Theo báo cáo cập nhật mới nhất, đến ngày 23/11/2023, số lượng chứng chỉ quỹ (ccq) của Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL) đã rơi xuống mức 201,38 triệu đơn vị, giảm 5,34 triệu ccq so với thời điểm đầu năm 2023. Đây là lượng ccq thấp nhất của VEIL trong vòng 8 năm trở lại đây.
Do là quỹ đóng nên nhiều khả năng việc chứng chỉ quỹ VEIL sụt giảm đến từ hoạt động mua lại. Hiện, NAV ccq VEIL đang có mức discount 17,59% so với giá cổ phiếu trên sàn.
Theo Dragon Capital, trong khoảng thời gian 4 năm từ 2018 đến cuối 2021, quỹ đã mua lại tổng lượng CCQ chiếm 3% trong thời gian này. Từ đầu năm 2022 đến nay, Dragon Capital đã mua lại 5,7% (trong vòng 2 năm). Trong thời gian này, lãi suất của trái phiếu CP Mỹ và EU tăng mạnh. CCQ ở các thị trường mới nổi hoặc cận biên không được ưa chuộng, dẫn đến giá trị suy yếu. Do đó, Dragon Capital đã thực hiện việc mua lại để hỗ trợ nhà đầu tư.
VEIL là quỹ ngoại lâu đời nhất tại thị trường Việt Nam, ra đời năm 1995 với giá trị ban đầu khoảng 16 triệu USD. Quỹ tập trung chủ yếu vào doanh nghiệp niêm yết và doanh nghiệp trước khi IPO với các yếu tố cơ bản như tốc độ tăng trưởng cao và quản trị tốt. Đến nay, VEIL đã trở thành quỹ có quy mô lớn nhất do Dragon Capital quản lý với giá trị tài sản ròng (NAV) gần 1,7 tỷ USD.
Top 10 khoản đầu tư lớn nhất danh mục của VEIL tại ngày 23/11 chiếm hơn 58% NAV. Trong đó, nhóm ngân hàng có 4 đại diện là VPBank, ACB, Vietcombank và MB; bất động sản có 2 cổ phiếu là Vinhomes và Khang Điền. Còn lại là cổ phiếu đơn lẻ thuộc các nhóm ngành hàng hoá, vật liệu (HPG); công nghệ (FPT); bán lẻ (MWG) và Năng lượng (GAS).
Từ đầu năm, danh mục của VEIL tỏ ra khá “lép vế” so với thị trường chung. Hiệu suất đầu tư đến ngày 29/11 chỉ đạt gần 7,4% so với thời điểm đầu năm, thấp hơn so với mức tăng 9,5% của VN-Index trong cùng giai đoạn. Trước đây, quỹ vẫn đều đặn công bố tỷ trọng tiền mặt trong các báo cáo tuần tuy nhiên quỹ đã ngừng việc này từ tuần 12-19/10/2023. Trước đó, VEIL đã có hai tuần duy trì tỷ lệ dưới ngưỡng 1% và gần như không còn dư địa giải ngân thêm.
Bóng dáng các siêu cá mập đằng sau
VEIL vốn là cái tên quá quen thuộc với nhà đầu tư chứng khoán Việt Nam nhưng không phải ai cũng biết đằng sau còn có bóng dáng của “siêu cá mập” là các tỷ phú USD nằm trong top những người giàu nhất thế giới. Thời điểm 31/12/2022, quỹ ngoại này chỉ có đúng 2 cổ đông nắm giữ trên 10% cổ phần là Inter Fund Management S.A. và Bill & Melinda Gates Foundation.
Bill & Melinda Gates Foundation (BMGF) là một tổ chức từ thiện, được góp vốn bởi Bill Gates, người sáng lập tập đoàn Microsoft và bà Melinda Gates. Thành lập từ năm 2000, BMGF hiện đã trở thành một trong những quỹ tư nhân lớn nhất thế giới với tổng tài sản lên đến hơn 71 tỷ USD.
Ngoài Bill và Melinda Gates, BMGF từng có một người được ủy thác rất nổi tiếng là nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett. Vị tỷ phú này đang trên con đường quyên tặng toàn bộ cổ phần trong Berkshire Hathaway (chiếm hơn 99% tài sản) như cam kết vào năm 2006.
Đến cuối năm 2022, tỷ phú Warren Buffett đã góp 35,7 tỷ USD cho BMGF trong khi tổng số tiền mà Bill Gates và Melinda Gates góp cho quỹ là 59,1 tỷ USD. Như vậy, ở một góc độ nào đó có thể coi Bill Gates và Warren Buffett là các “siêu cá mập” đứng đằng sau VEIL và đang gián tiếp rót vốn đầu tư vào chứng khoán Việt Nam.
Trong khi đó, Inter Fund Management S.A. (IFM) cũng “không phải dạng vừa” khi là thành viên chuyên đầu tư tài chính của Interogo Holding AG, thuộc Interogo Foundation. Tại thời điểm cuối năm 2022, khoảng 8,4 tỷ Euro được Interogo Foundation đầu tư thông qua các quỹ do IFM quản lý. Quỹ chủ chủ yếu vào các tài sản có tính thanh khoản để đảm bảo các nhu cầu tài chính và nếu cần cũng để hỗ trợ các công ty con.
Đáng chú ý, Interogo Foundation còn sở hữu Inter IKEA Group, công ty mẹ của IKEA, “đế chế” bán lẻ nội thất hùng mạnh nhất thế giới hiện diện tại 50 quốc gia với hơn 300 cửa hàng. Cả Interogo Foundation và IKEA đều có chung người sáng lập là tỷ phú nổi tiếng người Thụy Điển Ingvar Kamprad.