Theo SCMP, viễn cảnh máy bay không người lái (drone) vận chuyển hàng hoá, người dân đi làm bằng taxi bay hay thưởng ngoạn ngắm cảnh bằng trực thăng có thể sớm trở thành hiện thực ở Trung Quốc, khi nền kinh tế tầm thấp sắp ‘cất cánh’.
Nền kinh tế tầm thấp (low-altitude economy) đề cập đến các ngành công nghiệp tập trung vào các phương tiện bay dân dụng và không người lái, bao gồm sản xuất, hoạt động bay ở độ cao thấp và các dịch vụ tích hợp. Các hoạt động bay ở độ cao thấp bao gồm vận chuyển hành khách, hàng hóa,…
Trong những năm gần đây, nền kinh tế tầm thấp của Trung Quốc chứng kiến sự tăng trưởng nhanh chóng và bền vững. Đây được liệt kê là một trong những ngành công nghiệp mới nổi mang tính chiến lược, giúp nước này khẳng định vị thế trong lĩnh vực sản xuất sinh học và hàng không vũ trụ thương mại.
Hồi tháng 3 năm ngoái, Trung Quốc thử nghiệm thành công chuyến bay liên thành phố đầu tiên trên thế giới với eVTOL - máy bay cất cánh và hạ cánh thẳng đứng bằng điện của AutoFlight - công ty công nghệ cao của Trung Quốc có trụ sở tại Thượng Hải. Chiếc máy bay đã cất cánh lên bầu trời mà không có người lái, khởi hành từ một khu cảng ở thành phố Thâm Quyến và đáp tại cảng Cửu Châu, thành phố Chu Hải, đều thuộc miền Nam Trung Quốc.
Được biết, thời gian của chuyến bay chỉ rơi vào khoảng 20 phút với quãng đường dài hơn 55 km. Trong khi đó, nếu di chuyển bằng ô tô thì phải mất tới 3 tiếng đồng hồ. Mẫu máy bay điện này có phạm vi hoạt động lên đến 250 km, vận tốc tối đa là 200 km/h và có thể chở tối đa 5 người.
Đến tháng 7/2024, Trung Quốc tiếp tục khiến cả thế giới ngỡ ngàng khi tuyên bố chế tạo thành công chiếc máy bay không người lái (drone) chạy bằng năng lượng mặt trời nhỏ nhất thế giới, với trọng lượng nhẹ hơn 600 lần so với tất cả các loại drone hiện có. Tạp chí Nature đã dành lời “có cánh” cho bước đột phá này và nhận định thiết bị này “có thể mở đường cho các loại phương tiện bay mới với kích cỡ nhỏ”.
Với những thành tựu trên, có thể thấy đón taxi bay đi làm có lẽ không còn là giấc mơ xa vời của Trung Quốc. Tại Quảng Châu, giới chức thành phố cũng đang tiên phong xây dựng khung pháp lý cho kinh tế trên không, mở ra tiềm năng phát triển các loại hình dịch vụ mới như di chuyển bằng đường hàng không nội đô, liên tỉnh và xuyên biên giới.
Cụ thể, vào ngày 22/10/2024, Ủy ban Thường vụ Nhân dân thành phố Quảng Châu (Trung Quốc) công bố bản dự thảo sửa đổi của ‘Điều lệ Phát triển Kinh tế trên không thành phố Quảng Châu’ để lấy ý kiến rộng rãi. Bản dự thảo bao gồm các nội dung về cơ sở hạ tầng, dịch vụ bay, phát triển ngành, đảm bảo an toàn và trách nhiệm pháp lý trong lĩnh vực kinh tế trên không.
Trước đó, thành phố Quảng Châu còn mạnh tay đầu tư 1,4 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng cho xe ô tô bay và eVTOL nhằm giảm tắc nghẽn và ô nhiễm đô thị. Đây được mệnh danh là trung tâm sản xuất eVTOL, với sự tham gia của các công ty như Xpeng AeroHT và EHang.

Theo Global Times, vào năm 2023, quy mô nền kinh tế tầm thấp của Trung Quốc tăng trưởng 33,8%, đạt 505,95 tỷ nhân dân tệ (70,59 tỷ USD). Nửa đầu năm 2024, gần 608.000 drone mới được đăng ký và hơn 14.000 nhà vận hành drone có giấy chứng nhận hàng không dân dụng hợp lệ, theo báo cáo của hãng thông tấn Xinhua. Trung tâm Phát triển Công nghiệp Thông tin Trung Quốc cũng ước tính quy mô nền kinh tế tầm thấp của Trung Quốc dự kiến vượt 1.000 tỷ nhân dân tệ vào năm 2026.
Với đà này, một số trang tin bắt đầu dự đoán về một kỷ nguyên nơi Trung Quốc chuyển sang kinh doanh ‘đất trời’. Trước đó, một huyện ở Tế Nam, Sơn Đông đã rao bán vùng trời thấp với giá 9 tỷ nhân dân tệ trong vòng 30 năm để đổi lấy quyền kinh doanh không gian thấp. Các dịch vụ được nhắc đến bao gồm ô tô bay, máy bay không người lái vận chuyển hàng hoá, chữa cháy, giúp nông dân phun thuốc trừ sâu, lau kính các tòa nhà cao tầng…
Tỉnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc, đặc biệt là thành phố Thâm Quyến, hiện là trung tâm của nền kinh tế tầm thấp, với số lượng doanh nghiệp trong lĩnh vực này nhiều nhất cả nước. Các tên tuổi lớn như DJI, EHang và Zero Tech đều đặt trụ sở tại đây.
Theo tờ Shenzhen Economic Daily, Ủy ban cải cách và phát triển Thâm Quyến tham vọng xây dựng hơn 1.200 điểm cất và hạ cánh phục vụ cho các dịch vụ hàng không vào năm 2026. Mạng lưới này sẽ không chỉ phục vụ cho giao thông và vận chuyển hàng hóa mà còn hướng đến mục tiêu cải thiện quản lý đô thị và cung cấp các dịch vụ hậu cần tiện ích cho cộng đồng.
Tính đến giữa năm 2023, Thâm Quyến đã xây dựng được 249 cơ sở cất hạ cánh và dự kiến bổ sung thêm 147 điểm nữa vào cuối năm nay. Nhìn về dài hạn, thành phố này đặt mục tiêu hoàn thành thêm 658 cơ sở vào năm 2025, tạo nền tảng mạnh mẽ cho hệ thống giao thông tầm thấp.
Ngoài ra, Thâm Quyến cũng đang đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng mạng viễn thông với kế hoạch xây dựng hơn 8.000 trạm phát 5G-Advanced mới. Sự cải tiến được kỳ vọng sẽ có thể hỗ trợ trực tiếp cho việc triển khai các phương tiện bay không người lái và hệ thống taxi bay tự động trong tương lai.
Tuy nhiên, công nghệ cao kéo theo chi phí đắt đỏ. Chẳng hạn, theo công ty khai thác dịch vụ hàng không Heli-Easter, một chuyến taxi bay từ sân bay Thâm Quyến đến khu trung tâm Hồng Kông có giá 13.600 nhân dân tệ (khoảng 47 triệu đồng) cho hành trình kéo dài 15 phút. Giới chức vì thế đang đặt kỳ vọng vào việc giảm đáng kể chi phí nhờ các máy bay cất và hạ cánh thẳng đứng chạy điện (eVTOL).
Ông Trương Tiến, Tổng giám đốc Văn phòng Thâm Quyến của Tổng công ty Trực thăng Đại Dương Trung Quốc, cho biết: “Nếu chúng tôi có các dịch vụ máy bay cất và hạ cánh thẳng đứng chạy điện hoàn thiện, ước tính chi phí sẽ chỉ bằng 1/7 đến 1/10 so với mức hiện tại”.
Theo: SCMP, Global Times