Vào ngày 11/10, cùng thời điểm IMF cảnh báo về những “đám mây đen” với nền kinh tế toàn cầu, công ty kinh doanh hàng xa xỉ lớn nhất thế giới bất ngờ công bố kết quả kinh doanh đầy khởi sắc. Điều này cho thấy rằng, nhu cầu mua đồ hiệu với giới nhà giàu vẫn không hề suy giảm.
4 trên 5 công ty chính của LVMH Moet Hennessy Louis Vuitton SE ghi nhận doanh thu, lợi nhuận vượt ước tính của giới phân tích. Công ty lớn nhất và mang lại lợi nhuận cao nhất là các “nhà mốt” như Christian Dior, nơi có những chiếc váy giá “trên trời”.
Trong cuộc thảo luận với các nhà phân tích, CFO Jean-Jacques Guiony đã được hỏi về những yếu tố tiêu cực của các nền kinh tế (bao gồm lãi suất tăng mạnh, lạm phát leo thang và suy thoái) và khả năng hồi phục của ngành hàng xa xỉ. Bà trả lời: “Đồ hiệu không phải là yếu tố thể hiện cho toàn bộ nền kinh tế. Chúng tôi bán hàng cho người giàu và họ có cách chi tiêu riêng. Điều này không hoàn toàn phải phù hợp với xu hướng chung của nền kinh tế.”
Nói một cách khác, trong khi các siêu thị, cửa hàng tạp hoá nhận thấy khách hàng “nâng lên đặt xuống” nhiều lần khi lạm phát tràn lan, thì Louis Vuitton có thể thoải mái tăng giá mà không gây ảnh hưởng đến nhu cầu.
Việc nhiều người trên thế giới trở nên giàu có hơn phần nào giải thích nhu cầu ngày càng tăng với hàng hoá xa xỉ. Theo báo cáo hồi thứng 6 của hãng tư vấn Boston Consulting Group, khối tài sản trên toàn cầu đã tăng 10,6%, tương đương 26 nghìn tỷ USD, tốc độ tăng nhanh nhất trong hơn 1 thập kỷ qua.
Ngoài ra, nhu cầu cũng được thúc đẩy nhờ một số yếu tố khác. Đó là các quy định hạn chế liên quan đến Covid-19 ở hầu hết nhiều nơi đã được dỡ bỏ.
Gachoucha Kretz - phó giáo sư ngành tiếp thị tại Trường Kinh doanh HEC Paris, nhận định: “Ở thời kỳ hậu Covid, nhiều người đã ‘mua sắm phục thù’. Họ cũng nghĩ rằng cuộc sống thật ngắn ngủi, muốn tận hưởng hiện tại và không cần biết điều gì sẽ diễn ra vào ngày mai."
Đó cũng là suy nghĩ của nhiều người Mỹ giàu có đã đi du lịch đến châu Âu vào năm nay. Khi tỷ giá USD/EUR gần như ngang bằng nhau lần đầu tiên trong 2 thập kỷ, họ đã không ngần ngại xếp hàng mua những chiếc túi Chanel giá 9.000 euro (8.850 USD) trên đường Rue Cambon ở Paris. Một số người tiêu dùng giàu có nhất cũng lưu trú tại khách sạn Cheval Blanc Paris của LVMH, nơi một căn hộ có thể có giá đến 55.000 euro/đêm.
Theo Lucile Andreani - quản lý bộ phận túi xách của công ty tổ chức đấu giá Christie’s tại châu Âu, Trung Đông và châu Phi, xu hướng chi tiêu “không ngần ngại” đã mở rộng sang thị trường túi xách hạng sang đã qua sử dụng - vốn được coi là khoản đầu tư dài hạn và thu hút thêm nhiều người mua. Bà ước tính, khoảng 2/3 số người mua túi xách tại các buổi đấu giá là phụ nữ với dộ tuổi trung bình là 43 và 54 ở các bộ phận kinh doanh khác của Christie’s.
Người tiêu dùng đang “vung tiền” nhiều chưa từng có cho những món đồ xa xỉ. Ví dụ, một chiếc túi Hermès Kelly giá 352.800 euro đã “có chủ” tại một cuộc đấu giá của Sotheby’s ở Paris vào tháng trước - mức giá cao kỷ lục đối với các sự kiện công ty này từng tổ chức. Kỷ lục trước đó là chiếc túi 4 triệu HKD (510.000 USD) vào tháng 11 năm ngoái trong buổi đấu giá do Christie’s tổ chức.
Kể từ năm 2007, LVMH chỉ chứng kiến 2 năm doanh thu sụt giảm, đó là 2009 - ngay sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, và 2020 khi Covid-19 xảy ra. Nhưng ở những năm tiếp theo, doanh số bán hàng lại hồi phục mạnh mẽ.
Kretz cho biết, các nhãn hàng xa xỉ thậm chí có thể hồi phục mạnh hơn trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vì quy mô toàn cầu của họ đã được mở rộng hơn, theo đó một số thị trường đang bùng nổ sẽ bù đắp cho một số nơi khác. Và việc các công ty này liên tục đầu tư để tạo ra sức hấp dẫn cho các sản phẩm được săn đón nhiều cũng đang phát huy hiệu quả.
Bà nhận định thêm: “Một số người cho rằng các sản phẩm xa xỉ là tài sản như bất động sản. Với những sản phẩm có giá trị vượt thời gian, một số khách hàng sẵn sàng trả giá cao hơn để mua. Điển hình là trường hợp Sotheby’s đã bán một chiếc đồng hộ Cartier Cheich hàng hiếm với giá 1 triệu euro vào tháng trước ở Paris.”
Tuy nhiên, không phải mặt hàng xa xỉ nào cũng "đắt khách". Theo Citigroup, các mặt hàng làm từ vàng trở nên phổ biến hơn trong thời kỳ lạm phát hiện tại. Điều này có thể lý giải tại sao hãng trang sức Tiffany & Co. ghi nhận tăng trưởng doanh số chậm lại trong quý III vì trang sức bạc chiếm 1/4 doanh thu.
Theo Guiony, nhu cầu đối với các loại đồng hồ đang tăng cao hơn. Bànói: “Mọi người lo lắng rằng giá đồng hồ có thể tăng lên và họ sẵn sàng mua ngay bây giờ vì sợ sau này giá còn cao hơn.”
Tham khảo Bloomberg