Loại củ Việt Nam có rất nhiều nhưng lại hiếm có khó tìm trên thế giới: Thu về gần 45 triệu USD trong 9 tháng, Ấn Độ liên tục săn lùng

Như Quỳnh | 03:39 25/10/2024

Mỏ vàng dưới lòng đất này đã mang về cho Việt Nam hơn 1.000 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm.

Loại củ Việt Nam có rất nhiều nhưng lại hiếm có khó tìm trên thế giới: Thu về gần 45 triệu USD trong 9 tháng, Ấn Độ liên tục săn lùng
Ảnh minh họa

Hai loại củ rất quen thuộc và được bán đầy tại các chợ, siêu thị ở Việt Nam nhưng lại là một mặt hàng xuất khẩu đắt giá là củ gừng và nghệ.

Theo số liệu thống kê sơ bộ từ Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), trong 9 tháng đầu năm Việt Nam đã xuất khẩu được 21.841 tấn gừng, nghệ và gia vị, tổng kim ngạch đạt gần 45 triệu USD, giảm 28,3% về lượng nhưng tăng mạnh 9,9% về kim ngạch.

Các thị trường xuất khẩu chính của gừng, nghệ  và gia vị của Việt Nam lần lượt là Ấn Độ, Bangladesh và Indonesia.

screenshot-2024-10-24-202943.png

Trước đó trong năm 2023, xuất khẩu gừng nghệ và một số gia vị khác đạt 34.976 tấn với trị giá xuất khẩu đạt 49,3 triệu USD, tăng mạnh 222,4% so với năm 2022. Hiện có 30 doanh nghiệp thành viên của VPA tham gia xuất khẩu gừng, nghệ, cùng với khoảng 80 doanh nghiệp khác ngoài VPA. 

Củ gừng là mặt hàng quen thuộc với người dân Việt Nam nhưng ra nước ngoài lại rất được săn lùng và được giá. Huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) được coi là thủ phủ gừng của Việt Nam.

Nhờ khí hậu và điều kiện thổ nhưỡng phù hợp, gừng Kỳ Sơn có chất lượng vượt trội và hương vị đậm đà đặc biệt so với gừng ở những nơi khác. Giống gừng Kỳ Sơn là giống gừng bản địa, gồm 2 loại chính gồm: gừng sừng trâu và gừng dé.

Gừng Việt Nam được nhiều thị trường ưa thích bởi có mùi thơm, nhiều tinh dầu, rất thích hợp để chế biến các món ăn, làm mứt gừng, chiết xuất tinh dầu... 

Cùng nhóm gia vị với gừng là củ nghệ. Nghệ có nguồn gốc từ Ấn Độ, và dù phổ biến tại Việt Nam là vậy nhưng đây lại là một loại củ gia vị hiếm có khó tìm trên thế giới, chỉ có tại một số quốc gia nhiệt đới như Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Myanmar và Nilgeria.

Ở Việt Nam, nghệ cũng là một cây trồng có ở nhiều nơi, từ vùng đồng bằng ven biển đến vùng núi cao trên 1500 m, thậm chí tại nhiều nơi còn mọc hoang ở các đồng ruộng, nương rẫy.
Việt Nam là một trong những quốc gia có diện tích trồng nghệ lớn nhất thế giới, với hơn 50.000 ha (tính đến năm 2021). Nghệ Việt Nam có chất lượng tốt, hàm lượng curcumin cao, từ 3-5%.

Theo thương vụ Việt Nam tại Australia, Ấn Độ..., tiềm năng xuất khẩu gừng từ Việt Nam sang các thị trường này là rất lớn. Giá sản phẩm này cũng đang cạnh tranh so với hàng đến từ các quốc gia khác. Ngoài chất lượng thơm, ngon, gừng Việt giá cũng rẻ hơn so với hàng nội địa tại các nước.

Để nâng cao vị thế của các mặt hàng gia vị nói chung và gừng nghệ nói riêng, VPA kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần đưa ra các giải pháp cụ thể cho từng loại cây trồng, xây dựng cơ chế phù hợp để kịp thời đáp ứng yêu cầu của thị trường. Ngoài ra, Bộ cần xử lý tình trạng tồn dư hóa chất trong thuốc trừ cỏ và thuốc trừ sâu đối với các sản phẩm như quế, ớt, gừng, nghệ.

Dự kiến tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng gia vị của Việt Nam đến năm 2025 có thể đạt khoảng 2 tỷ USD, với khối lượng xuất khẩu khoảng 500.000 tấn.


(0) Bình luận
Loại củ Việt Nam có rất nhiều nhưng lại hiếm có khó tìm trên thế giới: Thu về gần 45 triệu USD trong 9 tháng, Ấn Độ liên tục săn lùng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO