Khối ngoại bán ròng là tín hiệu tích cực trong ngắn hạn
Thị trường chứng khoán vẫn đang nhận được nhiều thông tin hỗ trợ từ các chính sách và lãi suất. Tuy nhiên, mùa Đại hội cổ động rục rịch khởi động đang tạo nên sự phân hóa, dòng tiền “xoay tua” ngày càng nhanh. Tại chương trình Khớp lệnh, ông Nguyễn Tuấn Anh, Nhà Sáng lập Finpeace nhận định rằng thị trường giai đoạn vừa qua có sự phân hóa khá rõ rệt, thậm chí cụ thể tại mỗi nhóm ngành.
Liên quan đến động thái bán ròng của khối ngoại, vị chuyên gia cho rằng nhà đầu tư nước ngoài nếu bán ròng giá trị không lớn lại là điều tích cực. Ông Tuấn Anh lý giải rằng giao dịch khối ngoại chiếm tỷ trọng nhỏ, không phải nhóm dẫn dắt. Khi khối ngoại mua ròng nghĩa là nhóm dẫn dắt đang bán ròng và ngược lại.
Ở đây có sự đối trọng giữa nhà đầu tư trong nước và nhóm NĐT nước ngoài, các tay chơi lớn ở trong nước sẵn sàng lấy lại "hàng" từ nước ngoài nên sẽ mua giá cao hơn. Do đó, động thái của nhóm NĐT ngoại có thể hiểu là một dạng tín hiệu ngược trong ngắn hạn.
"Bản thân tôi chỉ quan tâm đến khối ngoại mua ròng giá trị lớn khi VN-Index giảm giá sâu năm 2022. Động thái mua ròng khi đó là tín hiệu cực kỳ quan trọng bởi chỉ số giảm sâu là khu vực định giá hợp lý về dài hạn, nhà đầu tư trong nước hoàn toàn có thể bình tĩnh quan sát và bắt đáy. Trong xu hướng thị trường đi lên như hiện tại, động thái bán ròng nhỏ là tín hiệu tích cực", nhà sáng lập Finpeace chia sẻ thêm.
Nhìn lại năm 2020-2021 có sóng Trending đi lên, nhà đầu cơ trong nước thường chấp nhận mua giá cao và kéo theo đó chỉ số cũng tăng mạnh. Khối ngoại bán ròng là hiệu ứng khá tích cực trong ngắn hạn bởi tính chất đầu cơ ở thị trường vẫn cao, song về dài hạn vẫn cần kiểm chứng.
"Đầu cơ không hề xấu, đầu cơ hiểu đơn giản là nhà đầu tư chỉ quan tâm định giá trong ngắn hạn. Khi thị trường biến động mạnh kèm theo khối lượng giao dịch lớn sẽ rất tích cực cho định giá chung của thị trường, điều này không có nghĩa rằng sẽ xuất hiện xu hướng lên hay xuống của thị trường chung", ông Tuấn Anh nhận định.
Nguyên lý chọn cổ phiếu để tích sản?
Để có thể theo chiến lược "tích sản", vị chuyên gia cho rằng quan trọng NĐT phải chọn được đúng mã cổ phiếu và mua đều đặn mã đó. Nếu như tháng sau không mua chính mã cổ phiếu đó, danh mục sẽ lộn xộn và không đạt được hiệu ứng trung bình giá.
Trên cơ sở đó, ông Tuấn Anh chia sẻ về một số nguyên lý chọn cổ phiếu tích sản. Trước hết, chuyên gia nhấn mạnh tiêu chí quan trọng hàng đầu phải là doanh nghiệp không có xác suất phá sản trong 5-10 năm tới.
Tiếp theo, tiêu chí thứ 2 sẽ có phần khác nhau giữa khẩu vị các nhà đầu tư. Nhiều nhà đầu tư dài hạn thực chất là họ mua lại sự tăng trưởng của doanh nghiệp. Đối với những doanh nghiệp biến động mạnh trong ngắn hạn nhưng lại có tiềm năng tăng trưởng về dài hạn, miễn là công ty không phá sản, hoàn toàn có thể xem xét đầu tư.
Nhóm thứ 2 ngoại trừ tăng trưởng, thường là nhóm cổ phiếu giá trị. Với nhóm này, nhà đầu tư cần "chực chờ" được ở những giai đoạn như cuối năm 2022 khi thị trường giảm sâu, chúng ta mua được vùng giá thấp hơn rất nhiều so với giá trị thực của doanh nghiệp. Để có thể bắt đúng nhịp, cần phải có cái nhìn cực hiểu biết về giá trị và sức khoẻ của doanh nghiệp mới nên "đồng hành".