Ngân hàng Nhà nước vừa công bố dữ liệu tiền gửi của khách hàng tại hệ thống tổ chức tín dụng đến cuối tháng 6/2023 cho thấy lượng tiền lớn tiếp tục chảy vào ngân hàng bất chấp lãi suất huy động ngày càng xuống thấp. Điều đặc biệt là, động lực tăng trưởng trong tháng 6 thay vì đến từ dân cư như những tháng trước thì lần này lại chủ yếu đến từ các tổ chức kinh tế.
Cụ thể, số dư tiền gửi của các doanh nghiệp tại hệ thống ngân hàng cuối tháng 6 đạt hơn 5,98 triệu tỷ đồng, tăng tới hơn 235 nghìn tỷ so với cuối tháng 5. Đây cũng là tháng tăng mạnh nhất trong 18 tháng. Diễn biến này cũng giúp tiền gửi của nhóm khách hàng này từ tăng trưởng âm trong 5 tháng đầu năm chuyển thành tăng trưởng dương trong 6 tháng.
Trong khi đó, số dư tiền gửi của dân cư cuối tháng 6 đạt hơn 6,38 triệu tỷ, tăng hơn 35 nghìn tỷ so với cuối tháng 5. Đà tăng trưởng tiền gửi của nhóm khách hàng này có dấu hiệu chậm lại kể từ tháng 4 khi lãi suất huy động giảm nhanh hơn. Trước đó, giai đoạn tháng 12/2022-tháng 3/2023 liên tục ghi nhận mỗi tháng có hơn 100 nghìn tỷ đồng tiền gửi của người dân chảy vào các ngân hàng.
Tại ngày 30/6/2023, tổng tiền gửi của khách hàng dân cư và doanh nghiệp đã đạt hơn 12,36 triệu tỷ đồng, tăng hơn 270 nghìn tỷ so với tháng 5, mức tăng theo tháng kỷ lục được ghi nhận kể từ tháng 1/2021 đến nay. Đồng thời, so với cùng kỳ các năm trước, đây cũng là tháng 6 tăng trưởng cao nhất.
Lịch sử thống kê cho thấy, tiền gửi của doanh nghiệp thường chỉ tăng đột biến trong tháng cuối cùng của năm do yếu tố mùa vụ, trước khi thanh toán các khoản tiền hợp đồng, tiền lương thưởng cuối năm cho nhân viên. Vì vậy nên vài tháng đầu năm mới, tiền gửi của nhóm ngân hàng này sẽ lại quay đầu giảm.
Do đó, diễn biến tiền gửi doanh nghiệp tăng vọt vào tháng 6 năm nay gây khá nhiều bất ngờ. Dòng tiền lớn này cũng đã giúp thanh khoản của các ngân hàng ngày một dồi dào hơn. Tính trong 6 tháng đầu năm, tăng trưởng huy động vốn của các ngân hàng đạt 4,63%, tương đương với tốc độ tăng trưởng tín dụng (4,73%).
Tại một Hội thảo gần đây của Ngân hàng Nhà nước, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, hiện nay các ngân hàng đang thừa thanh khoản và ít phải vay Ngân hàng Nhà nước. Huy động tốt trong khi tín dụng đầu ra đang gặp nhiều khó khăn do tác động của cả bên ngoài lẫn trong nội tại nền kinh tế Việt Nam. Cầu tiêu dùng sụt giảm trên toàn cầu đã khiến hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ, dẫn đến cầu tín dụng suy giảm. Thời gian gần đây, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước liên tục khẳng định, hệ thống tổ chức tín dụng luôn sẵn sàng nguồn vốn để cung ứng cho nền kinh tế và tiếp tục nỗ lực giảm thêm lãi suất cho vay.
Hiện tượng thừa thanh khoản trong các ngân hàng cũng khiến các ngân hàng mạnh tay giảm lãi suất huy động hơn trong thời gian gần đây. Đến hiện tại, hầu hết các ngân hàng lớn đã đưa lãi suất huy động kỳ hạn 1 năm về quanh mức 6%/năm. Tại các ngân hàng quy mô nhỏ, lãi suất trên 7%/năm cũng đã trở nên hiếm hoi, thường chỉ bắt gặp ở các kỳ hạn dài từ 13 tháng trở lên.