Kỳ vọng "đánh bay" 1.092 tỷ tiền nợ, mã cổ phiếu của công ty này dự kiến tăng 35% trong năm nay

Pha Lê | 13:56 15/03/2023

Đây là một trong những nhà máy nhiệt điện quan trọng của Việt Nam.

Kỳ vọng "đánh bay" 1.092 tỷ tiền nợ, mã cổ phiếu của công ty này dự kiến tăng 35% trong năm nay

Việt Nam vẫn là nước đang phát triển, do đó, nhu cầu năng lượng ngày càng tăng cao theo đà phát triển của nền kinh tế chung. Như vậy, ngành năng lượng nói chung và ngành điện nói riêng phải đi trước một bước để làm nền cho kinh tế phát triển bao gồm cả cơ sở hạ tầng và nhất là khả năng cung cấp điện.

Theo EVN, năm 2021, công suất lắp đặt khu vực miền Bắc là 28.000 MW, trong đó, nhóm thủy điện và nhiệt điện than chiếm trên 97%; và không có sự gia tăng đáng kể nào trong năm qua, trong khi mức huy động công suất tối đa, đạt mức cao kỷ lục mới 22.800 MW vào năm 2022.

1(2).png

Công Ty Cổ Phần Nhiệt Điện Quảng Ninh (UpCOM: QTP) là một trong những nhà máy điện quan trọng của Việt Nam. Công ty nằm tại 1 trong 4 vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc bao gồm Hà Nội – Bắc Giang – Quảng Ninh – Hải Phòng. Với vị trí thuận lợi, đây là một lợi thế không nhỏ đảm bảo cho sản lượng đầu ra bền vững của QTP.

QTP được thành lập vào tháng 2/2002, đầu tư góp vốn bởi các cổ đông lớn như: Tổng Công ty Phát điện 1 (EVNGENCO1); Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC); Tổng Công ty Điện lực TKV-CTCP (Vinacomin Power); Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại (PPC); Công ty cổ phần Cơ Điện Lạnh (REE).

Doanh nghiệp này tập trung vào sản xuất và kinh doanh điện, với 2 nhà máy chính là QN-1 và QN-2. Nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh sử dụng công nghệ lò than phun tiên tiến, lắp đặt các thiết bị hiện đại để xử lý môi trường triệt để nhất nhằm giảm thiểu các ảnh hưởng từ quá trình hoạt động của Nhà máy tới môi trường. Theo thiết kế hệ thống xử lý chất thải của Nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh có khả năng xử lý 104,7m3/h.

quangninh.jpg
Công Ty Cổ Phần Nhiệt Điện Quảng Ninh

Liên quan đến hoạt động kinh doanh, doanh thu quý 4/2022 của QTP đạt 2.262 tỷ đồng, giảm 3% so với cùng kỳ; trong khi đó giá vốn tăng 14% so với cùng kỳ, chiếm 2.173 tỷ đồng dẫn đến lợi nhuận gộp của công ty chỉ vỏn vẹn 89 tỷ đồng, giảm 79% so với cùng kỳ, làm cho biên lợi nhuận gộp chỉ đạt 4%, trong khi cùng kỳ đạt 18%.

Nguyên nhân khiến cho doanh thu của công ty giảm là do sản lượng huy động giảm vì vẫn chịu ảnh hưởng từ chu kỳ thời tiết bất thường La Nina xảy ra liên tiếp 3 năm, làm cho mưa nhiều và có lợi hơn cho các nhà máy thủy điện, được ưu tiên huy động vì các vấn đề liên quan đến bảo vệ môi trường.

Cùng với đó, việc giá than nhập khẩu, là nguyên liệu đầu vào chính, quay đầu tăng trở lại những tháng cuối năm và vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao so với bình quân năm trước. Cụ thể, chi phí nguyên vật liệu tăng 18% so với cùng kỳ trong cơ cấu giá vốn của doanh nghiệp.

Chi phí lãi vay quý 4/2022 giảm 11 tỷ đồng, tương đương 25% so với cùng kỳ. Chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 157 tỷ đồng, khoảng 79% so với cùng kỳ, do doanh nghiệp không còn phải phải trích lập các khoản phải thu trong quý 4/ 2021.

Mặc dù đã nỗ lực cắt giảm nhiều chi phí như quản lý doanh nghiệp và lãi vay; lợi nhuận sau thuế của công ty chỉ đạt mức khiêm tốn 26 tỷ đồng, giảm 86% so với cùng kỳ, ứng với biên lợi nhuận ròng chỉ đạt 1%.

untitled(2).png
Kết quả kinh doanh của QTP

Theo ENSO, chu kỳ La Nina dẫn đến lượng mưa cao hơn trung bình nhiều năm và có lợi cho nhóm thủy điện hơn nhiệt điện đã qua. Ngược lại, chu kỳ El Nino có tác động trái ngược được dự báo sẽ hoạt động mạnh trong giai đoạn 2023 - 2024. Do đó, tạo nên hiệu ứng cộng hưởng, báo hiệu cho một năm kết quả hoạt động kinh doanh khởi sắc hơn của nhóm nhiệt điện.

ENSO dự báo xác suất xảy ra El Nino tăng từ 25% lên 36% trong tháng 6/2023 trong mô hình dự báo gần đây nhất vào tháng 2/2023 so với giữa tháng 10/2022.

"Dựa theo đó, chúng tôi dự báo triển vọng nhiệt điện than nói chung và QTP nói riêng, sẽ khởi sắc hơn trong giai đoạn 2023 – 2024 tương ứng với sự kém sắc của nhóm thủy điện do La Nina đã qua và El Nino dự báo sẽ sớm quay trở lại và bắt đầu tác động mạnh vào giữa năm 2023 khiến lượng mưa ít hơn so với trung bình nhiều năm", công ty chứng khoán ACBS phân tích.

ACBS cũng nhận định, trong năm 2023 và năm 2024, nhờ nhu cầu năng lượng lớn, QTP có thể sản xuất được lần lượt 6,7 tỷ kWh và 7,4 tỷ kWh.

"Ngoài ra, chúng tôi dự báo giá nhiên liệu hóa thạch sẽ giảm dần, đặc biệt là than đá nhập khẩu, hỗ trợ cải thiện biên lợi nhuận gộp của QTP từ 10% năm 2023 lên khoảng 15% năm 2024. Bên cạnh đó, chúng tôi kỳ vọng công ty sẽ trả hết khoản nợ còn lại là 1.092 tỷ đồng vào năm 2023. Nhờ có thêm thu nhập và dòng tiền thặng dư, chúng tôi dự báo công ty có thể tăng cổ tức bằng tiền mặt, đạt 1.800 đồng/cổ phiếu bắt đầu từ năm 2023", ACBS nhấn mạnh.

Liên quan đến giá cổ phiếu, hiện tại, trong phiên giao dịch ngày 15/3, QTP đang ở mức 14.700 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, theo nhận định của ACBS, giá mục tiêu của cổ phiếu này là 18.315 đồng/cổ phiếu, tương đương mức sinh lời kỳ vọng là 35%.


(0) Bình luận
Kỳ vọng "đánh bay" 1.092 tỷ tiền nợ, mã cổ phiếu của công ty này dự kiến tăng 35% trong năm nay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO