Lợi nhuận “bốc hơi” gần 68%, Dược phẩm Bến Tre (DBT) vay nợ 33 tỷ đồng để bổ sung vốn lưu động

Mạnh Đại | 16:52 10/10/2023

Lợi nhuận “bốc hơi” gần 68% nửa đầu năm 2023, HĐQT Dược phẩm Bến Tre (DBT) quyết nghị chấp thuận vay nợ 33 tỷ đồng tại Shinhan Bank để bổ sung vốn lưu động, …

Lợi nhuận “bốc hơi” gần 68%, Dược phẩm Bến Tre (DBT) vay nợ 33 tỷ đồng để bổ sung vốn lưu động
Lợi nhuận “bốc hơi” gần 68%, Dược phẩm Bến Tre (DBT) vay nợ 33 tỷ đồng từ Shinhan Bank để bổ sung vốn lưu động, ...

Vừa qua, HĐQT Công ty CP Dược phẩm Bến Tre (Dược phẩm Bến Tre; HoSE: DBT) đã quyết nghị chấp thuận việc vay vốn tại Ngân hàng TNHH Shinhan Việt Nam (Shinhan Bank) với số tiền nhận cấp tín dụng là 33 tỷ đồng. Mục đích vay, bổ sung vốn lưu động, phát hành thư bảo lãnh, thư tín dụng dự phòng, mở thư tín dụng (thư tín dụng trả ngày, thư tín dụng trả chậm), thanh toán thư tín dụng trả ngay.

Đáng chú ý, tính đến thời điểm 30/6/2023, tổng tài sản của Dược phẩm Bến Tre đạt hơn 815 tỷ đồng, nhưng tiền mặt của doanh nghiệp dược phẩm này chỉ vọn vẻn hơn 9,5 tỷ đồng.

Về tình hình kinh doanh 6 tháng đầu năm 2023, Dược phẩm Bến Tre báo lãi 8,5 tỷ đồng, lợi nhuận “bốc hơi” 68% so với cùng kỳ năm 2022 (26,4 tỷ đồng). Phía doanh nghiệp thuyết minh, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp đã soát giảm 67,75% so với cùng kỳ năm 2022. Nguyên nhân dẫn đến chênh lệch lợi nhuận là do: Thay đổi phương pháp ghi nhận khoản đầu tư vào công ty CP Dược phẩm Trung Ương Codupha (công ty Codupha) từ phương pháp vốn chủ sở hữu thành phương pháp giá gốc do công ty đã thoái 1 phần vốn đầu tư vào công ty Codupha trong quý 2/2023 dẫn đến công ty Codupha không còn là công ty liên kết kể từ 30/6/2023; Lợi nhuận hợp nhất chỉ đến từ hoạt động kinh doanh chính công ty, không phát sinh khoản thu nhập khác từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất thuê trả trước kỳ hạn 50 năm như quý 2/2022.

Cụ thể, nửa đầu năm 2023, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ của Dược phẩm Bến Tre đạt 376 tỷ đồng, tăng 18% (tương ứng 58 tỷ đồng) so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, doanh thu hoạt động tài chính của doanh nghiệp chỉ đạt 1,1 tỷ đồng, con số này ở cùng kỳ là 3,5 tỷ đồng. Chi phí tài chính là 28,3 tỷ đồng, tăng 140% so với cùng kỳ. Cùng với đó, chi phí bán hàng là 81,8 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ. Chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng 6% so với cùng kỳ năm 2022.

screenshot-222-.png
Hàng tồn kho chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu tài sản ngắn hạn và tổng tài sản của Dược phẩm Bến Tre (DBT).

Tính đến ngày 30/6/2023, tổng tài sản của Dược phẩm Bến Tre đạt 815 tỷ đồng, giảm hơn 3% so với đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn của doanh nghiệp là 663 tỷ đồng. Đáng chú ý, phần lớn tài sản ngắn hạn của Dược phẩm Bến Tre là hàng tồn kho lên đến hơn 359 tỷ đồng.

Nợ phải trả của doanh nghiệp giảm nhẹ so với đầu năm, xuống mức 581 tỷ đồng. Trong khi vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp tăng gần 10 tỷ đồng so với đầu năm lên mức 233 tỷ đồng. Như vậy, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu tính đến ngày 30/6/2023 là 2,49 lần.

Trên thị trường chứng khoán, kết phiên giao dịch ngày 10/10, giá cổ phiếu DBT ở mức 12.500 đồng/cổ phiếu, đứng giá so với phiên giao dịch trước đó, khối lượng giao dịch khớp lệnh là 5.500 đơn vị.

Cổ phiếu DBT mở cửa phiên giao dịch đầu năm ở mức giá 10.200 đồng/cổ phiếu, ngay sau đó cổ phiếu của Dược phẩm Bến Tre liên tục tăng giá và đạt đỉnh vào ngày 17/7 ở mức giá 14.400 đồng/cổ phiếu.

Tuy nhiên, ngay sau khi đạt đỉnh, giá cổ phiếu DBT lại liên tục có chiều hướng đi xuống “bốc hơi” 1.900 đồng/cổ phiếu, tương ứng giảm 13,19% cho đến nay.


(0) Bình luận
Lợi nhuận “bốc hơi” gần 68%, Dược phẩm Bến Tre (DBT) vay nợ 33 tỷ đồng để bổ sung vốn lưu động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO