Theo số liệu mới nhất được NHNN công bố, lãi suất VND bình quân liên ngân hàng tại kỳ hạn qua đêm (kỳ hạn chính chiếm hơn 90% giá trị giao dịch) trong phiên 31/10 đã giảm về còn 0,81% từ mức 0,96% ghi nhận vào phiên trước đó. Đây là phiên giảm thứ năm liên tiếp của lãi suất qua đêm, sau khi tăng mạnh lên 2,84% trong phiên 24/10.
Như vậy, chỉ trong vòng 1 tuần, lãi suất qua đêm liên ngân hàng đã giảm hơn 2 điểm %. Dù vậy, mức lãi suất này vẫn cao hơn nhiều so với cuối tháng 9 (0,19%).
Cùng với kỳ hạn qua đêm, lãi suất các kỳ hạn chủ chốt như 1 tuần, 2 tuần và 1 tháng cũng đều giảm mạnh trong những phiên giao dịch cuối tháng 10.
Trên thị trường mở, sau 3 ngày hút ròng liên tiếp, NHNN đã trở lại trạng thái bơm ròng thanh khoản trong phiên 1/11. Theo đó, Nhà điều hành đã chào thầu thành công 7.700 tỷ đồng tín phiếu 28 ngày trong phiên hôm qua với lãi suất duy trì ở mức 1,5%. Trong khi có tới 10.000 tỷ tín phiếu cũ đáo hạn. Tính chung, cơ quan này đã bơm ròng cho hệ thống ngân hàng 2.300 tỷ đồng.
Trước đó, NHNN đã có phiên hút ròng liên tiếp với tổng quy mô 26.250 tỷ đồng.
Sau phiên hôm qua, lượng tín phiếu lưu hành đã giảm về còn 206.100 tỷ đồng, tương ứng với số tiền được NHNN hút về từ đầu chu kỳ.
Xét về quy mô, đây là đợt can thiệp lớn nhất của NHNN từ trước đến nay thông qua thị trường mở khi đỉnh điểm của quy mô hút ròng lên đến 255,7 nghìn tỷ đồng tại ngày 18/10. Quy mô phát hành đặc biệt mạnh trong 3 tuần đầu tiên và giảm dần từ giữa tháng 10 khi lượng tín phiếu hút ròng trong những phiên đầu tiên đáo hạn.
Sau hơn 1 tháng áp dụng công cụ tín phiếu, dù lãi suất VND liên ngân hàng đã cao hơn khá nhiều so vùng thấp lịch sử nhưng tỷ giá USD/VND vẫn tiếp tục xu hướng tăng, với giá bán tại Vietcombank – ngân hàng có quy mô giao dịch ngoại tệ lớn nhất hệ thống đến cuối tháng 10 đã tăng khoảng 4,2% từ đầu năm và tăng 1,1% so với cuối tháng 9.
Trong bối cảnh Fed vẫn duy trì lãi suất ở mức cao nhất 22 năm, giới phân tích cho rằng NHNN sẽ tiếp tục phát hành thêm tín phiếu mới thay thế lượng tín phiếu cũ đáo hạn nhằm kiểm soát mặt bằng lãi suất liên ngân hàng, duy trì chênh lệch lãi suất USD – VND trong "vùng an toàn". Ngoài ra, cũng không loại trừ khả năng NHNN có thể phải sử dụng thêm các công cụ điều hành khác để ổn định tỷ giá nếu đồng bạc xanh tiếp tục leo thang trên thị trường quốc tế.
Tại báo cáo phân tích mới công bố, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng áp lực đối với tỷ giá từ nay đến cuối năm vẫn còn do thách thức đến từ việc lợi suất tại thị trường Mỹ tăng về mức kỷ lục cùng với việc chỉ số đồng USD neo ở mức cao. Tuy nhiên, nhóm phân tích vẫn giữ quan điểm cho rằng áp lực mất giá tiền đồng sẽ được kiềm chế và tỷ giá có thể giảm trở lại vào cuối năm với kỳ vọng các yếu tố cơ bản về cung - cầu ngoại tệ trong nước sẽ hỗ trợ để chống chọi với các áp lực từ bên ngoài.