Các nhà sản xuất ở phía Tây bán cầu sẽ bổ sung 1,6 triệu thùng dầu mỗi ngày vào nguồn cung mới trong năm nay, làm cân bằng lượng dầu thô mà liên minh OPEC+ cắt giảm, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA).
Sự tăng trưởng này không chỉ đến từ các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ - vốn luôn tranh giành thị phần với OPEC - mà còn từ các mỏ dầu trên khắp Nam Mỹ, thậm chí cả Canada. Đây đều là những mỏ dầu có khả năng vận hành ổn định, ngay cả khi giá dầu lao dốc.
Sản lượng mới này gần như sẽ bù đắp hoàn toàn cho việc cắt giảm sản lượng mà OPEC – và cả đồng minh Nga – đang thực hiện từ tháng 5 để tìm cách tăng giá dầu.
“Tây bán cầu là nguồn cung cấp an toàn mà thế giới cần trong trung hạn để giữ cho giá dầu không tăng vọt”, Schereiner Parker – người đứng đầu khu vực Mỹ Latin của Rystad Energy nói. “Brazil, Mexico, Guyana, Argentina, thậm chí cả Venezuela sẽ tăng sản lượng trong năm nay, cùng cố nguồn cung trong bối cảnh OPEC tiếp tục cắt giảm”.
Theo EIA, nguồn cung sẽ tiếp tục tăng trong năm 2024 khi các nhà sản xuất Tây bán cầu bổ sung 1 triệu thùng dầu thô mỗi ngày. Chắc chắn, việc OPEC cắt giảm là có chủ ý và “quyền lực” của nhóm này vẫn sẽ ở mức tuyệt đối trên thị trường dầu. Tuy nhiên, những nhà sản xuất mới từ châu Mỹ có thể kích hoạt một số thay đổi trên thị trường toàn cầu.
Mỹ
Theo EIA và IEA (Cơ quan Năng lượng Quốc tế), chỉ riêng lưu vực Permian sẽ bổ sung lượng dầu tương đương tổng sản lượng của Iran cho đến năm 2030, ghi nhận mức tăng trưởng nhiều hơn bất cứ khu vực nào khác trong năm nay và năm tới.
Tuy nhiên, sự tăng trưởng này không gây bất ngờ vì đã được lên kế hoạch từ trước, khi các nhà sản xuất dầu đá phiến tập trung nhiều hơn vào việc duy trì doanh thu ổn định. “Trước đây, các nhà sản xuất dầu đá phiến thường phản ứng khi giá tăng cao. Giờ đây, họ giống OPEC hơn và lập kế hoạch chú ý đến lợi nhuận và doanh thu ổn định”, Antoine Halff – Cựu giám đốc phân tích dầu của IEA nói.
Brazil
IEA dự kiến Brazil sẽ bổ sung 300.000 thùng dầu mỗi ngày trong năm nay từ các tàu khai thác loại dầu chất lượng trung bình từ các mỏ nước sâu gồm Tupi, Buzios và Mero.
Mỗi chiếc tàu xa bờ này có giá khoảng 2 tỷ USD, và các nhà khai thác sẽ đưa chúng vào hoạt động ngay khi hoàn thành để nhanh chóng thu hồi vốn. Kết quả là vào cuối năm nay, Brazil có thể cung cấp thêm dầu mỏ cho các người mua gặp khó về nguồn cung.
Mặc dù vậy, vẫn có một số yếu tố bên ngoài tác động nên EIA dự đoán sản lượng sẽ chỉ tăng khoảng 200.000 thùng/ngày.
Guyana
Guyana, quốc gia có chưa đến 1 triệu dân, tự hào là một trong những vựa dầu mới lớn nhất trong những năm gần đây và sẵn sàng trở thành nhà sản xuất lớn thứ 3 của khu vực Mỹ Latin vào cuối thập kỷ này.
Exxon Mobil sẽ bắt đầu dự án ngoài khơi thứ 3 ở đây sớm hơn – vào quý IV năm nay, nâng tổng sản lượng lên 600.000 thùng/ngày vào năm 2024. Sản lượng có thể lên đến 1,6 triệu thùng/ngày vào năm 2030, theo Goldman Sachs. Dầu được sản xuất từ mỏ Liza của Guyana là loại nhẹ, ngọt, có chất lượng tương tự dầu Bonny Light của Nigeria.
Canada
Tại Canada, nhà sản xuất dầu lớn thứ 4 thế giới, việc mở rộng đường ống Trans Mountain có khả năgn thúc đẩy một số hoạt động sản xuất mới, cũng như chuyển dòng dầu nặng của Canada từ Trung Tây Mỹ sang các thị trường châu Á.
Sản lượng hiện ở mức cao nhất trong 8 năm và các nhà sản xuất đang bắt đầu đầu tư trở lại vào các dự án mới. Cenovus Energy có kế hoạch bơm thêm 120.000 thùng mỗi ngày trong 4 năm tới, trong khi IPC công bố kế hoạch cho một dự án cát dầu trị giá 850 triệu USD, dự kiến bắt đầu sản xuất vào năm 2026, tăng lên 30.000 thùng mỗi ngày vào năm 2028.