Masayoshi Son sẽ lần đầu tiên xuất hiện sau 7 tháng mất tích bí ẩn tại đại hội cổ đông hàng năm của Softbank vào ngày thứ 4 tới đây. Hiện tại, rất nhiều startup vốn đang thiếu tiền mặt băn khoăn xem liệu nhà đầu tư công nghệ lớn nhất thế giới có bao giờ chuyển sang trạng thái “tấn công” một lần nữa hay không.
Buổi họp hôm thứ 4 là đại hội cổ đông hàng năm trực tiếp đầu tiên của Softbank trong vòng 4 năm. Sự xuất hiện của Son lần này sẽ phá tan bầu không khí im lặng suốt nhiều tháng sau khi Softbank liên tục báo cáo thua lỗ nặng.
Triển vọng với việc IPO công ty thiết kế chip đang dần sáng sủa hơn trong thời gian gần đây nhờ sự nổi lên của AI và những cuộc đàm phán với những nhà đầu tư tiềm năng gồm cả Intel. Theo nguồn tin của Bloomberg, Arm đang tìm cách huy động 10 triệu USD. Cổ phiếu của Softbank hiện đang tăng 25% tính tới quý 2 kết thúc vào tháng 6, tiến tới mức tốt nhất hàng quý trong vòng 3 năm.
Tuy nhiên, triển vọng cho chi nhánh đầu tư Vision Fund hiện vẫn mù mờ. Giá trị các cổ phiếu công nghệ giảm đã buộc họ phải gánh trên vai khoản lỗ hàng tỷ USD trong 5 quý liên tiếp. Các khoản đầu tư tại các quỹ của Softbank chững lại cũng tạo ra cảnh “thắt lưng buộc bụng” trong toàn bộ hệ sinh thái khởi nghiệp.
Softbank đã đầu tư vào 7 startup thông qua những vòng gọi vốn trị giá tổng cộng 550 triệu USD tính tới quý 2 kết thúc vào tháng 6. So sánh với đó, riêng Vision Fund đã chi 15,6 tỷ USD trong cùng quý vào 2 năm trước.
“Mặc dù nguyên nhân gây ra bởi các vấn đề địa chính trị cũng như những yếu tố khác tiếp tục khó đoán, nhưng công nghệ thông tin vẫn đang mở rộng nhanh chóng”, Son viết trong một bức thư gửi cổ đông ngày 29/5.
“Trong khi duy trì sự lành mạnh về tài chính, chúng tôi sẽ thực hiện các khoản đầu tư nhằm thúc đẩy cuộc cách mạng thông tin và đạt được sự cân bằng giữa trạng thái 'phòng thủ' và 'tấn công'”.
Tháng trước, chi nhánh Vision Fund báo lỗ 4,3 nghìn tỷ yên (32 tỷ USD) trong năm tài chính kết thúc vào 31/3. Con số này tăng mạnh so với mức lỗ 2,5 nghìn tỷ yên cùng kỳ năm trước đó.
Softbank báo lỗ tổng cộng 5,28 nghìn tỷ yên với các khoản đầu tư mà Vision Fund thực hiện so với mức 3,43 nghìn tỷ yên từ 1 năm trước đó. Mặc dù giá cổ phiếu công nghệ đã dần khôi phục lại trong năm nay nhưng tổng thể thị trường vẫn thấp hơn so với 1 năm trước. Chỉ số Nasdaq 100 nặng về công nghệ đã giảm 11% trong năm tài chính kết thúc vào 31/3.
Tổng thế, Tập đoàn Softbank báo lỗ 970,14 tỷ yên trong năm tài chính vừa qua, thu hẹp so với mức 1,7 nghìn tỷ yên cùng kỳ năm trước.
Phía Softbank nói rằng mặc dù đã thu được lợi nhuận từ những khoản đầu tư hiện tại vào các công ty nổi tiếng như Uber nhưng họ lại bị thua lỗ nặng ở những lĩnh vực khác gồm cả các công ty ở Trung Quốc như SenseTime và GoTo.
Trong năm qua, Softbank đã thoái lui khỏi những khoản đầu tư làm nên tên tuổi của công ty để huy động tiền mặt. Hồi tháng 8, họ nói rằng đã bán lượng cổ phần còn lại ở ứng dụng gọi xe Uber. Và công ty tiếp tục bán cổ phần còn lại tại Alibaba. Đáng nói, khối tài sản của tỷ phú Son được tạo ra chủ yếu nhờ khoản đầu tư sớm vào Alibaba từ 2 thập kỷ trước.
Cụ thể, Softbank đã bán 7,2 tỷ USD cổ phiếu của Alibaba trong năm vừa qua. Vào năm 2021, Softbank cũng đã bán kỷ lục 29 tỷ USD cổ phiếu Alibaba.
Từ những tài liệu của Ủy ban chứng khoán và sàn giao dịch Mỹ (SEC) mà FT phân tích được, động thái bán cổ phiếu trên của Masayoshi Son khiến Softbank chỉ còn nắm giữ khoảng 3,8% cổ phần trong đế chế 262 tỷ USD của Alibaba. Đây là con số thấp hơn rất nhiều so với 34% mà tỷ phú Son từng nắm giữ trước đây trong đế chế nhà Jack Ma.
Nếu cách đây hơn 20 năm, Masayoshi Son và Jack Ma đã có cú bắt tay để đời tạo nên 2 đế chế thương mại điện tử lẫn quỹ đầu tư sừng sỏ trên thế giới thì tình hình giờ đây đã khác khi thân ai nấy lo. Trong khi Jack Ma đau đầu với việc cố gắng khôi phục lại hoạt động của Alibaba thì Masayoshi Son cũng gặp phản đối dữ dội vì làm ăn thua lỗ.
Tờ FT cho biết việc bán cổ phiếu Alibaba là để thu tiền về trả nợ cũng như tái cơ cấu quỹ đầu tư mạo hiểm Vision Fund II của đế chế nhà Son. Việc đầu tư quá dàn trải, đổ tiền vào vô số startup, đợi họ lên sàn rồi bán lại đã không còn thành công khi mảng công nghệ gặp nhiều khó khăn hậu đại dịch. Nếu trước đây chỉ cần 2-3 dự án thành công là có thể bù tiền cho hàng loạt startup đầu tư thất bại khác thì nay sự đi xuống của toàn ngành công nghệ đã làm thay đổi tình hình.
Vision Fund của Softbank vốn là đứa con tinh thần của nhà sáng lập Masayoshi Son. Chi nhánh này đầu tư vào những cổ phiếu tăng trưởng mạnh nhưng lại chịu cơn gió ngược từ việc tăng lãi suất toàn cầu khiến các nhà đầu tư ồ ạt bán tháo.
PHÒNG THỦ
Khoảng 1 năm trước, tỷ phú Son từng nói rằng Softbank sẽ khởi động trạng thái “phòng thủ” giữa cơn bão và trở nên kỷ luật hơn với những khoản đầu tư của họ.
Chiến lược này bắt đầu hiệu quả vào quý 4 của năm tài chính vừa qua khi các cổ phiếu công nghệ hồi phục. Vision Fund đã ghi nhận khoản lỗ 236,8 tỷ yên trong giai đoạn tháng 1 đến tháng 3 so với mức 730,3 tỷ yên vào quý trước đó.
Hiện tại, các nhà đầu tư đang mong chờ vào thương vụ IPO của Arm – công ty chip của Anh được Softbank mua lại. Nếu Arm IPO thành công, thương vụ này sẽ giúp cân đối lại dòng tiền của Softbank và mở ra cánh cửa để họ có thể thực hiện được những khoản đầu tư mới. Tháng trước, Arm đã nộp hồ sơ xin IPO tại Mỹ.
Theo: Bloomberg