Hồi tháng 1/2022, startup thẻ tín dụng Brex huy động thành công 300 triệu USD từ loạt các nhà đầu tư hạng A, qua đó tăng gần gấp đôi mức định giá lên 12,3 tỷ USD. Đồng sáng lập người Brazil – Pedro Franceschi 26 tuổi và Henrique Dubugras 27 tuổi theo đó trở thành 2 trong số những tỷ phú tự thân trẻ nhất thế giới, theo Forbes.
“Mọi người khi đó đều nghĩ rằng chúng tôi đã thành công,” Dubugras nói. “Chúng tôi rất vui về những gì bản thân đạt được, tuy nhiên, tương lai còn nhiều điều xảy ra lắm”.
Đúng là còn quá sớm để viết nên câu chuyện thành công dài hạn cho Brex. Chỉ sau vỏn vẹn một năm sau, Forbes ước tính vốn hóa startup này đã giảm xuống chỉ còn 6,4 tỷ USD, tức bốc hơi 50% so với 12 tháng trước đó. Francheshi và Dubugras cũng ngậm ngùi rời khỏi danh sách tỷ phú với tài sản mỗi người ước tính còn khoảng 900 triệu USD, giảm từ mức 1,5 tỷ USD.
Tháng 3/2022, thời điểm đỉnh cao của các đợt huy động vốn dành cho các công ty khởi nghiệp, 44 nhà sáng lập “kỳ lân” – tức các công ty tư nhân được định giá hơn 1 tỷ USD – sở hữu tổng tài sản trị giá 190 tỷ USD, theo ước tính của Forbes. Tuy nhiên, chỉ một năm sau đó, khi thị trường tiền số đỏ lửa còn nền kinh tế đối mặt với rủi ro suy thoái, nhiều “kỳ lân” đã bị định giá lại.
Kết quả thật rõ ràng: Một nửa tài sản của các tỷ phú đứng sau những startup này bị xóa sổ. Gần 100 tỷ USD bị cuốn bay sau một năm thị trường rung lắc. Mười hai người trong số họ không còn là tỷ phú.
“Thời thế đã khác. Mọi người cần bỏ thói quen thích định giá đi. Ai cũng say sưa với điều đó nhưng nó đã qua và không quay trở lại nữa đâu. Vì vậy hãy tập trung vào những thứ hợp lý, tập trung xây dựng các công ty theo cách hiệu quả và bền vững hơn”, Matt Murphy, một đối tác tại công ty đầu tư mạo hiểm Menlo Ventures, cho biết.
Ví dụ điển hình “kỳ lân” bị cắt giảm định giá là công ty khởi nghiệp thanh toán trực tuyến Checkout.com có trụ sở tại London. Phát triển nhanh chóng nhờ sự bùng nổ của các giao dịch thương mại điện tử, Checkout.com đạt mức định giá 40 tỷ USD hồi đầu năm 2022 sau khi huy động vốn thành công từ các nhà đầu tư, trong đó có Tiger Global. Tuy nhiên, đến tháng 11, startup này tuyên bố đang trong quá trình cắt giảm định giá nội bộ xuống chỉ còn 11 tỷ USD - một động thái phản ánh rõ sự lao dốc mạnh mẽ trên thị trường công nghệ chỉ trong vỏn vẹn 1 năm.
Ngoài Checkout.com, gã khổng lồ thanh toán Ailen Stripe, do anh em nhà Patrick và John Collison thành lập và điều hành, cũng bị cắt giảm định giá xuống xuống còn 63 tỷ USD từ mức 95 tỷ USD vào tháng 3/2021. Hai anh em hiện chỉ còn sở hữu 6,9 tỷ USD, giảm từ mức 9,5 tỷ USD.
Đáng tiếc, công ty khởi nghiệp phần mềm Databricks của Apoorva Mehta và Instacart của Ali Ghodsi cũng tụt hạng trong tháng 10. Klarna, công ty khởi nghiệp mua ngay, trả sau của Thụy Điển, được đồng sáng lập bởi các cựu tỷ phú Victor Jacobsson và Sebastian Siemiatkowski, cũng chỉ còn trị giá 6,7 tỷ USD. Chín tháng trước đó, nó vẫn được tung hô với mức vốn hóa đáng kinh ngạc 45,6 tỷ USD.
“Mọi người sẽ ẩn mình trong 2 đến 3 năm. Tôi vẫn kỳ vọng thị trường sẽ phục hồi vào cuối năm nay”, Murphy nói, đồng thời cho biết việc sa thải nhân viên là một trong những cách hữu hiệu giúp tiền mặt của họ tồn tại lâu hơn.
“Việc nhà sáng lập có trở thành tỷ phú hay không có lẽ không còn quan trọng nữa. Vấn đề lớn nhất là sự dịch chuyển và khủng hoảng về niềm tin. Tôi tin rằng bạn nên tăng định giá từ 1 tỷ USD lên 5 tỷ USD, thay vì từ 1 tỷ USD lên 10 tỷ USD rồi lại quay về con số 5 tỷ USD”, nhà sáng lập Eric Paley của Founder Collective nhận định.
Được biết, đầu tư mạo hiểm vào các startup Mỹ trong năm 2022 có xu hướng giảm 1/3 so với năm 2021, theo nghiên cứu từ PitchBook Data. Vốn đầu tư vào các công ty này cũng giảm liên tục hàng quý.
Câu chuyện về Argo AI, startup xe tự hành vừa tuyên bố giải thể, được cho là minh chứng rõ ràng nhất cho một năm ảm đạm giới khởi nghiệp. Startup này từng được hậu thuẫn bởi hai trong số các nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới, Ford Motor và Volkswagen; thậm chí đến Amazon cũng từng khao khát được sở hữu. Tuy nhiên, tình trạng sa sút của nền kinh tế đã khiến Argo AI không thể trụ vững, trong bối cảnh triển vọng cho xe tự lái lung lay.
“Vào năm 2017, khi Ford đầu tư vào Argo AI, công ty đã dự đoán có thể đưa công nghệ ADAS cấp độ 4 ra thị trường vào năm 2021. Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi”, CEO Jim Farley của Ford cho biết. “Chúng tôi lạc quan về tương lai phát triển của công nghệ ADAS, nhưng còn lâu nó mới có thể giúp công ty kiếm lợi nhuận.
Theo giáo sư tài chính Jay Ritter của Đại học Florida, thị trường cho các đợt phát hành lần đầu ra công chúng (IPO) tại Mỹ cũng phải trải qua một năm 2022 tồi tệ nhất kể từ năm 1990. Khoảng 139 công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC) phải thanh lý, theo SPAC Research, từ đó làm suy yếu công cụ đặc biệt vốn được các công ty khởi nghiệp và giới đầu tư tận dụng để kiếm tiền.
“Sẽ rất áp lực nếu muốn kiếm tiền bằng mọi giá”, Mark Peter Davis, đối tác quản lý tại Interplay, một công ty mạo hiểm kiêm vườn ươm khởi nghiệp, cho biết. “Tôi nghĩ chúng ta sẽ còn chứng kiến nhiều nỗi đau như thế này”.
Theo Layoffs.fyi, một trang web theo dõi việc làm trong ngành công nghệ, trong năm 2022, các công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Mỹ đã sa thải hơn 35.000 nhân viên. Một số tạm phải gác lại các kế hoạch kinh doanh, trong khi số khác “đóng băng” ngày ra mắt các sản phẩm mới.
Theo: Forbes, WSJ