Lãng phí với hàng trăm dự án chậm tiến độ, chậm triển khai trên địa bàn Hà Nội

Hạnh Bùi | 10:13 26/07/2024

Theo báo cáo của các đơn vị chức năng thành phố Hà Nội, trên địa bàn Thủ đô hiện có 712 dự án ngoài ngân sách có sử dụng đất bị chậm tiến độ, chậm triển khai. Trong đó có không ít dự án đã nằm bất động” từ 10 - 20 năm. Hiện Hà Nội đã lên phương án giải quyết vướng mắc cho 680 dự án, 32 dự án còn lại sẽ tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật.

Lãng phí với hàng trăm dự án chậm tiến độ, chậm triển khai trên địa bàn Hà Nội
Nhiều dự án chậm tiến độ tại Hà Nội gây lãng phí tài nguyên đất, thiệt hại kinh tế.

Cụ thể, cuối tháng 12/2023, UBND TP Hà Nội có báo cáo gửi HĐND thành phố về kết quả thực hiện Nghị quyết số 04 ngày 8/4/2022 của HĐND TP Hà Nội về biện pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn.

Theo báo cáo, trên địa bàn Thủ đô có hơn 712 dự án ngoài ngân sách có sử dụng đất nhưng bị chậm tiến độ, chậm triển khai. Trong đó có không ít các dự án đã nằm "bất động" từ 10-20 năm, gây lãng phí nguồn lực đất đai, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt của người dân.

Tình trạng “quy hoạch treo” không chỉ gây lãng phí nguồn tài nguyên đất đai, kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội mà còn ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân sinh sống xung quanh khu vực.

Loạt dự án bất động sản bỏ hoang

Trong số các dự án ngoài ngân sách chậm tiến độ, chậm triển khai của Hà Nội có thể kể đến dự án Khu công viên văn hóa - thể thao quận Hà Đông 90ha được quy hoạch phê duyệt năm 1998, tuy nhiên đến nay vẫn chưa được triển khai. Dù đã trải qua hơn 25 năm kể từ thời điểm được phê duyệt quy hoạch nhưng đến thời điểm hiện tại, dự án này vẫn chỉ là một bãi đất trống được quây tôn tứ phía.

Trước đây, một số đơn vị đã thuê mặt bằng dự án để kinh doanh làm bãi đỗ xe, nhà hàng, quán cà phê, khu dịch vụ. Tuy nhiên, sau khi dư luận lên tiếng phản đối, quận Hà Đông đã yêu cầu các đơn vị thuê mặt bằng nhanh chóng di dời ra khỏi khu vực dự án.

Một người dân sinh sống tại quận Hà Đông chia sẻ "Công viên văn hóa - thể thao là mơ ước của nhiều thế hệ người dân tại quận Hà Đông nhưng sau hơn 25 năm, dự án vẫn chưa được triển khai, đất đai bỏ hoang rất lãng phí".

Ngoài dự án công viên quận Hà Đông, Hà Nội cũng đang tồn tại nhiều dự án công trình công cộng vướng quy hoạch treo có thể kể đến như dự án Công viên văn hóa, thể thao, vui chơi Đống Đa (Công viên văn hóa Đống Đa) nằm trên khu đất vàng 7ha nằm giữa quận Đống Đa và Ba Đình (Hà Nội); Dự án Công viên - hồ điều hòa thuộc khu đô thị Tây Nam Hà Nội rộng hơn 10 ha nằm trên địa bàn 2 phường Trung Hòa và Yên Hòa, quận Cầu Giấy…

Người dân sinh sống xung quanh khu vực vướng quy hoạch treo trên địa bàn Hà Nội, đều mong ngóng đến ngày các dự án sớm được triển khai, hoàn thành để người dân có thêm không gian sinh hoạt văn hóa, thư giãn, vui chơi, giải trí, thể dục thể thao.

Những dự án chậm triển khai trên địa bàn thành phố Hà Nội không chỉ thiệt hại về kinh tế, gây lãng phí tài nguyên đất, mà còn để lại hệ lụy rất lớn đối với mỹ quan, môi trường đô thị của thành phố.

Vấn này cũng đặt ra những hoài nghi về công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; quy trình thẩm định, phê duyệt đầu tư những dự án vốn đầu tư ngoài ngân sách.

Gia Lâm đẩy mạnh quy hoạch hạ tầng, người dân được hưởng lợi

Giữa bối cảnh Hà Nội còn nhiều dự án vướng quy hoạch treo thì một số địa phương đã rất quyết liệt triển khai các dự án hạ tầng, công viên cây xanh. Đơn cử như huyện Gia Lâm đã tích cực đẩy mạnh quy hoạch phát triển bằng nhiều giải pháp quyết liệt. Dù còn nhiều vướng mắc khó khăn, nhưng UBND huyện Gia Lâm vẫn tập trung chỉ đạo quyết liệt các chủ đầu tư, các đơn vị thi công nhằm đẩy nhanh tiến độ và yêu cầu cam kết hoàn thành dự án theo đúng kế hoạch đã đề ra.

Nổi bật trong số các dự án đang được triển khai có thể kể đến Công viên Gia Lâm quy mô 31ha đã chính thức khởi công ngày 11/6/2024 vừa qua. Công trình dự kiến đi vào hoạt động vào cuối năm 2024 sẽ không chỉ nâng tầm diện mạo đô thị, xây dựng cảnh quan môi trường mà còn mang lại cho cư dân không gian văn hóa đa trải nghiệm. Các dự án bất động sản quanh khu vực cũng được hưởng lợi, có tiềm năng tăng giá mạnh mẽ.

Đồng hành cùng chính quyền địa phương, nhiều ông lớn trong ngành bất động sản như Vingroup, Eurowindow Holding, Ecopark, Sunshine… cũng đã đẩy mạnh triển khai các khu đô thị hiện đại tại đây. Những dự án này đang trở thành tâm điểm thu hút sự quan tâm của khách hàng mua để ở cùng các nhà đầu tư giàu kinh nghiệm muốn đón đầu quy hoạch hạ tầng.

a2.png

Gia Lâm là một trong những địa phương mạnh tay trong việc thúc đẩy quy hoạch cơ sở hạ tầng

Các chuyên gia quy hoạch đô thị cho rằng, để xử lý triệt để “quy hoạch treo”, “dự án treo”, rất cần cơ quan chức năng khẩn trương hoàn thiện quy định pháp luật, cụ thể hóa các quy định về tổ chức thực hiện, điều chỉnh quy hoạch xây dựng đô thị.


(0) Bình luận
Có thể bạn quan tâm
Lãng phí với hàng trăm dự án chậm tiến độ, chậm triển khai trên địa bàn Hà Nội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO