Nhằm đánh dấu thêm một bước tiến quan trọng trong việc hiện thực hóa chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, trong đó thúc đẩy hợp tác công tư, mô hình 3 Nhà: Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn tại Việt Nam năm 2025 và có 100 doanh nghiệp thiết kế chip, mới đây, Viện Đại học Quốc tế FPT phối hợp cùng Tập đoàn FPT tổ chức Hội thảo “Phát triển nhân lưch ngành bán dẫn tại Việt Nam và toàn cầu – thông qua liên kết giáo dục và doanh nghiệp”.
Phát biểu tại Hội thảo, Tiến sĩ Hoàng Việt Hà, Viện trưởng Viện Đại học Quốc tế FPT nhận định, Hội thảo là cơ hội quý để kết nối chuyên gia, giảng viên, doanh nghiệp và các bạn trẻ quan tâm tới ngành bán dẫn, cùng nhau nhận diện xu hướng, cập nhật tri thức và kiến tạo hệ sinh thái nhên lực công nghệ cao phù hợp với yêu cầu thời đại”.

Theo ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), ngành bán dẫn được coi là một trong những ngành công nghiệp cực kỳ đặc biệt.
“Đây là lĩnh vực cốt lõi nhất của công nghệ thông tin. Bất kỳ quốc gia nào nếu muốc độc lập, tự chủ thì cần phải nắm được một số công nghệ lõi. Và Việt Nam được xác định là một trong những quốc gia có thể tham gia vào chuỗi giá trị của ngành chip”, ông Thịnh cho biết.
Theo đó, Chính phủ đã ban hành hai quyết định chiến lược nhằm thúc đẩy phát triển ngành bán dẫn và đào tạo nhân lực chất lượng cao. Ông Thịnh nhấn mạnh, đây là thời điểm vàng để sinh viên định hướng nghề nghiệp theo ngành bán dẫn. Mức lương hấp dẫn và triển vọng nghề nghiệp bền vững đang mở ra cơ hội lớn cho người trẻ. Kết thúc bài phát biểu, ông gửi gắm thông điệp: “Đi để trở về” – khuyến khích sinh viên tích lũy kinh nghiệm quốc tế để quay về góp phần xây dựng nền công nghiệp công nghệ cao của Việt Nam.

Ông Vũ Anh Tú, Giám đốc công nghệ FPT nhận định Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn trong cuộc cách mạng bán dẫn toàn cầu, nhưng thách thức lớn nhất hiện nay là thiếu hụt nhân lực chất lượng cao. Trong bối cảnh ngành bán dẫn toàn cầu dự kiến đạt quy mô 1.000 tỷ USD vào năm 2030, Việt Nam cần đào tạo 50.000–100.000 kỹ sư để đáp ứng nhu cầu phát triển.
Ông Tú chia sẻ, tầm nhìn của FPT trong việc xây dựng hệ sinh thái bán dẫn hoàn chỉnh, từ thiết kế đến R&D. Mới đây, FPT đã khai trương trung tâm R&D tại Đà Nẵng – hướng đến trở thành “Silicon Bay” của khu vực. FPT đang đẩy mạnh đào tạo thông qua sự hợp tác với hơn 20 đại học toàn cầu.
“Việc hợp tác giữa Trường Đại học FPT, tập đoàn FPT và Asia University Đài Loan (Trung Quốc) là một bước đi chiến lược nhằm phát triển nguồn nhân lực bán dẫn chất lượng cao, hướng đến mục tiêu toàn cầu", Giám đốc công nghệ FPT khẳng định.
GS. Gene-Eu Jan đến từ Đài Loan (Trung Quốc) cho biết, Asia University là một trong những trường top đầu tại Đài Loan (Trung Quốc) trong đào tạo kỹ sư bán dẫn, với lợi thế vị trí gần các tập đoàn công nghệ lớn như TSMC.
"Sinh viên được tiếp cận thực tế ngay trong quá trình học, với mức thu nhập sau tốt nghiệp có thể lên tới 100.000 USD/năm – một minh chứng rõ nét về giá trị của nhân lực chất lượng cao", vị giáo sư cho hay.
Ông Nguyễn Vinh Quang – Tổng Giám đốc FPT Semiconductor, tập đoàn FPT chia sẻ rằng nhiều sinh viên Việt Nam vẫn phải đào tạo lại sau khi tốt nghiệp do thiếu nền tảng chuyên sâu về bán dẫn. Ông khẳng định các chương trình đào tạo liên kết với Đài Loan là bước đi chiến lược giúp Việt Nam tiếp cận công nghệ, phương pháp giảng dạy tiên tiến và nhanh chóng nâng cao năng lực cạnh tranh trong ngành bán dẫn toàn cầu.
Cũng trong khuôn khổ Hội thảo hôm nay đã diễn ra lễ ký kết Biên bản ghi nhớ (MOU) giữa Asia University (Đài Loan) và Đại học FPT, đồng thời trao học bổng cho sinh viên ngành Công nghệ bán dẫn. Đây là bước tiến quan trọng mở ra cơ hội du học, thực tập và làm việc tại các tập đoàn hàng đầu trong ngành bán dẫn, đặc biệt là Đài Loan, “thủ phủ vi mạch” của thế giới.