Nhìn tổng thể năm 2022, mặc dù hầu hết các hoạt động kinh tế đã được khôi phục hậu Covid, song Việt Nam đã phải đối mặt với nhiều thách thức đến từ bên ngoài bao gồm việc tăng lãi suất của Fed và đồng USD mạnh, căng thẳng Nga-Ukraine, chính sách “Zero Covid” kéo dài của Trung Quốc và làn sóng thắt chặt tiền tệ toàn cầu nhằm kiềm chế lạm phát.
Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) cho rằng thị trường chứng khoán trong nước đã phản ánh các khó khăn kinh tế chung toàn cầu, cũng như bị thúc đẩy bởi tâm lý e ngại rủi ro xoay quanh các vi phạm trên thị trường tài chính trong nước khi Chính phủ bắt đầu các công tác giúp minh bạch hóa thị trường tài chính và bất động sản.
Đội ngũ phân tích tin rằng nỗ lực rất lớn của Chính phủ Việt Nam trong việc làm trong sạch thị trường tài chính, đặc biệt là mảng trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản, cuối cùng sẽ giúp nâng cao tính minh bạch của thị trường tài chính Việt Nam. Hơn nữa, các nhà hoạch định chính sách vẫn linh hoạt để hỗ trợ nền kinh tế chung, chẳng hạn như đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định 65 về trái phiếu doanh nghiệp.
NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ rất linh hoạt và điều này đã tạo nền tảng quan trọng cho tăng trưởng bền vững trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều dấu hiệu ảm đạm. Với việc tỷ giá hối đoái hạ nhiệt, NHNN sẽ chỉ tăng lãi suất nhẹ trong năm 2023 (+100 điểm cơ bản).
Tuy nhiên, áp lực khá lớn đối với hệ thống tài chính vẫn từ trái phiếu doanh nghiệp khi một lượng lớn trái phiếu sẽ đáo hạn trong năm 2023 trong bối cảnh lãi suất có xu hướng tăng. Do đó, thị trường cần thời gian để thích nghi với khung pháp lý mới có nhiều thay đổi quan trọng.
Với sự ổn định kinh tế vĩ mô cao hơn 2022, Mirae Asset cho rằng thị trường sẽ sớm thu hút thêm dòng vốn đầu tư vào trong thời gian tới: Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn tương đối hấp dẫn xét về triển vọng tăng trưởng kinh tế và thu nhập doanh nghiệp (cả hai đều được dự báo vượt trội so với các thị trường khác).
Năm 2022, mức định giá P/E của VN-Index (trailing 12 tháng) giảm từ mức đầu năm là 17,8 lần xuống còn khoảng 9,5 lần vào giữa tháng 11, trước khi tăng trở lại mức 10,5 lần.
Mirae Asset đánh giá định giá của VN-Index vẫn hấp dẫn sau nhịp hồi phục mạnh vừa qua. Cụ thể, P/E hiện tại của VN-Index – hiện đang khoảng 10−11x – vẫn còn rất hấp dẫn. Mức P/E hiện tại đang quanh mức trung bình trừ hai độ lệch chuẩn (SD) và hiện vẫn đang là mức thấp trong lịch sử.
Nhóm phân tích dự báo mức P/E của thị trường trong 2023 sẽ trở lại mức hợp lý vào khoảng 12−13x (bằng P/E trung bình 10 năm trừ một SD) nhờ: 1) áp lực tăng lãi suất giảm dần sau các tín hiệu gần đây của Fed; 2) tâm lý thị trường được cải thiện; và 3) sự phục hồi của các thị trường xuất khẩu, đặc biệt sau khi Trung Quốc nới lỏng giãn cách.
Dù tin rằng nỗ lực rất lớn của Chính phủ Việt Nam trong việc làm trong sạch thị trường tài chính, đặc biệt là mảng trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản, cuối cùng sẽ giúp nâng cao tính minh bạch của thị trường tài chính Việt Nam.
Tuy nhiên, đội ngũ phân tích đánh giá các yếu tố cơ bản của nhiều doanh nghiệp hiện vẫn còn đang trong tình trạng thử thách. Do đó, Mirae Asset lạc quan về thị trường năm 2023 trong tâm thế thận trọng. Việc lựa chọn cổ phiếu là điều phải cần thực hiện nghiêm túc.
Để chọn đúng cổ phiếu, nhà đầu tư cần có: 1) khả năng phân tích chuyên sâu và 2) khả năng giữ kỉ luật trong giao dịch – điều này khá khó khăn. Nhìn chung, trong năm 2023, Mirae Asset cho rằng các nhà đầu tư nên chú ý đánh giá sâu hơn về giá trị nội tại, triển vọng tăng trưởng và chất lượng tài sản của từng cổ phiếu riêng lẻ trước khi đưa ra quyết định đầu tư.