Lý do Ấn Độ chưa tham gia trụ cột thương mại của IPEF

Hữu Hiển | 00:54 14/09/2022

Tờ The Financial Express của Ấn Độ lưu ý rằng, các cam kết thương mại mà IPEF yêu cầu các quốc gia thành viên thực hiện là chưa phù hợp đối với Ấn Độ.

Lý do Ấn Độ chưa tham gia trụ cột thương mại của IPEF
Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ Piyush Goyal

Ấn Độ - với tư cách là một "mắt xích chính" của Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF) - đã thông báo rằng, do "tạm thời không thể nhìn thấy lợi ích", nước này sẽ tạm rút khỏi các cuộc đối thoại về thương mại - một trong bốn trụ cột của khuôn khổ.

Trang tin "Người quan sát" của Trung Quốc đưa tin, từ ngày 8 đến ngày 9/9 theo giờ địa phương, vòng đầu tiên của cuộc họp cấp bộ trưởng IPEF được tổ chức trực tiếp tại Los Angeles (Mỹ) đã kết thúc. Tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc họp nêu rõ, 14 quốc gia thành viên đã cùng thông qua các mục tiêu chính của hợp tác trên bốn trụ cột là thương mại, chuỗi cung ứng, kinh tế sạch và kinh tế công bằng trong khuôn khổ IPEF, và sẽ bắt đầu các cuộc trao đổi chính thức về vấn đề này.

Tuy nhiên, Ấn Độ không được đề cập trong tuyên bố sau cuộc họp về hợp tác trong lĩnh vực thương mại, và một thông cáo báo chí của Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ cũng cho biết, Ấn Độ sẽ đưa ra quyết định về các khía cạnh khác nhau của IPEF dựa trên lợi ích quốc gia của mình.

Ấn Độ giải thích lý do

Tờ Hindustan Times và hãng thông tấn Press Trust of India của Ấn Độ đưa tin, Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ Piyush Goyal đã tuyên bố với giới truyền thông rằng, Ấn Độ hiện không thấy lợi ích gì từ các khía cạnh khác nhau của trụ cột thương mại.

Ông Goyal cũng cho biết, Ấn Độ hiện đang xác định các quy tắc và điều lệ của riêng mình trong lĩnh vực kinh tế kỹ thuật số và quyền riêng tư về dữ liệu.

Tờ The Financial Express của Ấn Độ lưu ý rằng, các cam kết thương mại mà IPEF yêu cầu các quốc gia thành viên thực hiện là chưa phù hợp đối với Ấn Độ. Bởi vậy, New Delhi rất khó để đưa ra bất kỳ cam kết ràng buộc nào về những vấn đề này.

Ông Goyal nói thêm rằng, Ấn Độ sẽ tiếp tục tham gia với các thành viên khác trong khuôn khổ với tư cách là quan sát viên, trong khi chờ xuất hiện "phác thảo cuối cùng" về trụ cột thương mại trước khi quyết định có tham gia hay không.

Theo hãng tin Bloomberg (Mỹ), báo cáo chính thức được Mỹ công bố vào ngày 9/9 vừa qua đã giải thích rằng, điều này thể hiện sự linh hoạt của IPEF. Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai nói rằng, Mỹ sẽ tiếp tục các cuộc đàm phán thương mại song phương với Ấn Độ, và bà cũng không coi quyết định hiện tại của Ấn Độ là "lựa chọn rút lui". Bà Tai cũng tiết lộ rằng sẽ gặp ông Goyal trước thời điểm cuối năm nay.

Theo tờ Hindustan Times, một người trong cuộc cho biết, các cuộc thảo luận trong IPEF là "thân tình" và quyết định của Ấn Độ không dẫn đến bất kỳ cuộc tranh cãi nào. "Đây chỉ là cuộc họp cấp bộ trưởng đầu tiên, và nó là khởi đầu của một quá trình, chứ không phải sự kết thúc; thật sai lầm khi đánh giá cam kết thương mại của Ấn Độ bằng quyết định đó", người này cho biết.

Ấn Độ chuyển trọng tâm hợp tác kinh tế và thương mại

Điều đáng nói là, Ấn Độ cũng chọn rút khỏi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) vào phút chót vì những lý do như bảo hộ ngành công nghiệp và nông nghiệp trong nước.

Lâm Dân Vượng - một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Quốc tế tại Đại học Phúc Đán (Trung Quốc) và là một chuyên gia về các vấn đề Nam Á – cho biết, việc Ấn Độ từ chối tham gia các cuộc đàm phán thương mại IPEF cũng giống như việc họ rút khỏi RCEP.

Theo ông Lâm, sau khi Thủ tướng Narendra Modi lên nắm quyền, đặc biệt là trong nhiệm kỳ thứ hai của mình, ông tin rằng trong quá khứ, Ấn Độ đã tham gia toàn cầu hóa và mở cửa quá mức, điều này thực sự gây tổn hại đến lợi ích của chính Ấn Độ.

"Vì vậy, theo cách nghĩ này, Ấn Độ cần phải tự chủ ngay từ bây giờ và quan tâm hơn đến việc thúc đẩy sự phát triển của các ngành sản xuất địa phương, đồng thời phải cắt giảm nhiều hiệp định thương mại tự do trong quá khứ", phân tích của ông Lâm chỉ ra rằng, Ấn Độ đã chuyển trọng tâm hợp tác kinh tế và thương mại.

Nhà nghiên cứu Lâm Dân Vượng cũng cho biết, mục đích cốt lõi của việc Ấn Độ tham gia IPEF không phải là tham gia hệ thống thương mại tự do, mà là vì lĩnh vực công nghệ trong khuôn khổ này.


(0) Bình luận
Lý do Ấn Độ chưa tham gia trụ cột thương mại của IPEF
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO