London đại chiến Paris: Khi người Pháp cố gắng cướp ngôi vương ngành công nghệ tài chính từ Anh sau Brexit

Băng Băng | 16:20 16/05/2023

Cuộc đua trở thành trung tâm tài chính mới tại Châu Âu đang gay cấn hơn bao giờ hết.

London đại chiến Paris: Khi người Pháp cố gắng cướp ngôi vương ngành công nghệ tài chính từ Anh sau Brexit

Theo hãng tin Bloomberg, ngày càng nhiều startup hiện nay mọc lên ở thủ đô Paris-Pháp với kỳ vọng thành phố này sẽ trở thành trung tâm tài chính của thế giới sau khi Anh rời Liên minh Châu Âu (EU), hay còn gọi Brexit.

Nghiên cứu của hãng tư vấn EY năm 2021 cho thấy ngành tài chính của Pháp được người Mỹ biết đến nhiều hơn một chút so với tại Anh nhờ Brexit. Mặc dù thủ đô London-Anh vẫn là trung tâm công nghệ tài chính ở Châu Âu nhưng “ngôi vương” này đang dần mất đi ánh hào quang trong những năm gần đây bất chấp chính phủ Anh đã nỗ lực bằng mọi cách.

Vào tuần trước, những nhà sáng lập của Revolut, một startup tại Anh đang cố gắng xin giấy phép hoạt động ngành ngân hàng trực tuyến, đã lên tiếng chỉ trích London trong mảng hành chính công, đồng thời than phiền các lao động tài năng đang rời bỏ quốc gia này sau Brexit.

Động thái của Revolut diễn ra trong bối cảnh startup này đã xây dựng thành công ở Paris vào năm 2017 và hiện có đến 2 triệu khách hàng nội địa, 200 nhân viên và sẽ mở rộng gấp đôi vào năm tới, trong khi chi nhánh ở London thì đến tận bây giờ vẫn chưa xin nổi giấy phép.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia đồng tình khả năng Paris sẽ trở thành trung tâm tài chính mới ở Châu Âu thay thế cho London sau Brexit.

“Chẳng ai muốn nói về Brexit nhưng tầm ảnh hưởng của nó đến ngành công nghệ tài chính là không thể chối cãi. Việc xin giấy phép tại một thị trường đã là thách thức rất lớn với một startup rồi nên tại sao họ lại phải chọn thị trường 67 triệu dân thay cho nền kinh tế rộng lớn hơn với 450 triệu người?”, CEO Nicolas Benady của Swan nhận định.

Cuộc đua gay cấn

Station F là một khu trung tâm tàu điện ngầm cũ tại Paris, nhưng nay nó đã được ví như là “Thung lũng Silicon mới” với vô số startup mọc lên tại đây. Không những vậy, nhiều tên tuổi lớn như Apple, Google hay Meta cũng đầu tư cho các startup này trước làn sóng dịch chuyển từ Anh sang.

Hãng tin Bloomberg cho biết khoảng 1/3 số startup gia nhập Station F là từ nước ngoài. Trong đó lượng startup dịch chuyển từ Anh sang đang ngày một tăng.

Theo Bloomberg, với chính sách xin visa thoải mái để gia nhập thị trường EU, các khoản hỗ trợ công cũng như dễ tiếp cận được các nguồn vốn hơn, thủ đô Paris đang trở thành điểm đến lý tưởng mới của giới khởi nghiệp Châu Âu.

Số liệu của Pitchbook cho thấy lần đầu tiên trong lịch sử, số thương vụ startup công nghệ tài chính tại Paris đã tăng 22 triệu USD lên 96,4 triệu USD năm 2022.

Mặc dù London vẫn dẫn đầu nhưng rõ ràng Paris đang thu hẹp dần khoảng cách khi thị trường EU rõ ràng hấp dẫn hơn Anh rất nhiều.

Chính phủ Pháp nhận thức rất rõ được tình hình và đang liên tục cố gắng nâng tầm vị thế của Paris trong giới khởi nghiệp.

Tháng 2/2023, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong buổi lễ “French Tech Next40”, vốn là một chương trình hỗ trợ khởi nghiệp tại Pháp, đã thẳng thắn thừa nhận: “Chúng ta cần phải tăng tốc hơn nữa, đây đang là một cuộc đua”.

“Hệ sinh thái công nghệ ở Paris đang ngày càng nóng bỏng hơn”, nhà khởi nghiệp Marc Menase tham gia buổi tiệc có cùng quan điểm.

Trước đó vào năm 2021, Pháp đã công bố chương trình “France 2030” với khoản tài trợ lên đến 34 tỷ Euro nhằm thúc đẩy ngành công nghệ và khởi nghiệp tại thị trường này.

Mới đây, Pháp đã tổ chức một hội nghị bao gồm 200 nhà lãnh đạo doanh nghiệp với những cái tên nổi tiếng như Elon Musk của Tesla, Albert Bourla của Pfizer hay Robert Iger của Walt Disney tại Versaille nhằm thúc đẩy việc lựa chọn Pháp làm điểm đến đầu tư.

Tại hội nghị này, Tổng thống Macron đã có cuộc trò chuyện với Elon Musk để quảng bá miền bắc nước Pháp, qua đó biến nơi đây thành trung tâm sản xuất ắc quy xe điện cùng những thiết bị liên quan. Vào cuối tuần trước trong cuộc gặp với L’Opinion, Tổng thống Macron đã tái khẳng định cam kết sẽ tiếp tục cắt giảm thuế bất chấp động thái này sẽ gia tăng thâm hụt ngân sách.

Sự nỗ lực của chính phủ Pháp là có cơ sở khi trong năm vừa qua, số liệu của Pitchbook cho thấy tổng giá trị các thương vụ đầu tư vào startup công nghệ tài chính ở quốc gia này đã tăng 30% lên 2,1 tỷ USD. Trái ngược lại, London chứng kiến sự sụt giảm 1/5 xuống còn 10 tỷ USD, trong khi thủ đô Berlin-Đức giảm 10% xuống còn 2,7 tỷ USD.

Trả lời hãng tin Bloomberg, nhà khởi nghiệp Menase cho biết thủ đô Paris đang trở thành ngôi sao sáng trong làng công nghệ tài chính. Hàng loạt các chương trình đào tạo gõ code miễn phí đang được mở ra nhằm thu hút và đào tạo nhân tài cho ngành.

Những ngân hàng quốc doanh như Bpifrance thì đang dẫn đầu cho xu thế đổ tiền vào mảng này, với ước tính khoảng 1-20 triệu USD cho các startup. Ngoài ra, Pháp cũng đã thỏa thuận được khoản ngân sách 276 triệu Euro, tương đương 302 triệu USD của EU cho chương trình khởi nghiệp tại quốc gia này.

Chính những yếu tố tích cực này đã thu hút lượng lớn nhà đầu tư thiên thần đổ về Paris để tìm cơ hội thay vì London.

“Chúng tôi vẫn luôn nói rằng thị trường Anh có giới hạn sau Brexit, bởi vậy hãy quên thị trường đó đi”, ông Menase thừa nhận.

Tương lai rộng mở

Hãng tin Bloomberg cho hay Pháp hiện có 27 kỳ lân, vốn là những công ty khởi nghiệp ước tính có giá trị hơn 1 tỷ USD. Con số này đã vượt qua kỳ vọng của Tổng thống Macron vào năm 2018 khi mới chỉ có 5 kỳ lân. Khi đó, nhà lãnh đạo Pháp đã cam kết sẽ nâng con số này lên thành 25 vào năm 2025.

CEO Radolphe Ardant của Spendesk, một trong những kỳ lân trên cho biết văn hóa khởi nghiệp tại Pháp đang có sự dịch chuyển đáng kinh ngạc thời gian gần đây khi có tham vọng vươn tầm thế giới.

“Chúng tôi là một doanh nghiệp Châu Âu, rồi mới là một startup của Pháp”, CEO Benady của Swan đồng quan điểm.

Hiện Swan đang có văn phòng ở Paris và Berlin, đồng thời hướng tới mở rộng sang Barcelona và Amsterdam nhờ chính sách làm thị thực của Pháp liên thông với EU khiến việc phát triển của các startup trở nên dễ dàng hơn trong khu vực. Trái lại những startup có trụ sở ở Anh sẽ cần thêm giấy phép địa phương qua từng khu vực nếu muốn mở rộng.

Station F tại Paris

Theo Bloomberg, thủ đô Paris chỉ cách St.Pancras-Anh, nơi có văn phòng của Alphabet (Google) và Meta, hơn 2 giờ đi bằng tàu điện ngầm cao tốc Eurostar. Bởi vậy dù London vẫn là trung tâm của ngành công nghệ tài chính Châu Âu hiện nay nhưng ngày càng nhiều người lại đang bắt tàu cao tốc sang Paris làm việc.

“Sự kiện Brexit đang khiến các startup ngành công nghệ tài chính phải dịch chuyển ra khỏi London. Đây là sự thật mà không một chính trị gia nào không thừa nhận”, chuyên gia Rana Yared của quỹ đầu tư Balderton Capital nhận định.

*Nguồn: Bloomberg

Bài liên quan

(0) Bình luận
London đại chiến Paris: Khi người Pháp cố gắng cướp ngôi vương ngành công nghệ tài chính từ Anh sau Brexit
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO