Phiên hội thảo chuyên đề 03 “Phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp: Thực trạng, cơ hội, thách thức và vai trò của KTNN” tại Diễn đàn “Phát hiện những nút thắt trong thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - Vai trò của Kiểm toán Nhà nước” sáng 18/10, ông Bùi Quốc Dũng - Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước nhìn nhận, quá trình phục hồi và phát triển kinh tế trong các tháng đầu năm chưa được như kỳ vọng. Trong đó, tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm chỉ đạt 4,24% khiến cho mục tiêu tăng trưởng năm 2023 và cả giai đoạn 2021 - 2025 rất khó khăn.
Ông Dũng cho rằng, chính những khó khăn này đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương phải chung tay tháo gỡ những nút thắt, tìm ra động lực mới để thúc đẩy nhanh hơn quá trình phục hồi và phát triển kinh tế. Một trong những giải pháp đó là tăng cường thúc đẩy phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Việc này sẽ thu hút các nguồn lực về công nghệ, nguồn vốn, nhân lực từ bên ngoài nhằm tạo ra những động lực tăng trưởng cho các ngành, lĩnh vực, địa phương, đồng thời là nơi thử nghiệm các thể chế, cơ chế, chính sách mới kỳ vọng tạo đột phá.
"Trong giai đoạn 2016 - 2022, Kiểm toán Nhà nước đã triển khai trên 10 cuộc kiểm toán hoạt động chuyên sâu về các vấn đề môi trường, trong đó có 6 cuộc kiểm toán công tác quản lý, bảo vệ môi trường tại các khu kinh tế, khu công nghiệp.
Thông qua hoạt động kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã làm rõ hơn các bất cập, hạn chế của các cơ chế chính sách, từ đó đưa ra những đề xuất, kiến nghị nhằm khai thác các nguồn lực cho phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp", ông Dũng cho biết.
Ngoài ra, các nút thắt được đề cập tại Hội thảo là: công tác quy hoạch chưa đáp ứng được yêu cầu mà còn mang tính cục bộ; tính gắn kết giữa quy hoạch phát triển công nghiệp, hạ tầng xã hội, nguồn nhân lực sử dụng đất đai và hạ tầng giao thông chưa cao. Việc phát triển các KKT, KCN chưa đáp ứng được liên kết vùng. Nhiều KKT, KCN chú trọng đến giải quyết công ăn việc làm nhiều hơn là thu hút những ngành nghề có tính đột phá và công nghệ cao. Các vấn đề bảo vệ môi trường vẫn là vấn đề nhức nhối, đặc biệt là tại các cụm công nghiệp, các địa phương.
Bên cạnh đó, còn có sự khác biệt trong chính sách ưu đãi giữa các địa phương; có sự chồng chéo giữa một số quy định trong một số luật liên quan, đặc biệt là chính sách về thuế và ưu đãi miễn, giảm thuế; hiệu quả sử dụng đất chưa cao...
Từ thực tế đó, các đại biểu dự Hội thảo đề xuất một số các giải pháp để phát triển các KKT, KCN; trong đó các đại biểu nhấn mạnh việc hoàn thiện khung pháp lý, đề xuất cần có Luật về các KKT, KCN; quy hoạch phải đảm bảo nguyên tắc tiết kiệm đất đai, phát huy tối ưu nguồn lực đất đai.
Cùng với đó, cần có ưu đãi hợp lý trong thu hút đầu tư với những ngành nghề có công nghệ mới; hoàn thiện, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, phát triển hạ tầng xã hội; bảo vệ môi trường; tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các KKT, KCN.
KTNN mong rằng các phát hiện, kiến nghị của KTNN cũng như các tham luận, ý kiến trao đổi, đề xuất tại Diễn đàn sẽ là nguồn thông tin hữu ích cung cấp thêm luận cứ khoa học, thực tiễn, nhiều giá trị, làm căn cứ để các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ đưa ra các giải pháp kịp thời và phù hợp, giúp khơi thông nguồn lực phát triển kinh tế trong bối cảnh mới.
KTNN kỳ vọng, Diễn đàn sẽ có sức lan tỏa mạnh mẽ, là hoạt động thiết thực, ý nghĩa, khẳng định vai trò, vị thế, thể hiện sự sát sao, đồng hành của KTNN với Quốc hội, Chính phủ cùng các Bộ, ngành, địa phương trong quá trình giải quyết các nút thắt, thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế, hướng tới đạt chỉ tiêu cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế năm 2023 và những năm sau.