Loại thịt đặc sản ở Việt Nam ‘sập giá’ còn chưa đến 30.000/kg tại quốc gia này, nông dân đem gia súc cho không còn chẳng ai thèm nhận

Đức Nam | 10:54 26/11/2023

“Được mùa, mất giá” là tình trạng chung của người nông dân ở rất nhiều quốc gia, không chỉ Việt Nam.

Loại thịt đặc sản ở Việt Nam ‘sập giá’ còn chưa đến 30.000/kg tại quốc gia này, nông dân đem gia súc cho không còn chẳng ai thèm nhận

Tình trạng dư thừa thịt cừu ở Úc đã khiến giá sụt giảm và một số nông dân đang phải loại bỏ hoặc cho đi những con cừu để tiết kiệm chi phí thay vì nuôi chúng tại trang trại.

Giá thịt cừu đã giảm 70% trong năm qua xuống còn 1,23 USD/kg, dữ liệu từ Meat and Livestock Australia (MLA) cho thấy. “Đàn cừu tại Úc đã đạt 78,75 triệu con – lớn nhất từ năm 2007”, nhà phân tích nguồn cung toàn cầu Tim Jackson của MLA cho biết.

Đàn cừu tại Úc tăng vọt là do lượng mưa trên mức trung bình trong 3 năm qua ở các vùng nuôi cừu như New South Wales và Victoria. Lượng mưa nhiều rất lý tưởng cho việc trồng cỏ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chăn nuôi gia súc.

“Trời càng mưa và thị trường càng sôi động thì các nhà sản xuất càng giữ lại những con cừu của mình, kết quả là số lượng tiếp tục tăng”, Chủ tịch của Sheep Productions Australia, Andrew Spencer nói với CNBC, đề cập đến việc các chủ trang trại nuôi nhiều cừu hơn thay vì vỗ béo và đưa chúng đến chợ hay các lò mổ.

“Nông dân kể từ đó đã chứng kiến lợi nhuận sụt giảm nghiêm trọng”, Steve McGuire, phó chủ tịch nhóm vận động nông nghiệp WAFarmers nói với CNBC. “Nhiều đàn cừu có thể không tìm được thị trường, điều này có thể dẫn đến việc nông dân tiêu huỷ chúng”.

Ông nói thêm rằng nhiều nông dân thà thả những con vật này hơn là tiêu huỷ chúng nhưng không có nhiều người nhận về những con cừu được thả tự do đó.

Quá nhiều cừu

Số liệu từ MLA cho thấy đàn cừu của Australia dự kiến tăng 23% từ mức thấp nhất trong 100 năm vào năm 2020.

Do đó, tình trạng dư cung đã khiến giá chăn nuôi giảm xuống, đảo ngược hoàn toàn so với mức giá thịt cừu kỷ lục 3 năm trước. Giá giảm là một trở ngại lớn với nông dân, những người hiện phải nuôi những đàn cừu lớn trong thời gian dài hơn. Trong khi đó, thời tiết cũng không còn ủng hộ họ.

Cục Khí tượng Úc gần đây ghi nhận tháng 9 khô hạn nhất trong lịch sử và chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Cục này vào tháng 11 cảnh báo El Nino sẽ tiếp tục – đồng nghĩa vài tháng tới thời tiết tiếp tục tương đối khô và nóng.

107336320-1700477041245-gettyima.jpg

Thời tiết bất lợi có thể làm giảm nguồn cung cấp thức ăn. Do đó, nông dân đang cố gắng giảm đàn gia súc của mình, bao gồm việc gửi gia súc đến lò mổ và các nhà chế biến thịt.

“Năm 2023, thời tiết đã khô hơn so với 3 năm qua. Điều này làm ảnh hưởng đến niềm tin của nhà sản xuất, tăng nguồn cung cừu và thịt cừu non cho các nhà chế biến”, Jackson cho biết.

Nhưng các cơ sở chế biến thịt hoặc lò mổ không thể tiêu thụ lượng cừu lớn đến vậy trong thời gian ngắn.

Giá thịt cừu sẽ ra sao?

Úc là nước sản xuất và xuất khẩu thịt cừu hàng đầu thế giới. Tình trạng dư cung đã gây áp lực giảm giá bán buôn toàn cầu.

Tuy nhiên, mức giảm giá bán lẻ ngoài thị trường vẫn chưa phản ánh mức giảm tương tự, theo McGuire. Woolworths Group, chuỗi siêu thị lớn của Úc, tuyên bố sẽ giảm 20% giá các sản phẩm thịt cừu.

Úc đã xuất khẩu lượng thịt cừu kỷ lục trong tháng 10. “một lượng lớn thịt đã được xuất khẩu nhưng vẫn còn tồn đọng cần giải quyết”, McGuire nói. Ông kỳ vọng giá thịt cừu sẽ giảm hơn nữa ở cả trong nước lẫn nước ngoài.

Do đó, một số nông dân đang cân nhắc việc không phối giống cừu cái để giảm chi phí, McGuire nói thêm. Điều này có thể dẫn đến sụt giảm số lượng cừu non và chuyển cục diện thị trường cừu từ thừa cung sang thiếu cung nhanh chóng.

Một cuộc khảo sát gần đây của liên đoàn Nông dân Quốc gia cho thấy hơn 60% nông dân Australia được khảo sát không cảm thấy tích cực về tương lai của ngành chăn nuôi cừu so với một năm trước.


(0) Bình luận
Loại thịt đặc sản ở Việt Nam ‘sập giá’ còn chưa đến 30.000/kg tại quốc gia này, nông dân đem gia súc cho không còn chẳng ai thèm nhận
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO