Trong báo cáo chiến lược mới công bố, Chứng khoán Mirae Asset nhận định thị trường chứng khoán bất ngờ trải qua đợt bán tháo trong tháng 10 với việc VN-Index giảm gần 11% so với đầu tháng. Nguyên nhân đến từ các nhà đầu tư quan ngại hơn tác động của các cơn gió ngược bên ngoài đến sự phục hồi kinh tế Việt Nam, cũng như phản ánh một mùa kết quả kinh doanh thấp hơn kỳ vọng.
Đáng chú ý, khối ngoại vẫn giữ nguyên chiến lược bán ròng trong bối cảnh đồng USD tăng giá và lợi suất trái phiếu Mỹ tăng cao, bán ròng 2,72 nghìn tỷ trong tháng 10; lũy kế từ đầu năm bán ròng 10,5 nghìn tỷ đồng) trong bối cảnh đồng USD tăng giá và lợi suất trái phiếu Mỹ tăng cao.
Ngược lại, cá nhân trong nước vẫn là nhóm mua ròng trong bối cảnh các ngân hàng trong nước liên tục cắt giảm lãi suất huy động, mua ròng 2,46 nghìn tỷ đồng trong tháng 10 và mua ròng 20,5 nghìn tỷ đồng lũy kế từ đầu năm.
Thiết lập lại mặt bằng định giá
Sau đợt bán tháo, P/E của VN-Index đã điều chỉnh về mức 13,2 lần vào cuối tháng 10 từ mức đỉnh 17,3 lần vào ngày 12/9. Với mức P/E hiện tại của VN-Index, Mirae Asset cho rằng định giá thị trường là hiện có phần hấp dẫn so với các thị trường khác trên thế giới (P/E của MSCI EM Index: 13,3x).
Đối với triển vọng quý 4, đội ngũ phân tích Mirae Asset hạ kỳ vọng, song vẫn duy trì triển vọng cho năm 2024. Theo Mirae Asset, xuất khẩu và tiêu dùng nội địa phục hồi và đầu tư công sẽ được tăng tốc trong thời gian tới.
Kết quả kinh doanh năm 2024 cũng sẽ được hưởng các chính sách hỗ trợ cũng như việc cắt giảm lãi suất có thể dự kiến của Fed và ECB bắt đầu từ giữa năm 2024 sẽ giảm bớt áp lực mất giá lên tiền đồng và dự trữ ngoại hối, tạo thêm dư địa cho điều hành chính sách tiền tệ.
Nỗ lực duy trì tình hình vĩ mô ổn định
Về tình hình vĩ mô, Mirae Asset đánh giá Việt Nam đang nỗ lực duy trì sự ổn định vĩ mô trong bối cảnh thế giới có nhiều biến số cần theo dõi. Xu hướng tăng giá của đồng USD (chỉ số DXY) trong những tuần gần đây liên tiếp tạo áp lực lên tỷ giá USD/VND. Điều này đặt ra một thách thức đáng kể đối với quyết định vận hành của NHNN khi không thể cùng lúc duy trì dự trữ ngoại hối và giữ mặt bằng lãi suất điều hành thấp.
Mặt khác, báo cáo duy trì một quan điểm thận trọng đối với xu hướng phục hồi của thị trường bất động sản khi nhu cầu tiêu dùng và lòng tin của nhà đầu tư vẫn chưa có sự cải thiện đáng kể. Điều này là do nhu cầu tiêu dùng và lòng tin của nhà đầu tư vẫn chưa có sự cải thiện đáng kể. Ngoài ra, nếu lãi suất cao kéo dài đi cùng với tiêu chuẩn tín dụng siết chặt sẽ khiến cho việc giải quyết tình trạng này càng trở nên khó khăn hơn. Đáng chú ý, phần lớn giá trị trái phiếu bất động sản chưa được thanh toán được phát hành trong giai đoạn lãi suất thấp từ 2019 đến 2021, với tỷ lệ lớn sẽ đáo hạn từ 2024 đến 2026, ẩn chứa những rủi ro tiềm tàng liên quan đến khả năng thanh toán của các doanh nghiệp bất động sản.
Trong khi đó, diễn biến của ngành ngân hàng cần theo dõi kỹ sau khi giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ ngày 01/10/2023. Điều này sẽ khiến tăng chi phí sử dụng vốn ngắn hạn trong việc điều chỉnh tỷ lệ thông qua việc phát hành giấy chứng nhận tiền gửi để đáp ứng yêu cầu của NHNN, qua đó làm áp lực lên biên thu nhập lãi thuần (NIM).