Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có quyết định điều chỉnh giảm thêm một loạt mức lãi suất điều hành, áp dụng từ ngày 19/6, đánh dấu đợt giảm lãi suất điều hành lần thứ 4 từ đầu năm 2023.
Động thái giảm lãi suất được xem là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay nhằm hỗ trợ quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế. Lãi suất dần hạ nhiệt được kỳ vọng sẽ là một trong những chất xúc tác cho sự hồi phục của thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên, khi chính sách chưa "ngấm", việc hạ lãi suất dồn dập liệu có thực sự tốt cho thị trường chứng khoán? Chúng tôi đã trao đổi với ông Trần Ngọc Báu- CEO Wi Group để bàn về vấn đề này.
Có thể còn 1-2 đợt hạ lãi suất trong năm nay
NHNN tiếp tục giảm hàng loạt lãi suất điều hành lần thứ 4 liên tiếp. Chuyên gia đánh giá ra sao về động thái giảm lãi suất cấp tốc của cơ quan quản lý trong bối cảnh này?
Sức ép mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% cho năm 2023 thời điểm này này đè nặng rất nhiều vào hai quý cuối năm, khi quý 1 chỉ tăng trưởng 3,32% và quý 2 dự kiến là 4,5-5%. Câu chuyện lạm phát đã dần lùi về sau, chỉ số giá tiêu dùng toàn quốc giảm khá rõ từ đầu năm 2023. Dự báo cả năm nay lạm phát sẽ dưới 3% và cách xa mục tiêu 4,5% mà chính phủ đề ra. Vấn đề tỷ giá cũng không còn căng thẳng khi dòng USD chảy vào Việt Nam trong các tháng qua vẫn tương đối khả quan.
Nguồn: Tổng cục Thống kê
Khi những số liệu này được đưa lên "bàn cân", động thái giảm lãi suất nhanh và quyết liệt của Ngân hàng nhà nước là điều dễ hiểu. Nếu những con số quý 2 này thực sự xấu hơn dự phóng, tôi nghĩ có thể chúng ta vẫn còn 1-2 đợt giảm lãi suất điều hành trong năm nay.
Về tốc độ giảm lãi suất liên tục theo tôi là bình thường trong điều hành. Số liệu đã chứng minh thường vào chu kỳ giảm lãi suất cấp tốc, Ngân hàng nhà nước sẽ có tần suất giảm lãi suất 1,5-2 lần/ tháng.
Vậy giảm tiếp lãi suất điều hành sẽ có tác động thế nào tới nền kinh tế?
Cơ chế điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam hiện nay không hoàn toàn giống với thế giới. Tại Mỹ, với các công cụ điều hành của Fed, lãi suất Fed Fund Rate được coi là lãi suất chuẩn để các loại lãi suất huy động, cho vay "định mức" theo. Tuy nhiên, tại Việt Nam, sự liên thông giữa thị trường 1 và thị trường 2 không chặt chẽ, lãi suất điều hành chỉ tác động mạnh đến lãi suất liên ngân hàng và lợi suất trái phiếu, không tác động trực tiếp đến lãi suất huy động và cho vay. Sự liên thông giữa lãi suất điều hành và lãi suất cho vay chỉ thực sự sát sườn khi đáp ứng cả ba tiêu chí: Lãi suất, thanh khoản hệ thống ngân hàng và sức khoẻ doanh nghiệp.
Như vậy, việc giảm lãi suất điều hành phần nhiều mang tính chất định hướng và mở rộng thanh khoản ngắn hạn cho hệ thống ngân hàng. Để tác động nhiều đến các doanh nghiệp và người dân thì phải chờ sự đồng pha của thanh khoản hệ thống ngân hàng trung dài hạn và sức tiêu dùng của nền kinh tế. Với bối cảnh thanh khoản và sức cầu kinh tế yếu như hiện nay thì việc tác động sẽ chậm chứ không thể nhanh được.
Lãi suất hạ nhiệt sẽ tốt cho thị trường trong dài hạn
Khi chính sách chưa kịp “ngấm” vào nền kinh tế, việc NHNN dồn dập giảm lãi suất có phải điều tốt cho thị trường chứng khoán không, thưa anh?
Việc giảm lãi suất điều hành thường đi kèm với cung ứng thanh khoản kỳ hạn ngắn và chi phí vốn kỳ hạn ngắn giảm theo. Ngoài ra sự quyết liệt của nhà điều hành cũng sẽ thúc đẩy sự kỳ vọng của giới đầu tư. Vậy nên về cơ bản thì giảm lãi suất là tốt với thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên chúng ta nên chia làm 3 giai đoạn. Trong giai đoạn đầu chu kỳ giảm lãi suất, tâm lý hứng khởi sẽ kéo thị trường tích cực, nhưng rồi sang các lần giảm tiếp theo tâm lý hứng khởi dần mất đi và những số liệu kinh doanh không như kỳ vọng xuất hiện có thể khiến thị trường trầm lắng.
Thị trường sẽ chỉ tăng tốt khi giao thoa của 2 yếu tố, lãi suất giảm đến mức đủ thấp và tăng trưởng lợi nhuận so với cùng kỳ phục hồi, điểm rơi cho sự giao thoa này có lẽ là quý 3.
Trong khi lãi suất Việt Nam liên tục giảm tốc, FED vẫn bỏ ngỏ khả năng tăng tiếp lãi suất trong nửa cuối năm. Lãi suất trong nước đi ngược thế giới có thể khiến chênh lệch lãi suất VND – USD đang ngày càng thu hẹp . Vậy rủi ro dòng vốn ngoại chảy ra khỏi Việt Nam có đáng lo ngại?
Dòng tiền sẽ đáng lo ngại nếu 2 trong 3 yếu tố dưới đây cùng kích hoạt. Thứ nhất là sự kỳ vọng đồng USD lên giá, thứ hai là chênh lệch lãi suất âm và thứ ba là thâm hụt cán cân lớn. Hiện nay yếu tố thứ nhất đang rất ủng hộ chúng ta, nhưng yếu tố chứ hai thì chúng ta đang "dính", yếu tố thứ ba đang khá ổn khi thặng dư thương mại lớn và một số giao dịch trên thị trường vốn đang giúp USD chảy về tốt. Như vậy, nếu xét về tổng thể chúng ta đã “dính” một trong ba tiêu chí và việc cẩn trọng là điều cần xem xét, tuy nhiên theo tôi là chưa đáng lo ngại bởi hai yếu tố còn lại vẫn đang hỗ trợ khá mạnh.
Theo anh, thị trường chứng khoán đang ở chu kỳ nào của nền kinh tế? Chiến lược đầu tư nào phù hợp trong bối cảnh này?
Chu kỳ thị trường chứng khoán là chu kỳ của tiền và chu kỳ này thường đi trước nền kinh tế 3-9 tháng tùy giai đoạn. Còn nếu xét về chu kỳ kinh tế theo Xuân - Hạ - Thu – Đông, cá nhân tôi cho rằng chúng ta đang ở mùa Đông, còn nếu xét về chu kỳ tiền chúng ta đang ở đầu mùa Xuân.
Cân đo đong đếm bài toán giữa cơ hội và rủi ro, tôi cho rằng cơ hội đã nhiều hơn rủi ro trong trung và dài hạn. Trong ngắn hạn, thị trường sẽ có những rung lắc và biến động không thể biết trước được. Giống như tiết trời Lập Xuân, nắng bắt đầu xuất hiện nhưng sẽ có "mưa phùn", chúng ta vẫn cần phải kiểm soát rủi ro vốn trước những cơn mưa bất chợt trong ngắn hạn.
“Chu kỳ mùa hạ” xuất hiện khi cung tiền, tín dụng tăng đột biến và CPI lên đỉnh. Đồng thời, nội tệ bắt đầu phá giá mạnh và lãi suất tăng nhanh và đạt đỉnh. Trong chu kỳ này, giá BĐS tăng mạnh và cổ phiếu chịu áp lực bán, chạm đáy vào cuối hạ.
“Chu kỳ mùa thu” , CPI giảm và chính sách tài khoản tiền tệ nới lỏng quyết liệt để hỗ trợ tăng trưởng và niềm tin người tiêu dùng tăng cao theo thu nhập. Khi đó, đầu tư, vay nợ doanh nghiệp và cá nhân đạt đỉnh điểm, giá BĐS đạt đỉnh đầu mùa đông và TTCK sẽ tăng mạnh và đạt đỉnh cuối thu.
“Chu kỳ mùa đông” xảy ra khi đổ vỡ tín dụng lãi suất tăng mạnh, vỡ nợ phá sản xảy ra phổ biến. Đặc biệt, nhiều công ty tài chính rơi vào khủng hoảng và vay nợ giảm mạnh. Trong chu kỳ này, sản xuất sẽ co hẹp, tồn kho tăng cao, thất nghiệp tăng tiêu dùng giảm. Đồng thời, giá BĐS giảm mạnh và TTCK bắt đầu rơi vào thị trường gấu và tạo đáy cuối đông.