Năm 2023 chứng kiến sự bứt phá ngoạn mục trong xuất khẩu hàng hóa nông sản của Việt Nam. Trong bức tranh khó khăn chung của xuất nhập khẩu, 53 tỷ USD giá trị kim ngạch xuất khẩu nông sản mang về là điểm sáng. Trong đó, xuất khẩu rau quả đạt kỷ lục gần 5,6 tỷ USD, tăng 65,9% so với năm trước; xuất khẩu sầu riêng cũng đạt kỷ lục khi 10 tháng đã vượt mốc 2 tỷ USD…
Cùng với đó, nhiều nhóm cây nông nghiệp khác của Việt Nam năm qua cũng bứt phá. Đơn cử có cây dừa.
LẦN ĐẦU TIÊN DỪA ĐƯỢC NHẬN ĐỊNH LÀ CÂY KINH TẾ CHỦ LỰC
“Năm qua, cây dừa cũng lần đầu tiên được nhận định là cây kinh tế chủ lực và xuất khẩu chạm mốc 1 tỷ USD”, chia sẻ bởi bà Đặng Huỳnh Ức My - Chủ tịch Betrimex.
Betrimex hiện là doanh nghiệp chuyên sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm từ dừa với sản lượng gần 40 triệu lít (năm 2023). Công ty đã xuất khẩu sang được 70 quốc gia.
“Dư địa cho ngành dừa hiện vẫn còn rất lớn khi nhu cầu thị trường với các sản phẩm từ dừa ngày càng tăng và còn nhiều giá trị từ cây dừa chưa được khai thác hết. Với việc cây dừa được công nhận là cây công nghiệp mũi nhọn, kỳ vọng ngành dừa sẽ nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ các bên để phát triển một cách bền vững hơn, đón đầu những cơ hội mới”, bà My nói.
Các chuyên gia, doanh nghiệp nông sản cũng nhìn nhận ngành dừa Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội cán đích xuất khẩu trên 1 tỷ USD trong năm nay, nhất là khi Mỹ đã chính thức mở cửa trở lại cho dừa tươi Việt Nam. Trong khi đó, Trung Quốc đang mong muốn kết nối và thúc đẩy nhập khẩu dừa Việt theo đường chính ngạch.
Việt Nam là quốc gia đứng thứ 4 khu vực Châu Á - Thái Bình Dương về tổng giá trị xuất khẩu dừa và các sản phẩm từ dừa (theo Hiệp hội Dừa Việt Nam).
Cây dừa đang tạo ra nguồn thu nhập cho khoảng 390.000 hộ nông dân Việt Nam. Bên cạnh giá trị kinh tế trực tiếp, cây dừa còn đóng góp lớn vào việc chống biến đổi khí hậu khi 1 ha dừa mỗi năm có thể lọc được 70-75 tấn CO2. Trong bối cảnh Việt Nam cam kết cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính về 0 (Net zero) vào năm 2050 thì giá trị kinh tế của cây dừa sẽ tiếp tục được nâng lên thông qua việc bán tín chỉ carbon.
VỐN XANH CHO DỪA
Trong hợp tác cùng UOB Việt Nam, theo Chủ tịch Betrimex Đặng Huỳnh Ức My, Betrimex sẽ vừa tiếp nhận vốn để đầu tư, sản xuất xanh vừa đóng vai trò trung gian để đầu tư thúc đẩy vùng nguyên liệu organic và trang bị cho người nông dân các kỹ năng trồng, sản xuất bền vững. Con số cụ thể không được tiết lộ.
Về phía UOB, ngân hàng cũng đã có cam kết đạt mức phát thải ròng carbon bằng 0 trong toàn bộ hoạt động kinh doanh vào năm 2050. Về mặt khử cacbon trong danh mục cho vay hiện tại, UOB đang đạt được những kết quả tích cực, trong đó cường độ phát thải của Ngân hàng đang thấp hơn 7-14% so với lộ trình tham chiếu mục tiêu trên 6 lĩnh vực sử dụng nhiều carbon chính, đóng góp gần 60% trong toàn bộ danh mục cho vay của UOB.
Khoản tín dụng xanh lần này nằm trong chiến lược của UOB Việt Nam hỗ trợ đa dạng cho các lĩnh vực khác nhau trong toàn bộ nền kinh tế. Trước đó, UOB Việt Nam đã từng cấp tín dụng cho 17 dự án năng lượng tái tạo và năng lượng sạch, cùng với 7 dự án công nghiệp xanh, tính đến quý 4/2023.
Trên toàn khu vực, đại diện UOB Việt Nam cho biết, danh mục tài trợ thương mại xanh của UOB đã đạt quy mô 44,5 tỷ SGD tính đến cuối năm 2023, vượt mục tiêu 30 tỷ SGD tài trợ thương mại xanh và bền vững vào năm 2025 mà ngân hàng đã đặt ra trước đó.