Masan (MSN) nhập cuộc đua tăng trần: 250 triệu USD sắp nhận của Bain Capital "chấp hết" áp lực của gần 9.000 tỷ nợ vay đến hạn trong 12 tháng tới

Tri Túc | 14:25 05/03/2024

Theo VIetCap, Masan đang đặt mục tiêu giảm tỷ lệ sở hữu trong một hoạt động kinh doanh không cốt lõi là Masan High-Tech Materials (MHT).

Masan (MSN) nhập cuộc đua tăng trần: 250 triệu USD sắp nhận của Bain Capital "chấp hết" áp lực của gần 9.000 tỷ nợ vay đến hạn trong 12 tháng tới

Trong phiên giao dịch ngày 5/3, cổ phiếu MSN của CTCP Tập đoàn Masan bất ngờ "toả sáng" khi tăng mạnh lên mức giá trần tức 75.700 đồng. Cổ phiếu của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang mới bắt đầu cuộc đua từ cuối tháng 2 cho đến nay.

msn.png

Kỳ vọng vào sự tăng trưởng của thị trường bán lẻ trong 2024 cũng là điểm chung của nhiều báo cáo phân tích, sau 1 năm tăng trưởng âm do suy thoái kinh tế.

Năm 2023 là năm Masan ghi nhận mức lợi nhuận ròng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây với 419 tỷ - giảm hơn 88% so với cùng kỳ. Sự tăng trưởng của các mảng kinh doanh tiêu dùng không thể bù đắp sự tăng mạnh của chi phí tài chính trong môi trường lãi suất và tỷ giá biến động, và kết quả kinh doanh kém khả quan của các mảng không cốt lõi, công ty liên kết.

Theo Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), một điểm sáng của Masan là áp lực tài chính sẽ giảm đáng kể từ 2024. Cuối quý 4/2023, nợ vay đến hạn trong 12 tháng tới của MSN là 8.963 tỷ đồng (giảm 62%) và chiếm 21,6% tổng dư nợ dài hạn.

Cuối năm 2023, MSN cũng cho biết đã hoàn tất thanh toán đầy đủ nghĩa vụ nợ đáo hạn trong năm 2023. Trong năm 2024, tổng mức đáo hạn trái phiếu theo tính toán của giới phân tích chỉ rơi vào mức 6.000 tỷ đồng, với dòng tiền cải thiện cùng với lượng tiền lớn lên đến 250 triệu USD từ thương vụ gần đây với Bain Capital, theo đó vấn đề thanh khoản không còn là nỗi lo trong thời gian tới với DN này.

Theo quan điểm của VietCap trong báo cáo phân tích mới nhất, MSN sở hữu nhiều mảng kinh doanh tiêu dùng từ sản xuất thực phẩm và đồ uống đến mạng lưới bán lẻ toàn quốc, mỗi mảng có sự cộng hưởng ý nghĩa với nhau.

Trong 3 năm qua, ban lãnh đạo đã định vị MSN rõ ràng hơn là một công ty tiêu dùng, với việc tăng quyền sở hữu và đầu tư vào các hoạt động kinh doanh liên quan đến mảng tiêu dùng cũng như thoái vốn khỏi hoạt động kinh doanh thức ăn chăn nuôi không cốt lõi.

Đặc biệt, Công ty hiện đang đặt mục tiêu giảm tỷ lệ sở hữu trong một hoạt động kinh doanh không cốt lõi khác là Masan High-Tech Materials (MHT). Đây là hoạt động mà VietCap coi là yếu tố hỗ trợ tăng đáng kể cho giá trị doanh nghiệp MSN.

Theo cập nhật từ Tổng cục Thống kê (GSO), tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1/2024 ước đạt 524.100 tỷ đồng, tăng 1,6% so với tháng trước và tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,8%.

Bên cạnh đó, nhờ các chính sách xúc tiến, quảng bá du lịch khách quốc tế đến Việt Nam tháng 1-2024 đạt hơn 1,5 triệu lượt người, tăng 10,3% so với tháng trước và tăng 73,6% so với cùng kỳ năm trước.

Cũng trong ngày 1/2, báo cáo Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng - Purchasing Managers' Index™ (PMI®) mới nhất của S&P Global cũng đã được công bố với việc ghi nhận dấu hiệu cho sự tăng trưởng trở lại vào đầu năm 2024 của các nhà sản xuất Việt Nam, nhu cầu cải thiện giúp số lượng đơn đặt hàng mới và sản lượng tăng trở lại.

Chưa kể, bản thân doanh nghiệp (DN) cũng chú trọng đầu tư cho chiến lược kích cầu chính là một trong những động lực tăng trưởng trong thời gian tới.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Masan (MSN) nhập cuộc đua tăng trần: 250 triệu USD sắp nhận của Bain Capital "chấp hết" áp lực của gần 9.000 tỷ nợ vay đến hạn trong 12 tháng tới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO