Một công ty con của Pan Group vay nợ ngân hàng tăng gấp 5,7 lần

An Diệp | 16:12 22/05/2025

Kết thúc năm tài chính 2024, Pan Farm- công ty con của Tập đoàn Pan ghi nhận tổng nợ phải trả hơn 5.883,5 tỷ đồng, trong đó nợ vay ngân hàng tăng đột biến lên 3.962 tỷ đồng, gấp 5,7 lần cùng kỳ năm 2023 dù đang có đến 15 chứng chỉ tiền gửi tại BIDV trị giá 4.000 tỷ đồng.

Một công ty con của Pan Group vay nợ ngân hàng tăng gấp 5,7 lần

Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa đăng tải văn bản công bố thông tin về tình hình tài chính năm 2024 của Công ty Cổ phần Pan Farm.

Theo đó, kết thúc năm tài chính 2024, Pan Farm ghi nhận lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp đạt hơn 595,7 tỷ đồng, tăng 26,3% so với cùng kỳ.

Tính đến cuối năm 2024, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp tăng 13,2% so với cùng kỳ, lên mức hơn 3.968,3 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư của chủ sở hữu là hơn 1.220,7 tỷ đồng; các quỹ trích từ lợi nhuận sau thuế gần 317,3 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế chưa phân phối gần 625,2 tỷ đồng.

Mặc dù ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực, bảng cân đối kế toán của Pan Farm lại cho thấy mức tăng đột biến của nợ vay.

Cụ thể, tổng nợ phải trả tại thời điểm cuối năm 2024 đạt 5.883,5 tỷ đồng, tăng 82% so với cùng kỳ. Trong đó, riêng khoản vay ngân hàng chiếm 3.962 tỷ đồng, gấp 5,7 lần mức 689,5 tỷ đồng ghi nhận cuối năm 2023 và chiếm hơn 67% tổng nghĩa vụ nợ của doanh nghiệp.

Trước đó, vào tháng 12/2024, Tập đoàn PAN đã sử dụng 15 chứng chỉ tiền gửi tại Ngân hàng BIDV với tổng giá trị 4.000 tỷ đồng để làm tài sản bảo đảm cho các khoản vay tại Vietcombank.

Ngoài khoản vay ngân hàng, Pan Farm hiện đang lưu hành 3 lô trái phiếu doanh nghiệp với tổng giá trị 600 tỷ đồng, bao gồm các mã PAFCH2325001, PAFCH2325002 và PAFCH2325003 – đều có kỳ hạn 2 năm và sẽ lần lượt đáo hạn trong các tháng 6, 10 và 11 năm 2025. Trong năm 2024, công ty đã chi gần 61 tỷ đồng để thanh toán lãi trái phiếu đúng hạn cho cả ba lô nêu trên.

Tính đến cuối năm 2024, khoản mục nợ phải trả khác của Pan Farm ghi nhận hơn 1.321 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ nhưng vẫn chiếm tỷ trọng đáng kể trong cơ cấu nợ. Với cấu trúc tài chính hiện tại, doanh nghiệp đang đối mặt với áp lực duy trì dòng tiền ổn định nhằm đáp ứng cả nghĩa vụ trái phiếu lẫn nợ vay ngân hàng trong năm tài chính tiếp theo.

Pan Farm được thành lập năm 2016, hoạt động trong lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi hỗn hợp, là mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị nông nghiệp của Tập đoàn PAN. Theo thông tin cập nhật đến ngày 31/3/2025, Tập đoàn PAN đang nắm giữ 88,15% cổ phần tại Pan Farm.

Hiện tại, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm người đại diện theo pháp luật của Pan Farm là bà Nguyễn Thị Trà My – đồng thời là Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của PAN Group. Với vai trò hạt nhân trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, Pan Farm được định vị là đơn vị chủ lực của PAN Group trong chiến lược mở rộng chuỗi thực phẩm sạch từ trang trại đến bàn ăn.

Pan Farm hiện đang sở hữu 2 công ty con trực tiếp. Thứ nhất là CTCP Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed), hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu, chọn tạo, sản xuất và kinh doanh giống cây trồng, cũng như cung cấp dịch vụ kỹ thuật nông lâm nghiệp. Thứ hai là CTCP PAN – HULIC, một liên doanh giữa Pan Farm và đối tác Salad Bowl International từ Nhật Bản, tập trung vào phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam, đặc biệt là trong thị trường khu vực châu Á. Ngoài ra, Pan Farm còn liên kết với CTCP Khử trùng Việt Nam (VFC).

Bài liên quan

(0) Bình luận
Một công ty con của Pan Group vay nợ ngân hàng tăng gấp 5,7 lần
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO