Tờ New York Times (NYT) cho hay trong nhiều thập kỷ, Nhật Bản đã coi "Đồng tiền yếu" là chân lý khi giúp các doanh nghiệp xuất khẩu có lợi thế và thúc đẩy kinh tế.
Khi đồng Yên xuống mức thấp nhất 37 năm so với đồng USD vào năm 2024, các thương hiệu lớn như Toyota Motor đã báo cáo mức lợi nhuận cao nhất lịch sử và cổ phiếu cũng tăng lên mức cao kỷ lục.
Tuy nhiên với người dân Nhật Bản, đồng Yên yếu chẳng làm được gì hơn ngoài việc khiến chi phí sinh hoạt tăng cao.
Số liệu chính thức cho thấy nền kinh tế Nhật Bản có tăng tốc vào cuối năm 2024 nhưng nếu điều chỉnh theo lạm phát thì trong cả năm ngoái, Nhật Bản chỉ tăng trưởng 0,1%, thấp hơn nhiều so với 1,5% của năm trước đó.

Từ lý thuyết đến thực tế
Về lý thuyết, chính phủ có thể kích thích xuất khẩu bằng cách làm suy yếu đồng tiền. Thậm chí chính Tổng thống Mỹ Donald Trump đã từng nói rằng ông muốn đồng USD yếu hơn để hỗ trợ ngành sản xuất và xuất khẩu Mỹ.
Thế nhưng đồng tiền yếu sẽ làm lạm phát tăng cao, đè ép sức mua của người tiêu dùng.
"Trong kinh tế học, mọi thứ đều có mặt lợi và hại và câu hỏi là nên giải quyết vấn đề nào hơn", chuyên gia kinh tế Richard Katz nói với NYT khi cho rằng Nhật Bản là một trường hợp điển hình cần rút kinh nghiệm.
Số liệu chính thức cho thấy chi tiêu hộ gia đình tại Nhật Bản đã giảm nhẹ năm 2024, trái ngược với đà tăng trong 3 năm trước đó.
Như vậy là trái ngược với Mỹ, nơi mức tiêu dùng mạnh có thể hồi phục lại nền kinh tế hậu đại dịch Covid-19 thì nhu cầu yếu kéo dài ở Nhật Bản lại đang khiến GDP đi ngang.
Tồi tệ hơn, với những mức thuế quan mà Tổng thống Donald Trump áp lên các đối tác thương mại bao gồm Nhật Bản, đồng Yên nhiều khả năng sẽ tiếp tục mất giá so với đồng USD và càng làm lạm phát lên cao, gây áp lực lên người dân.
Hậu quả là sự bất mãn ngày càng gia tăng khi đồng Yên yếu không còn giúp ích gì nhiều cho nền kinh tế cũng như người dân.
Trong bối cảnh các nhà máy dịch chuyển sang nước ngoài thì đồng Yên có thấp cũng không phát huy được hết ưu thế.
Trái lại, Nhật Bản lại đang ngày càng phụ thuộc vào hàng nhập khẩu, bao gồm cả nhiên liệu như than và khí đốt được sử dụng để sản xuất điện. Kể từ khi Nhật Bản đóng cửa hầu hết các nhà máy điện hạt nhân sau thảm họa Fukushima năm 2011, nhập khẩu chiếm khoảng 90% tổng nguồn cung cấp năng lượng của nước này. Nước này cũng chi nhiều hơn cho các sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu so với sản xuất trong nước.
Đồng quan điểm, chuyên gia Katz cho hay đồng tiền yếu chỉ thực sự giúp kích thích nền kinh tế nếu các công ty sử dụng số tiền kiếm được từ xuất khẩu để tăng tuyển dụng và trả lương, đồng thời đầu tư vào năng lực sản xuất trong nước.
"Tại Nhật Bản, chúng tôi không thấy bất kỳ động thái quy mô lớn nào như vậy từ doanh nghiệp, ngược lại người tiêu dùng bị áp lực khi chi phí nhập khẩu hàng hóa tăng cao", chuyên gia Katz nhấn mạnh.

60% hộ gia đình áp lực
Theo NYT, lạm phát đã khiến những người như cô Masumi Inoue, một nhân viên công ty chứng khoán ở Tokyo phải trả nhiều tiền hơn cho chi phí sinh hoạt. Bà mẹ đơn thân này cảm thấy gánh nặng từ mọi thứ, từ chi phí mua rau quả cho đến bữa cơm trưa ở trường cho cô con gái 5 tuổi.
Hiện cô Inoue đang cắt giảm dần chi phí bằng cách bỏ bữa trưa và gửi con gái đến tổ chức phi lợi nhuận Lion Heart, nơi cung ứng bữa tối miễn phí cho trẻ nhỏ sau giờ học và nhận kèm cặp chúng thay cha mẹ.
Tương tự, một cuộc khảo sát vào tháng 12/2024 cho thấy 60% hộ gia đình tại Nhật Bản cho biết tình hình kinh tế của họ tệ hơn so với 1 năm trước và chỉ 4% cho biết có cải thiện. Hậu quả là chỉ số niềm tin người tiêu dùng tại Nhật Bản hiện thấp hơn rất nhiều trước cả đại dịch Covid-19.
Sự bất mãn này đang khiến các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản cố gắng đảo ngược đà trượt giá của đồng Yên.
Năm 2024, Nhật Bản đã chi hàng chục tỷ USD can thiệp thị trường ngoại hối để hỗ trợ tỷ giá nhưng đồng Yên vẫn yếu, dẫn đến chi tiêu của người dân vẫn thấp.
Theo NYT, sự trượt giá của đồng Yên trong 3 năm qua phần lớn là do chính sách lâu dài của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) giữ lãi suất thấp hoặc xuống mức âm.
Dù mục tiêu của chính sách này là thúc đẩy lạm phát sau nhiều thập kỷ đối mặt rủi ro giảm phát nhưng lãi suất thấp cũng khiến các nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận cao hơn ở nơi khác, làm đồng yên suy yếu.
Việc mức tăng lương không theo kịp lạm phát trong phần lớn ba năm qua khiến nhiều chuyên gia kinh tế khuyến nghị BoJ nên từ bỏ chiến lược chống giảm phát dài hạn để chuyển sang khuyến khích tiêu dùng trong nước, tăng lãi suất, nâng giá đồng yên và hạ giá hàng nhập khẩu.
Tháng 7/2024, phía BoJ đã bất ngờ tăng lãi suất khiến đồng Yên tăng giá mạnh, nhưng động thái này lại gây ra làn sóng bán tháo cổ phiếu của các công ty đang hưởng lợi từ đồng tiền yếu.
Rút kinh nghiệm, Nhật Bản đã thận trọng hơn trong các chính sách của mình.
*Nguồn: NYT