khẩu nhuyễn thể hai mảnh có vỏ của Việt Nam. Ngoài hàu, hải sâm cũng đang được nhiều quốc gia quan tâm nhập khẩu.

Hiện, Việt Nam đã xuất khẩu nhuyễn thể hai mảnh vỏ sang 56 thị trường, trong đó, 6 thị trường nhập khẩu nhuyễn thể hai mảnh vỏ hàng đầu của Việt Nam là EU (Tây Ban Nha, Ý, Bồ Đào Nha), Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc & Hong Kong.

Thị trường xuất khẩu lớn nhất trong 9T/2023 là Tây Ban Nha đạt 15 triệu USD, giảm 19% so với cùng kỳ. Đứng sau là Ý, Bồ Đào Nha, Nhật Bản và Mỹ với mức tăng trưởng kim ngạch lần lượt là giảm 38%, tăng 14%, giảm 38% và giảm 19%.

Đặc biệt, thị trường Trung Quốc và Hong Kong chi 7 triệu USD, tăng mạnh nhập khẩu nhóm hàng này 149% so với năm 2022. Đây cũng là thị trường tiêu thụ hàu Việt nhiều nhất.

Theo các doanh nghiệp xuất khẩu, sự tăng trưởng đột biến trong nhóm sản phẩm này là do người tiêu dùng quốc tế ưa chuộng các sản phẩm lạ, quý hiếm của Việt Nam như hàu, hải sâm. Hải sâm là một trong số các loài sinh vật quý hiếm trên thế giới, được ví như 'nhân sâm của biển'. Đối với nhóm hàu, xuất khẩu đang ngày càng tăng nhờ vào việc cải thiện chất lượng và giá cả cạnh tranh hơn so với nhiều quốc gia.

Việt Nam hiện có trên 41.500ha nuôi nhuyễn thể với sản lượng khoảng 265.000 tấn/năm (trong đó riêng nghêu đạt 179.000 tấn/năm). Chuỗi giá trị ngành hàng nuôi nhuyển thể đang tạo công văn việc làm cho khoảng 200.000 lao động.

Nước ta có khá nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển các loài nhuyễn thể nuôi như: ngao, sò, hàu, tu hài, ốc hương, vẹm xanh, trai ngọc, điệp quạt, ốc nhảy... Đó là tiềm năng tự nhiên với 3.200 km bờ biển, 112 cửa sông, 660.000 ha bãi triều với 2.200 loài động vật thân mềm. Người dân có kinh nghiệm sản xuất giống và nuôi thương phẩm. Bên cạnh đó, kỹ thuật nuôi động vật thân mềm đơn giản, chi phí sản xuất thấp…


(0) Bình luận
Một loại hải sản quý của Việt Nam được người nước ngoài mê tít: xuất khẩu tăng gần 100%, 'bỏ túi' 9 triệu USD trong 9 tháng đầu năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO