Nếu quyết định đọc bài này, chắc giờ này bạn đang thấy ‘tội lỗi’ vì mấy hôm nay không ‘lết’ nổi đến phòng gym hay vừa bỏ bê một thói quen nào đấy dù đã cố gắng duy trì thường xuyên. Đôi khi bạn sẽ rơi vào tình trạng hăng hái đi tập gym hai tuần liền không sót buổi nào, rồi sau đó bỏ liền một hơi suốt cả tháng. Tính kiên định thật là khó rèn, nhưng ba mẹo tâm lý sau đây sẽ phần nào giúp bạn bớt ngại làm những việc khó.
Thứ nhất: Đừng tưởng tượng tới kết quả viên mãn cuối cùng!
Không phải lúc nào tưởng tượng ra kết quả viên mãn cuối cùng cũng là cách hiệu quả để tạo thêm động lực. Cảm xúc tạo ra bởi viễn cảnh đích đến và quá trình phấn đấu để vươn tới đó khác nhau hoàn toàn. Tưởng tượng thấy mình có sáu múi và tự tin khoe dáng ở bãi biển tạo ra sự hưng phấn, thích thú. Nhưng chỉ nghĩ đến việc ngày nào cũng phải nhễ nhại mồ hôi, đau cơ và thở hụt hơi ở phòng gym thì ta lại thấy chùn bước.
Chưa kể, mục tiêu nào rồi cũng sẽ thay đổi chứ không bao giờ cố định. Chúng ta sẽ không bao giờ thực sự cảm thấy hài lòng khi so sánh bản thân trong thực tại với tưởng tượng. Bạn đã nghe nói đến ‘entrophy’, tức xu hướng mà mọi thứ luôn trở nên hỗn loạn, phân tán rồi chứ? Khi đạt được mục tiêu, nếu chỉ ngồi yên tận hưởng chiến thắng thì mọi thứ cũng sẽ sớm sụp đổ. Bạn phải tiếp tục duy trì công sức và thời gian để giữ vững thành tích đó. Dù đã đạt được cân nặng vừa ý, bạn vẫn phải cố gắng liên tục để duy trì hình thể ấy chứ không có ngày nào được nghỉ ngơi, thiếu kỷ luật cả. Nghĩ đến thôi cũng đã cảm thấy nản lòng và muốn bỏ cuộc rồi.
Vì vậy, hãy cứ đặt mục tiêu để định hướng bản thân nhưng rồi cứ tạm quên đi. Thay vào đó, hãy tận hưởng quá trình, tìm cách để cảm nhận niềm vui khi đang thực hiện mục tiêu. Điều ấy sẽ mang lại nhiều động lực hơn cho bạn ở ngay hiện tại lúc này!
Thứ hai: Tư duy ‘đủ đầy’, thay vì tư duy ‘thiếu thốn’
Khi bạn nghĩ ’Mình phải mặc thêm áo khoác’, đây là tư duy ‘thiếu thốn’ vì bạn đang không có áo khoác nên mới phải đi lấy nó. Tương tự, khi nghĩ ‘Mình phải đi tập gym’, bạn đang vô tình khiến việc tập gym trở thành một thứ xa xôi, ngoài tầm với và bạn phải cố gắng vươn tới nó một cách rất thiếu tự nhiên.
Thay vào đó, hãy tư duy ‘đủ đầy’, tự nhủ bản thân bằng những suy nghĩ như ‘Mình là một người năng động’, ‘Mình là người sống lành mạnh’, ‘Sức khỏe đối với mình rất quan trọng’, vân vân. Bởi vì bạn là người sống lành mạnh nên đi tập gym là một việc làm rất bình thường, không có gì to tát. Suy nghĩ này giúp phá bỏ sức ỳ tâm lý.
Với việc đọc sách cũng thế, thay vì tư duy ‘thiếu thốn’ ‘Mình phải đọc sách’ và tự thúc giục con người lười nhác bên trong bước tới bàn học, hãy tự nhủ ‘Mình là người chăm học’, ‘Mình ham đọc sách’. Khi đó, việc đọc sách coi như chỉ là một phần bình thường trong con người bạn, không phải hành động gì lạ lẫm để đến nỗi tâm trí bạn phải ‘kháng cự’ lại cả.
Thứ ba: Rèn thói quen mới nhờ thói quen cũ
Mẹo cuối cùng là rèn thói quen mới nhờ thói quen cũ. Tức là thực hiện thói quen bạn đang cần xây dựng trong khi đang làm một thói quen có sẵn.
Ví dụ, bạn rất mê uống cà phê, mỗi ngày phải uống đều đặn vào sáng sớm và đầu giờ chiều thì mới thấy tỉnh táo. Lúc nào bạn cũng mong đến giờ để được thưởng thức hương vị yêu thích này. Nghiện cà phê thì chưa chắc tốt nhưng nếu biết tận dụng ‘cơn nghiện’ này thì lại khác. Bạn có thể bắt cặp việc uống cà phê với đọc sách bằng cách đặt sẵn cuốn sách ngay cạnh bình cà phê. Mỗi sáng, khi đụng tới cà phê là bạn tự biết là mình phải đọc sách. Và bạn chỉ được nhấp một ngụm nếu bạn chịu đọc được một đoạn văn. Dần dà, hành động mở sách ra sẽ trở nên tự nhiên hơn rất nhiều. Bạn sẽ tự đọc sách mà không cần đến cà phê từ lúc nào không hay.
Việc đi tập gym cũng vậy, nếu có một danh sách nhạc yêu thích thì hãy tận dụng nó. Chỉ nên cho phép bản thân nghe danh sách nhạc này khi đang ở trong phòng gym. Sau một thời gian, bạn sẽ quen và thích đi tập gym vì những cảm giác sảng khoái vốn có thay vì do âm nhạc mang lại.
Tham khảo từ: Better Ideas