Kinh tế Nga năm 2023: Liệu có khả quan?

Hữu Hiển | 13:16 07/01/2023

Theo một cuộc thăm dò do Quỹ Ý kiến ​​xã hội Nga công bố vào cuối năm 2022, 45% người Nga tin rằng năm 2023 sẽ tốt hơn năm cũ; 28% số người được hỏi cho rằng năm 2023 không có gì thay đổi; và 9% cho rằng năm 2023 sẽ tồi tệ hơn.

Kinh tế Nga năm 2023: Liệu có khả quan?

Giới chức Nga lạc quan về tương lai

Tại cuộc họp chính phủ Nga vào ngày 28/12/2022, Thủ tướng Mikhail Mishustin đã đưa ra một thông điệp tích cực tới người dân nước này.

Ông Mishustin cho biết, so với cùng kỳ năm 2021, trong 11 tháng đầu năm 2022, ngành xây dựng, nông nghiệp và sản xuất thiết bị điện của Nga đã có dấu hiệu tăng trưởng, sản xuất ô tô và máy móc cũng phục hồi; các khoản vay dành cho tập thể và cá nhân cũng đang tăng lên, là một yếu tố quan trọng hỗ trợ sự phát triển kinh tế của Nga; tình hình thị trường lao động trên toàn nước Nga vẫn ổn định, với tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 11/2022 là 3,7%, mức thấp kỷ lục.

Đồng thời, ông Mishustin còn đề nghị Bộ Công Thương Nga đẩy nhanh việc ra các quyết sách nhằm thực hiện các chiến lược phát triển đất nước trong lĩnh vực luyện kim và sản xuất ô tô.

Trên thực tế, nền kinh tế Nga đã trải qua giai đoạn cực kỳ khó khăn từ tháng 3 đến tháng 6/2022. Căn cứ vào tác động và hậu quả của các biện pháp trừng phạt chưa từng có của Mỹ và phương Tây, Ngân hàng Trung ương Nga hồi tháng 4/2022 dự báo kinh tế nước này sẽ suy giảm từ 8% đến 10%, trong khi Bộ Phát triển Kinh tế Nga dự đoán sẽ suy giảm 7,8%.

Nói về triển vọng năm 2023, Phó Thủ tướng thứ nhất Nga Andrei Belousov cho biết, nền kinh tế Nga "sẽ dễ dàng hơn nhiều so với năm 2022 và hiện tại chúng tôi không thấy bất kỳ vấn đề nghiêm trọng nào".

Tại cuộc họp của Ủy ban Dự án Quốc gia và Phát triển Chiến lược Nga diễn ra ngày 25/12/2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã triển khai một loạt nhiệm vụ trọng tâm cần hoàn thành vào năm 2023 cho chính phủ liên bang.

fd24c4ce21d441aeb3d05ebd5441995d.jpeg
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Sohu

Theo ông Putin, trước hết, Nga cần phát triển toàn diện quan hệ với các nước Đông Á (nhất là Trung Quốc), Trung Á, Mỹ Latinh, châu Phi, nhất là xóa bỏ các rào cản về hậu cần, tài chính giữa Nga với các nước đối tác hữu nghị nói trên có thị trường đang phát triển và nhiều cơ hội.

Thứ hai, Nga phải phấn đấu có được chủ quyền về công nghệ, không chỉ thay thế hàng nhập khẩu, mà còn đạt được những bước đột phá trong các lĩnh vực quan trọng như trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, truyền dữ liệu và các công nghệ mới khác; tăng năng suất trong thời gian ngắn bằng cách hỗ trợ sự phát triển của ngành sản xuất.

Thứ ba là có được chủ quyền tài chính, bằng cách thay thế các tổ chức tài chính phương Tây trong hệ thống tài chính Nga, để đảm bảo hỗ trợ tài chính cần thiết cho các ngành thương mại, cơ sở hạ tầng và công nghệ cao. Đồng thời, Nga cần đầu tư mạnh cho các công trình hạ tầng như đường giao thông, nhà ở... phấn đấu thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng miền, tăng mức lương tối thiểu.

Kinh tế Nga vẫn tiềm ẩn bất ổn

Tuy nhiên, theo Nhật báo Quang minh (Trung Quốc), một số tổ chức chỉ ra rằng, vẫn có những bất ổn trong nền kinh tế Nga vào năm 2023 và có khoảng cách với sự lạc quan của các quan chức Nga.

Tờ "Độc lập" của Nga gần đây nhận định rằng, nền kinh tế Nga có "triển vọng tốt hơn" với mức giảm 2%, nhưng cũng có thể gặp "tình huống khó khăn" với mức giảm 7%. Tờ báo cho rằng, mức độ của "cuộc suy thoái kinh tế sắp tới của Nga" phụ thuộc vào ba yếu tố, đó là liệu có xảy ra khủng hoảng toàn cầu hay không, Mỹ và phương Tây có leo thang trừng phạt Nga hay không, và liệu chính sách kinh tế của chính phủ Nga có chuyển hướng từ "ổn định" sang "kích thích" hay không.

Các chuyên gia của Trung tâm phân tích kinh tế vĩ mô và dự báo ngắn hạn Nga nhấn mạnh, nền kinh tế Nga lâm vào "trạng thái bất ổn trong ổn định" vào cuối năm 2022. Tác động ban đầu từ các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây đã được khắc phục, nhưng tăng trưởng được thúc đẩy bởi hoạt động xuất khẩu dầu khí và sản xuất quốc phòng đã cạn kiệt.

Các nhà kinh tế của Viện Dự báo Kinh tế thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga đã giải thích lý do dẫn đến "thành tựu kinh tế ngoài mong đợi" vào năm 2022. Đó là do một số nước đang phát triển đã trở thành đối tác thương mại đáng tin cậy hơn của Nga, lấp đầy thị trường về các lĩnh vực như nông nghiệp, dược phẩm, công nghiệp quân sự, nhiên liệu và các tổ hợp năng lượng… sau khi phương Tây rút lui, từ đó làm suy giảm thiệt hại do lệnh trừng phạt gây ra đối với nền kinh tế Nga.

242ab1900e4d4541bb25a53a056fb3f9.jpeg
Năm 2023, xuất khẩu năng lượng và nguyên liệu thô của Nga có thể đối mặt với nguy cơ giảm sản lượng và giá cả do suy giảm nhu cầu. Ảnh: Sohu

Theo các chuyên gia, năm 2023, khả năng suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, bao gồm cả châu Âu và Mỹ, sẽ tăng lên; nhu cầu suy giảm sẽ khiến xuất khẩu năng lượng và nguyên liệu thô của Nga đối mặt với nguy cơ giảm sản lượng và giá cả.

Ngày 5/12/2022, lệnh áp giá trần của Liên minh châu Âu (EU) đối với dầu thô xuất khẩu bằng đường biển của Nga có hiệu lực. Theo đó, nếu giá dầu vượt quá 60 USD/thùng, các nước EU sẽ cấm các đơn vị liên quan cung cấp dịch vụ bảo hiểm, tài chính và các dịch vụ khác cho hoạt động vận chuyển dầu của Nga.

Gần như cùng lúc, đồng rúp của Nga đã giảm mạnh so với các đồng tiền chủ chốt, từ 61 rúp đổi 1 USD vào ngày 30/11/2022 xuống còn 72 rúp đổi 1 USD, tỷ lệ mất giá 18%. Nguyên nhân phần lớn là do tâm lý lo ngại lệnh trừng phạt của Mỹ và các nước phương Tây đối với dầu thô của Nga và mức giá trần sẽ ảnh hưởng đến doanh thu xuất khẩu dầu mỏ của nước này trong tương lai.

Trong trường hợp dầu thô Brent Biển Bắc có giá khoảng 80 USD/thùng thì giá dầu Ural của Nga hiện chỉ còn gần 50 USD/thùng. Với vai trò là trụ cột quan trọng của nền kinh tế Nga, hơn một nửa tổng thu nhập củaNga đến từ dầu khí, bởi vậy, nền kinh tế Nga năm 2023 vẫn sẽ chịu nhiều áp lực do lệnh trừng phạt.

Đồng thời, các chuyên gia kinh tế cũng nghi ngờ khả năng Nga từ bỏ "chức năng ổn định" và ủng hộ "chức năng kích thích".

Natalia Lavrova - nhà kinh tế cấp cao của BCS Global Markets - cho rằng, triển vọng kinh tế vĩ mô của Nga không chỉ bị ảnh hưởng bởi các biện pháp trừng phạt từ bên ngoài, mà còn liên quan nhiều đến định hướng chính sách kinh tế của nước này.

Bà Lavrova cho rằng, hiện Chính phủ Nga chưa thể đóng vai trò quan trọng trong việc kích thích tăng trưởng kinh tế, bởi trọng tâm chi ngân sách đang phải chuyển từ kinh tế xã hội sang an ninh quốc phòng. Tuy chính sách này có thể tránh được nguy cơ bất ổn kinh tế xã hội, nhưng sẽ khó tạo động lực cho tăng trưởng.

screenshot-2023-01-05-140707.jpg
Nhiều người dân Nga có cái nhìn tích cực về năm 2023 hơn là tiêu cực. Ảnh: Sohu

Nhìn chung, nhiều người dân Nga có cái nhìn tích cực về năm 2023 hơn là những cái nhìn tiêu cực. Theo một cuộc thăm dò do Quỹ Ý kiến ​​xã hội Nga công bố vào cuối năm 2022, 45% người Nga tin rằng năm 2023 sẽ tốt hơn năm cũ; 28% số người được hỏi cho rằng năm 2023 không có gì thay đổi; và 9% cho rằng năm 2023 sẽ tồi tệ hơn.

Trong số những người Nga nghĩ rằng năm 2023 sẽ tốt hơn, 12% số người được hỏi mong đợi xung đột Nga - Ukraine kết thúc; 10% hy vọng tăng thu nhập, và 4% hy vọng bản thân và gia đình có sức khỏe tốt; 3% hy vọng tìm được việc làm hoặc thay đổi công việc thành công và cuộc sống cá nhân của họ sẽ được cải thiện.


(0) Bình luận
Kinh tế Nga năm 2023: Liệu có khả quan?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO