Lượng thương hiệu ô tô Trung Quốc vào Việt Nam sắp vượt Nhật, Hàn, châu Âu - Có hãng vừa vào đã mở trăm đại lý, chờ đứng top thị phần

Khánh Vy | 08:48 06/09/2024

Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đang tìm kiếm chỗ đứng trên thị trường Việt Nam.

Lượng thương hiệu ô tô Trung Quốc vào Việt Nam sắp vượt Nhật, Hàn, châu Âu - Có hãng vừa vào đã mở trăm đại lý, chờ đứng top thị phần
Ảnh minh họa

Trung Quốc có 123 doanh nghiệp sản xuất ô tô với công suất khoảng 40 triệu xe mỗi năm. Tuy nhiên, tiêu thụ trong nước chỉ khoảng 22 triệu xe trong số trên. Với tình trạng cung vượt xa cầu trong nước, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đang đẩy mạnh mở rộng thị trường ra toàn cầu.

Đông Nam Á, đặc biệt Việt Nam với dân số hơn 100 triệu, tỷ lệ sở hữu ô tô mới đạt 63 xe/1.000 dân (số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2023) là điểm đến cực kỳ tiềm năng của các thương hiệu này.

Không chỉ dừng lại ở việc gia nhập thị trường, các thương hiệu tới từ quốc gia tỷ dân có vẻ còn muốn phủ nhanh, phủ kín thị trường. 

Bùng nổ số lượng

Trong khoảng 2 năm qua, các thương hiệu xe Trung Quốc liên tục đổ bộ vào Việt Nam, có thể kể đến như GWM (thương hiệu Haval), Geely (thương hiệu Lynk & Co), SGMW (thương hiệu Wuling Mini EV), Haima... hay mới đây nhất có thêm BYD.

Ngay trong năm nay, Chery với hai thương hiệu Jeacoo và OMODA, GAC với thương hiệu AION… cũng sẽ mở bán sản phẩm. Như vậy, nếu các kế hoạch này diễn ra thuận lợi, cuối năm 2024 sẽ là thời điểm số lượng hãng xe Trung Quốc ở Việt Nam vượt qua Nhật Bản, vươn lên vị trí dẫn đầu. 

Gia nhập ồ ạt, không ngạc nhiên khi các mẫu xe Trung Quốc đang trải dài ở nhiều phân khúc, mức giá khác nhau, từ hơn 200 triệu đến hơn 2 tỉ đồng, cạnh tranh xe Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, châu Âu... 

Tham vọng phủ sóng

Trước đây, một số thương hiệu Trung Quốc gia nhập thị trường Việt một cách "nhỏ lẻ", ít bài bản. Tuy nhiên trong lần "ra quân" này, các thương hiệu Trung Quốc không giấu giếm tham vọng phủ sóng mạnh mẽ trên thị trường bằng các kế hoạch mở chuỗi bài bản, thậm chí còn bắt tay với một công ty sở tại để lắp ráp trong nước.

Thương hiệu BYD ngay khi gia nhập đã công bố hoàn thiện 36 đại lý trong tháng 7/2024. 3 năm tới, BYD đặt ra mục tiêu 100 đại lý trên toàn quốc - tương đương các thương hiệu lớn nhất trên thị trường hiện nay.

ke-hoach-phat-trien-he-thong-dai-ly-byd-tai-viet-nam.jpg
Kế hoạch phát triển hệ thống đại lý của BYD tại Việt Nam. 

Chery (với 2 thương hiệu Jaecoo và OMODA) có lộ trình đưa ít nhất 20 đại lý đạt chuẩn 3S toàn cầu đi vào hoạt động ngay trong năm nay, hướng tới mốc 100 đại lý trong năm 2028. Thương hiệu này đặt mục tiêu chiếm 10% thị phần tại Việt Nam năm 2028, đứng top 5 thị trường. 

Trong khi đó, Lynk&Co, tận dụng lợi thế hệ thống từ doanh nghiệp hàng đầu trong ngành kinh doanh ô tô Việt Nam là Tasco, ngoài hai trung tâm đã đi vào hoạt động tại Hà Nội và TP.HCM, cũng hướng tới mốc hơn 80 đại lý tại Việt Nam.

Nhìn vào các thương hiệu lớn hàng đầu hiện nay như KIA và Mazda (đều thuộc THACO), mỗi thương hiệu duy trì hơn 100 đại lý, Hyundai và VinFast vận hành khoảng gần 90 đại lý, Toyota có khoảng 86 đại lý, trong khi Honda (ô tô) có gần 60 đại lý, Suzuki có gần 50 đại lý.

Có thể thấy, mục tiêu số lượng đại lý mà các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc hướng tới là tương đối lớn so với mặt bằng chung, ngang ngửa với những thương hiệu đã có chỗ đứng rất lâu tại thị trường Việt Nam.

Bên cạnh đó, nhiều hãng ô tô Trung Quốc cũng lên kế hoạch xây dựng hệ thống sản xuất tại chỗ. Tuy nhiên, ngoại trừ TMT Motors (Wuling) tận dụng nhà máy sẵn có và Chery đã ký kết với Geleximco xây nhà máy 800 triệu USD, một số dự án khác vẫn đang "nằm trên giấy".

Ví dụ, hồi tháng 6, lãnh đạo SAIC Motor Việt Nam (sở hữu MG) cũng úp mở về khả năng xây dựng nhà máy tại chỗ, trong đó cho biết đã thành lập đội ngũ có nhiệm vụ nghiên cứu về ý tưởng này.

BYD cũng chỉ úp mở về "kế hoạch" xây nhà máy mà chưa có động thái chính thức nào.

Liệu ô tô Trung Quốc có thành công?

Ồ ạt đổ bộ vào thị trường Việt Nam, ô tô Trung Quốc chắc chắn sẽ gặp nhiều thách thức. Cản trở lớn nhất vẫn là tâm lý của phần lớn khách hàng Việt Nam còn e ngại về chất lượng của ô tô Trung Quốc.

Với ô tô sử dụng động cơ đốt trong, người tiêu dùng vẫn tin cậy các thương hiệu nổi tiếng tới từ Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc.

Ô tô điện là thế mạnh của hãng xe Trung Quốc nhưng “bài toán” cũng không dễ dàng, đặc biệt là phát triển hệ thống hạ tầng các trạm sạc riêng tại Việt Nam. Người tiêu dùng Việt vẫn đầy hoài nghi và chưa thực sự sẵn sàng.

Thay vì thu hút khách hàng bằng giá bán như lúc trước, hiện nay một số mẫu xe Trung Quốc lựa chọn hấp dẫn người tiêu dùng Việt Nam bằng loạt công nghệ an toàn, trong đó có nhiều công nghệ chưa từng xuất hiện trên các mẫu xe cùng phân khúc. Tuy nhiên, nhiều công nghệ an toàn dường như vẫn chưa đủ để thuyết phục khách hàng.

wuling-mini-ev.jpg

Những yếu tố này khiến doanh số nhiều mẫu ô tô còn thấp. Đơn cử như mẫu xe Wuling Hongguang Mini. Theo số liệu tiết lộ từ báo cáo hoạt động sản xuất kinh doanh phục vụ đại hội cổ đông thường niên của TMT Motors - đơn vị phân phối xe Wuling tại Việt Nam cho thấy, tính đến hết năm 2023, doanh nghiệp này chỉ bán ra thị trường 591 xe điện thuộc mẫu Wuling Mini EV. 

Trong khi đó, mục tiêu doanh số TMT Motors đặt ra trong giai đoạn đầu với mẫu ô tô điện cỡ nhỏ này ở mức 5.525 xe, tức trung bình mỗi tháng bán ra gần 1.000 xe. Như vậy, doanh số thực tế đạt được chỉ 100 xe/tháng, tương đương khoảng 10%.

Chỉ khi giải quyết được những điểm then chốt như trên, xe Trung Quốc mới có thể “đấu” ngang ngửa với các đối thủ khác tại Việt Nam.


(0) Bình luận
Lượng thương hiệu ô tô Trung Quốc vào Việt Nam sắp vượt Nhật, Hàn, châu Âu - Có hãng vừa vào đã mở trăm đại lý, chờ đứng top thị phần
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO