Không đồng ý để địa phương tham gia quản lý dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông

Linh Khang | 14:40 10/12/2021

Sáng 10/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục Phiên họp thứ 6 để cho ý kiến về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.

Không đồng ý để địa phương tham gia quản lý dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông
Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư toàn bộ dự án cao tốc Bắc Nam, chỉ giao kinh phí giải phóng mặt bằng cho các tỉnh có dự án đi qua.

Trình bày tại Phiên họp, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, Bộ Giao thông Vận tải sẽ là đầu mối tổ chức dự án.

Theo tính toán của Bộ, trong 4 năm tới, bình quân mỗi năm Bộ phải giải ngân hơn 90.000 tỷ đồng. Đây là con số lớn do đó sẽ có ảnh hưởng đến việc đảm hoàn thành tiến độ các dự án và giải ngân vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, để bảo đảm tiến độ hoàn thành và giải ngân vốn đầu tư công, Chính phủ đề xuất trường hợp địa phương có đủ năng lực, kinh nghiệm về quản lý đầu tư xây dựng công trình và có văn bản đề xuất, sẽ được xem xét giao đầu tư dự án thành phần thuộc địa giới hành chính của địa phương đó.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể dẫn chứng, thời gian Chính phủ đã giao một số địa phương xây dựng đường bộ cao tốc và có sự phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và bước đầu cho thấy việc này đã đẩy nhanh tiến độ nhưng vẫn đảm bảo chất lượng.

Ông Nguyễn Văn Thể dẫn chứng, UBND tỉnh Tiền Giang xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và UBND tỉnh Quảng Ninh xây dựng đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, Vân Đồn - Móng Cái. Gần đây nhất, Sở Giao thông Vận tải Ninh Bình được giao làm chủ đầu tư dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2017-2020 đoạn Cao Bồ - Mai Sơn… Tất cả các dự án này đều có tiến độ nhanh và chất lượng đánh giá ban đầu là đảm bảo.

Tuy nhiên, tại Phiên họp ông Vũ Hồng Thanh – Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, Báo cáo thẩm tra của Thường trực Ủy ban không đồng tình với việc giao địa phương tham gia quản lý dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông như đề xuất của Chính phủ.

Báo cáo thẩm tra viện dẫn các quy định tại Luật Giao thông đường bộ, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công... cho thấy đường cao tốc là công trình cấp đặc biệt, với tiêu chuẩn cao, đòi hỏi năng lực, kinh nghiệm quản lý và triển khai dự án ở trình độ quốc gia.

Trong khi năng lực quản lý dự án của các địa phương còn hạn chế, từ trước đến nay đa số các địa phương hiện chỉ mới quản lý đầu tư các tuyến đường cấp 3 trở xuống do đó việc giao cho địa phương tham gia quản lý dự án là không đúng quy định pháp luật và cũng khó đảm bảo được chất lượng theo yêu cầu.

Ông Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh thêm, thực tế là nhiều địa phương mà dự án đi qua chưa từng triển khai công trình quy mô lớn, phức tạp nên có thể lúng túng.

Về việc này, Bộ Trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, ở đây Chính phủ chỉ đề xuất giao cho các địa phương có đủ năng lực, kinh nghiệm về quản lý đầu tư xây dựng công trình. Còn những địa phương không đủ năng lực, kinh nghiệm về quản lý đầu tư xây dựng công trình Bộ Giao thông Vận tải sẽ trực tiếp đầu tư dự án.

Tuy nhiên, ông Vũ Hồng Thanh vẫn cho rằng, việc giải ngân vốn đầu tư công phụ thuộc vào cách thức tổ chức thực hiện, phân chia các gói thầu hợp lý để lựa chọn được nhiều nhà thầu có năng lực và cơ quan quản lý cần có chuyên môn sâu, nhiều kinh nghiệm. Việc giải ngân không phụ thuộc vào đơn vị nào quản lý đầu tư dự án.

Hơn nữa, dự án có tổng mức đầu tư lớn nếu chia nhỏ ra nhiều thành phần tham gia quản lý sẽ khó kiểm soát. Các địa phương dự án đi qua có thể tăng cường đấu nối, mở rộng, bổ sung các hạng mục để phục vụ địa phương.

“Chúng tôi đã thực hiện giám sát việc triển khai dự án cao tốc giai đoạn 2017-2020 cho thấy hầu hết các địa phương có dự án đi qua đều mong muốn bổ sung thêm hầm chui dân sinh, nút giao, cầu vượt, tăng quy mô đường gom... mà không tính đến tiêu chuẩn kỹ thuật, hiệu quả khai thác và không tính đến chi phí để đầu tư các hạng mục này là rất lớn…”, ông Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.

Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội bổ sung thêm, hiện nay ngoài Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh ra thì hầu hết các địa phương đều không đáp ứng được năng lực thi công đường cao tốc. Chỉ những đơn vị của ngành giao thông mới có đủ năng lực, kinh nghiệm làm chủ đầu tư dự án cao tốc.

Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, để triển khai nhanh dự án điều quan trọng nhất là cần tập trung vào công tác giải phóng mặt bằng. Trong khi đó việc này là vấn đề trong thẩm quyền của Chính phủ.

Khi triển khai dự án Hội đồng thẩm định dự án và nhiều chuyên gia, nhà khoa học đã có ý kiến giao Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư nên cứ theo đó mà làm.

Theo kết luận Phiên họp được đưa ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình nội dung này ra kỳ họp Quốc hội tới. Trong đó, giao Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư toàn bộ dự án cao tốc Bắc Nam, chỉ giao kinh phí giải phóng mặt bằng cho các tỉnh có dự án đi qua.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Không đồng ý để địa phương tham gia quản lý dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO