Hội thảo nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5 do Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đồng chủ trì tổ chức.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, thời gian qua, thị trường vốn đã từng bước là kênh huy động vốn trung và dài hạn, quan trọng cho các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản. Quy mô thị trường vốn tăng trưởng bình quân 28,5% giai đoạn 2016 - 2021. Đến cuối tháng 11/2022, quy mô của thị trường vốn đạt 105% GDP năm 2021. Trong đó, quy mô vốn hóa của thị trường cổ phiếu tương đương 64% GDP. Quy mô của thị trường trái phiếu đạt 41% GDP, trong đó trái phiếu doanh nghiệp đạt 15% GDP. Quy mô huy động vốn qua thị trường vốn giai đoạn 2011 - 2021 đạt trên 5 triệu tỷ đồng, tương đương 30% tổng mức vốn đầu tư của toàn xã hội.
Trong bối cảnh đó, Bộ Tài chính đã triển khai các giải pháp, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng để tiếp tục tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân trong đó tập trung phát triển thị trường vốn, thị trường chứng khoán nhằm khơi thông nguồn vốn trung và dài hạn cho đầu tư phát triển.
Theo đó, thị trường vốn và tài chính ngày càng hoàn thiện về cấu trúc và quy mô, đóng vai trò quan trọng trong việc huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển nền kinh tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Theo phân tích của các chuyên gia, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang có nhiều diễn biến phức tạp theo hướng bất lợi, thị trường tài chính nước ta đang phải đối mặt với những thách thức lớn liên quan đến áp lực tỷ giá, kiểm soát lạm phát, giải quyết thanh khoản. Yêu cầu đặt ra là phải phối hợp hài hòa giữa chính sách tài khóa và tiền tệ, tăng cường quản lý đầu tư công và hỗ trợ tài chính đúng mục tiêu.
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng của BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia cho rằng, hiện nay có 3 rủi ro lớn đối với hệ thống tài chính cần được nhận diện để có giải pháp khắc phục.
Một là sự mất cân đối, khi nguồn vốn vẫn phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng, trong khi thị trường trái phiếu, nhất là trái phiếu doanh nghiệp chưa phát huy tốt.
Hai là rủi ro về hệ thống tài chính đã và đang tăng lên, nhất là rủi ro lan truyền giữa ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm ngày một phức tạp hơn, tinh vi hơn.
Ba là về thể chế kinh tế của nước ta, dù đã và đang hoàn thiện nhưng cần hoàn thiện hơn nữa để khắc phục những hạn chế hiện tại và khuyến khích những mô hình kinh doanh mới trong lĩnh vực tài chính ngân hàng như: tài chính số, ngân hàng số.
Cũng theo TS. Cấn Văn Lực, cần đẩy mạnh hơn quá trình cơ cấu lại hệ thống tài chính, ngân hàng, đặc biệt là những tổ chức tài chính yếu kém để đảm bảo phân bổ và huy động nguồn lực hiệu quả hơn. Việc này cũng đảm bảo hệ thống tài chính phát triển bền vững, tránh những hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh như đã xảy ra trong thời gian qua. Một vấn đề cần được ưu tiên trong năm 2023 là phải đảm bảo thanh khoản, đảm bảo an toàn hệ thống, xử lý thật tốt nhu cầu trái phiếu đáo hạn, nhất là trái phiếu doanh nghiệp bất động sản.
"Nếu như nền tài chính tốt, tăng trưởng kinh tế tốt và kinh tế vĩ mô ổn định, thị trường tài chính sẽ ổn định”, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh.
Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết: Thị trường bất động sản đang rất khó khăn. Sức mua và thanh khoản giảm mạnh, thiếu dòng tiền, cơ cấu sản phẩm nhà ở không hợp lý. Thị trường thiếu nhà ở giá vừa túi tiền, nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân nhưng lại thừa nhà ở cao cấp. Giá nhà tăng liên tục vượt quá khả năng tài chính của đa số người dân nên khó tạo lập được nhà ở.
Cũng theo lời ông Châu, việc mất cân đối cung-cầu, mất cân đối giữa các phân khúc trên thị trường bất động sản kéo dài trong thời gian qua chủ yếu do vướng mắc về cơ chế, chính sách. Việc sửa đổi các quy định về đất đai, thủ tục đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn để phát triển dự án cần được ưu tiên, khẩn trương thực hiện trong năm tới.
Hiện nay thị trường bất động sản đang rất khó khăn nên một số Tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản phải thực hiện các giải pháp cấp thời “tự cứu mình” để “tồn tại” trước đã và chờ cơ hội đầu tư kinh doanh mới, như phải thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh (dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án, công trình; dừng triển khai các dự án mới; dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn; dừng IPO, mua lại trái phiếu trước thời hạn).
“Điều này sẽ tác động đến sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế, trực tiếp làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước”, ông Lê Hoàng Châu nhận định.