Tại chương trình “Tiêu điểm chứng khoán cuối tuần: Ngân hàng, Chứng khoán và bất động sản” do Công ty Chứng khoán MB (MBS) tổ chức mới đây, ông Hoàng Công Tuấn - Kinh tế trưởng MBS cho biết, trong nhịp tăng từ 1.030 lên 1.090 điểm của VN-Index vừa qua, một số nhóm ngành tiếp tục hấp dẫn dòng tiền như chứng khoán, bất động sản, ngân hàng. Trong đó, chứng khoán tăng giá trước và đã dừng lại nghỉ. Ngay lập tức nhóm bất động sản liền tiếp bước. Sau khi đà tăng giá của 2 nhóm này chững lại, nhóm ngân hàng đã vươn lên. Đồng thời, các nhịp tăng vừa qua của 3 nhóm cổ phiếu kể trên là cần thiết để thị trường có thể đi lên bền vững.
Với nhóm ngân hàng, trong những tháng đầu năm 2023, tăng trưởng tín dụng toàn ngành khá thấp, chỉ cao hơn thời điểm dịch Covid 19. Điều này chủ yếu do 2 vấn đề là quý I/2023 tăng trưởng kinh tế khá thấp, nhu cầu tín dụng không cao và lãi suất ở mức cao khiến cho việc triển khai tín dụng của các nhà băng có phần khó khăn.
“Tuy nhiên, đầu tư là phải nhìn về phía trước, không phải chỉ tập trung vào những câu chuyện đã xảy ra. Trong thời gian tới, định hướng của Ngân hàng Nhà nước về tăng trưởng tín dụng vẫn là 14-15%, dù đây là một mức rất thách thức. Tôi cho rằng tín dụng sẽ tăng trở lại ở quý 2,3,4 và sẽ không quá eo hẹp ở mức 3% như vừa qua”, Kinh tế trưởng MBS đánh giá.
Ngoài ra, thời gian vừa qua, ngành ngân hàng còn phải đối mặt với vấn đề biên lãi thuần (NIM) bị suy giảm, do lãi suất huy động ở mức cao. Tuy nhiên, hiện nay các ngân hàng đã giảm sâu lãi suất huy động. Các nhà băng lớn, nhóm big 4 đã bắt đầu hạ lãi suất huy động xuống dưới 7%.
“Trong thời gian tới các ngân hàng sẽ thay nhau hạ lãi suất huy động. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước đã bơm một lượng tiền lớn vào hệ thống thông qua việc mua lại 6 tỷ USD, đồng thời khai thông thị trường OMO. Do đó, có một lượng tiền lớn đã đổ vào hệ thống ngân hàng. Hiện nay, đại diện một số ngân hàng thương mại cho biết thanh khoản không còn là vấn đề đáng lo ngại nữa. Ngành ngân hàng chỉ còn phải giải quyết câu chuyện tăng trưởng tín dụng và tìm được khách hàng tốt”, ông Hoàng Công Tuấn chia sẻ.
Chuyên gia này nói thêm, trong quý I/2023, không chỉ lợi nhuận co lại mà bộ đệm dự phòng của các nhà băng cũng đã hạ xuống. Điều này cho thấy một số nhà băng đã phải chấp hạ dự phòng để đảm bảo tăng trưởng lợi nhuận.
Do đó, trong năm nay, lợi nhuận ngành ngân hàng sẽ vẫn lạc quan và tăng trưởng song không nhiều. Một số ngân hàng quản lý tốt danh mục tín dụng vẫn có thể sẽ có kết quả tương đối ổn. Đối với một số nhà băng, quý I/2023 vừa qua có thể đã là đáy lợi nhuận. Những ngân hàng khác có nội lực yếu hơn có thể sẽ phải chờ đến quý II/2023 để xác nhận đáy. Định giá của các nhà băng thời gian tới sẽ vẫn tăng lên nhờ chất lượng tài sản được cải thiện.
“Với nhịp tăng mạnh như vừa qua, những mã cổ phiếu ngân hàng đã tham gia quá nhiều vào bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, chịu sức ép giảm NIM trong thời gian tới có thể được đem ra xem xét để bán chốt lời, cơ cấu lại. Ngoài ra, nhà đầu tư có thể chọn thời điểm tốt để quay trở lại với những ngân hàng có chất lượng tài sản tốt”, ông Hoàng Công Tuấn khuyến nghị.
Với nhóm chứng khoán, lợi nhuận đã tạo đáy trong quý I/2023, song giá cổ phiếu đã chạy khá cao. Dòng tiền cũng đã chốt lời khá mạnh mẽ. Do đó, những nhà đầu tư đã lãi nhiều từ nhóm chứng khoán có thể cân nhắc chốt lời một phần để bảo toàn lợi nhuận.
Nhóm bất động sản cũng tương tự, nếu đã có lãi, nhà đầu tư có thể bán bớt các cổ phiếu này để ghi nhận thành quả. Sau khi bán đi, nhà đầu tư không nên bi quan hay nuối tiếc, thay vào đó nên nghĩ rằng việc bán đi là cơ hội để mua lại các chứng khoán này ở một mức giá tốt hơn, gia tăng hiệu quả đầu tư.