Cách Đà Nẵng 30 km về phía Nam, phố cổ Hội An (Quảng Nam) là điểm đến hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế trong nhiều năm qua. Trải bao thăng trầm lịch sử, Hội An giữ nguyên vẹn hơn một nghìn di tích kiến trúc như phố xá, nhà cửa, hội quán, đình, chùa, miếu, nhà thờ tộc, giếng cổ, mộ cổ… cùng kho tàng ẩm thực, lễ hội, văn hóa dân gian và lối sống người dân. Ảnh: Trần Trung Hiếu
Dọc các tuyến phố nhỏ hẹp là những ngôi nhà kiến trúc truyền thống được xây dựng từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19, nằm xen kẽ với các công trình kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng. Hội An vốn là thương cảng sầm uất dưới thời nhà Nguyễn, nơi giao lưu buôn bán của xứ Đàng Trong với các thương nhân đến từ các nước Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Hà Lan. Vì vậy, nhiều công trình tồn tại đến ngày nay là dấu tích của sự giao thoa văn hóa mạnh mẽ trong lịch sử.
Biểu tượng của Hội An là Chùa Cầu hay còn gọi là chùa Nhật Bản nằm ở vị trí tiếp giáp giữa đường Nguyễn Thị Minh Khai và đường Trần Phú. Ngôi chùa này được các thương gia Nhật Bản xây dựng vào cuối thế kỷ 16.
Nhiều ngôi nhà cổ có niên đại khác nhau mang phong cách kiến trúc đặc trưng cho từng giai đoạn. Trong ảnh là nhà cổ Tấn Ký nằm tại đường Bạch Đằng.
Ngày nay, Hội An vẫn còn tồn tại 5 hội quán tương ứng 5 bộ phận dân cư Hoa Kiều sinh sống ở đây: Phúc Kiến, Quảng Đông, Triều Châu, Dương Thương, Hải Nam. Trong ảnh là hội quán Quảng Đông.
Nằm ở vị trí lõi của phố cổ, đường Trần Phú là một trong những con đường đắt đỏ, sầm uất nhất Hội An.
Đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn, hầu hết nhà trong khu phố cổ đều được tận dụng kinh doanh nhà hàng, quán ăn, cửa hàng lưu niệm… Hệ thống dịch vụ du lịch phong phú của phố cổ Hội An mang đến những trải nghiệm thuận tiện cho du khách.
Hội An trong nhiều năm đã phát triển các sản phẩm du lịch phong phú. Du khách có nhiều lựa chọn để khám phá phố cổ: đi bộ, xe đạp, xích lô, đi thuyền trên sông Hoài.
Cùng với đó, cuộc sống thường nhật của người dân phố cổ với những phong tục tập quán, sinh hoạt tín ngưỡng, nghệ thuật dân gian, lễ hội văn hóa vẫn đang được bảo tồn và phát triển. Đây cũng là một thành tố đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển du lịch bền vững cho Hội An.